Phát hiện gây chấn động: Tìm thấy phần cổ xưa nhất của Vạn Lý Trường Thành?

Một đoạn tường thành bí ẩn mới được phát hiện ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc có thể là phần cổ nhất từng được biết đến của Vạn Lý Trường Thành thậm chí có niên đại sớm hơn 300 năm so với ước tính trước đây.

Theo tờ Global Times, các nhà khảo cổ học tại Trung Quốc vừa khai quật được dấu tích một đoạn tường thành cổ tại quận Trường Khánh, thành phố Tế Nam, tỉnh Sơn Đông. Phát hiện này được cho là một phần mất tích thuộc về hệ thống phòng thủ cổ đại của nước Tề, góp phần tạo nên Vạn Lý Trường Thành nổi tiếng.

Điều đáng kinh ngạc là các phân tích sơ bộ cho thấy đoạn tường này có thể được xây dựng từ cuối thời Tây Chu (1046–771 TCN) đến đầu thời Xuân Thu (770–476 TCN) tức gần 2.800 năm trước, sớm hơn ít nhất ba thế kỷ so với niên đại ước tính lâu nay của Vạn Lý Trường Thành.

Hiện trường khai quật các đoạn thành cổ ở TP Tế Nam, được cho là phần cổ xưa nhất của Vạn Lý Trường Thành - Ảnh: JINAN DAILY

Hiện trường khai quật các đoạn thành cổ ở TP Tế Nam, được cho là phần cổ xưa nhất của Vạn Lý Trường Thành - Ảnh: JINAN DAILY

Cuộc khai quật diễn ra từ tháng 5 đến tháng 12 năm 2024, trải rộng trên diện tích 1.100 m² tại làng Guangli. Mục tiêu là tìm kiếm dấu vết của hệ thống phòng thủ cổ đại được gọi là Vạn Lý Trường Thành của nước Tề phần được xem là "khởi thủy" của toàn bộ công trình trường thành mà sau này được Tần Thủy Hoàng mở rộng.

Theo ông Zhang Su, trưởng nhóm khảo cổ thuộc Viện Di tích Văn hóa và Khảo cổ học tỉnh Sơn Đông, ngoài các đoạn tường, nhóm nghiên cứu còn phát hiện nhiều cấu trúc công sự khác như nền nhà, hào nước, đường đi, sườn dốc, và các hố tro cho thấy nơi đây từng là một trung tâm phòng thủ có tổ chức quy mô.

Dựa trên đặc điểm kiến trúc, các nhà nghiên cứu cho rằng đoạn tường được xây dựng qua hai giai đoạn lớn. Giai đoạn đầu, thuộc thời Xuân Thu, tường thành rộng khoảng 10 mét và có thể được dựng lên từ thời nhà Chu. Giai đoạn sau thuộc thời Chiến Quốc (475–221 TCN), với một số đoạn mở rộng lên đến hơn 30 mét có thể là dấu tích từ thời kỳ hưng thịnh nhất của nước Tề.

Một số công trình có kỹ thuật xây dựng tinh vi hơn, cho thấy sự phát triển vượt bậc về công nghệ quân sự thời bấy giờ.

Không chỉ có tường thành, nhóm khai quật còn phát hiện hai ngôi nhà thời Tây Chu được chôn bên dưới các lớp tường thành đầu tiên. Các ngôi nhà có nền hình vuông với các góc bo tròn kiểu kiến trúc đặc trưng của nhà bán ngầm thời cổ đại. Phát hiện này làm dấy lên giả thuyết rằng khu vực từng là một khu dân cư nhỏ trước khi được biến thành công sự.

Dù vậy, không phải tất cả các chuyên gia đều đồng tình với nhận định đây là một phần của Vạn Lý Trường Thành. Một số ý kiến, được dẫn theo Live Science, cho rằng thuật ngữ "Vạn Lý Trường Thành" chỉ nên áp dụng cho công trình thống nhất được xây dựng dưới thời Tần Thủy Hoàng (221–210 TCN), dù ông đã tận dụng nhiều đoạn thành cổ từ các nước thời Chiến Quốc, trong đó có nước Tề.

Dù tranh cãi vẫn còn đó, phát hiện tại Sơn Đông chắc chắn là một bước tiến quan trọng trong việc tái hiện lịch sử hình thành Vạn Lý Trường Thành biểu tượng văn hóa và quân sự vĩ đại của Trung Hoa cổ đại.

Như Ý (t/h)

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/phat-hien-gay-chan-dong-tim-thay-phan-co-xua-nhat-cua-van-ly-truong-thanh/20250417083205621
Zalo