Bí ẩn đàn dê sống sót 250 năm không cần nước ngọt trên hòn đảo biệt lập ở Brazil

Các nhà khoa học đang nỗ lực giải mã một hiện tượng kỳ lạ: làm thế nào một đàn dê không những sống sót mà còn phát triển mạnh trên một hòn đảo biệt lập ngoài khơi đông bắc Brazil suốt hơn 200 năm – mà không hề có nguồn nước ngọt nào được biết đến.

Ảnh minh họa: Unplash

Ảnh minh họa: Unplash

Theo trang Oddity Central (Anh), nguồn gốc của đàn dê trên đảo Santa Bárbara – một trong năm đảo núi lửa thuộc quần đảo Abrolhos, cách bờ biển bang Bahia khoảng 70 km – vẫn còn là điều bí ẩn. Tuy nhiên, giới khoa học cho rằng chúng có thể đã được những người thực dân mang đến như một nguồn lương thực dự phòng, rồi bị bỏ lại khi quá trình thực dân hóa thất bại. Thời đó, các loài gia súc như dê, lợn và gia cầm là những loài vật nuôi phổ biến vì dễ chăm sóc và cung cấp thịt.

Theo các tài liệu lịch sử, sự hiện diện của đàn dê tại đảo Santa Bárbara đã được ghi nhận trong suốt hơn 250 năm. Điều đáng ngạc nhiên là hòn đảo nhỏ này không có bất kỳ nguồn nước ngọt nào – điều kiện tưởng chừng không thể để sinh tồn. Thế nhưng, bất chấp khí hậu khắc nghiệt, khô cằn và những cơn gió mạnh thường xuyên, đàn dê vẫn phát triển khỏe mạnh đến mức gần đây, chúng buộc phải được di dời nhằm bảo vệ hệ sinh thái bản địa mong manh của đảo.

Tháng trước, Viện Bảo tồn Đa dạng sinh học Chico Mendes (ICMBio) – đơn vị quản lý Công viên Hải dương Quốc gia Abrolhos – đã tổ chức di dời 27 con dê cuối cùng ra khỏi đảo. Quyết định này được đưa ra sau khi các nhà nghiên cứu xác định rằng sự hiện diện của đàn dê đang đe dọa sự cân bằng sinh thái, đặc biệt ảnh hưởng đến bảy loài chim biển quý hiếm đang sinh sản tại đây. Tuy nhiên, thay vì tiêu hủy, đàn dê được giữ lại để phục vụ nghiên cứu, vì chúng có thể mang trong mình những bí mật sinh tồn quý giá.

Ông Erismar Rocha, Giám đốc công viên, cho biết: “Chúng tôi tin rằng những con dê này đã phát triển các cơ chế sinh tồn đặc biệt. Nếu không được kiểm soát, chúng có thể chiếm lĩnh toàn bộ hòn đảo và tự đẩy mình đến bờ vực diệt vong”.

Một điều khiến các nhà khoa học đặc biệt chú ý là suốt nhiều năm nghiên cứu, họ chưa từng quan sát thấy đàn dê uống nước, dù chỉ một lần. Câu hỏi lớn được đặt ra là: “Chúng đã sống sót như thế nào suốt hơn 2 thế kỷ mà không cần nước ngọt?”

Đàn dê tại Công viên Hải dương quốc gia Abrolhos. Ảnh: Công viên Hải dương quốc gia Abrolhos

Đàn dê tại Công viên Hải dương quốc gia Abrolhos. Ảnh: Công viên Hải dương quốc gia Abrolhos

Hiện tại, mọi giả thuyết vẫn chỉ là suy đoán. Một số nhà khoa học cho rằng loài dê này có thể đã tiến hóa để có khả năng uống nước biển và tập tính này được duy trì qua nhiều thế hệ. Giả thuyết khác cho rằng loài cây beldroega – mọc phổ biến trên đảo và chứa hàm lượng nước cao – có thể là nguồn cung cấp độ ẩm chính giúp dê sống sót.

Không chỉ tồn tại, đàn dê ở Santa Bárbara còn phát triển một cách ấn tượng. Các nhà nghiên cứu ghi nhận tỷ lệ sinh đôi ở dê tại đảo này rất cao – dấu hiệu cho thấy chúng được nuôi dưỡng tốt và có sức khỏe vượt trội.

Thông qua việc nghiên cứu đàn dê đặc biệt này, các nhà khoa học Brazil hy vọng sẽ tìm ra chìa khóa cho khả năng thích nghi siêu việt của chúng. Điều này có thể mở ra hướng đi mới trong việc lai tạo những giống vật nuôi phù hợp với môi trường khô hạn và khắc nghiệt, đặc biệt là tại các khu vực như đông bắc Brazil, nơi đang chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu.

Vy Hân/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/chuyen-la-the-gioi/bi-an-dan-de-song-sot-250-nam-khong-can-nuoc-ngot-tren-hon-dao-biet-lap-o-brazil-20250417200750638.htm
Zalo