Các kịch bản áp thuế đối ứng của Mỹ

Chính sách thuế đối ứng, theo Tổng thống Donald Trump, có nghĩa là Mỹ áp thuế nhập khẩu đối với hàng hóa của một nước ngang bằng mức thuế mà nước đó đang áp vào hàng hóa của Mỹ.

Tuy cách giải thích chung là như vậy nhưng các chuyên gia cho rằng, Mỹ có thể triển khai chính sách theo nhiều cách. Chẳng hạn, đối ứng theo cấp độ quốc gia (tính mức thuế trung bình cố định cho mỗi quốc gia) hoặc đối ứng theo cấp độ sản phẩm cụ thể của mỗi quốc gia.

Tổng thống Donald Trump nói về chính sách thuế đối ứng trước báo chí tại Phòng Bầu dục ở Nhà Trắng hôm 13-2. Ảnh: ABC Chicago 7

Tổng thống Donald Trump nói về chính sách thuế đối ứng trước báo chí tại Phòng Bầu dục ở Nhà Trắng hôm 13-2. Ảnh: ABC Chicago 7

Theo chỉ đạo mới nhất của Tổng thống Donald Trump hôm 13-2, Đại diện Thương mại Mỹ và Bộ trưởng Thương mại Mỹ sẽ nghiên cứu và đánh giá thuế quan và các rảo cản thương mại phi thuế quan của tất cả đối tác thương mại đối với hàng hóa của Mỹ để đưa ra đề xuất về thuế đối ứng trong vòng 180 ngày tới.

Một quan chức Nhà Trắng cho biết, nhóm cố vấn thương mại và kinh tế của ông Trump sẽ nghiên cứu thuế quan từ các đối tác của Mỹ, bắt đầu từ các nước có thặng dư thương mại với Mỹ cao nhất và áp thuế cao nhất với hàng hóa Mỹ.

Để xác định mức mức thuế đối ứng, nhóm cố vấn sẽ tính đến mức thuế quan cũng như chi phí từ các rào cản phi thuế của các nước với hàng hóa xuất khẩu của Mỹ chẳng hạn như chính sách trợ cấp cho các ngành công nghiệp, quy định quản lý, khả năng định giá tiền tệ thấp và thuế giá trị gia tăng (VAT).

Vị quan chức Nhà Trắng nói thêm, trong nhiều trường hợp, thuế nhập khẩu đối ứng mới của Mỹ sẽ được nâng lên để tương đương với mức thuế nhập khẩu cao hơn của các nước khác. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu mức thuế này sẽ được áp dụng cho từng mặt hàng cụ thể của mỗi nước hay cho tất cả các sản phẩm và dịch vụ từ mỗi nước.

Trên lý thuyết, thuế quan đối ứng rất đơn giản: Mỹ sẽ áp mức thuế tương đương đối với tất cả các nước đang áp thuế nhập khẩu hàng hóa của Mỹ. Tuy nhiên, trên thực tế, mọi chuyện trở nên mơ hồ hơn nhiều vì các nước thường áp các mức thuế khác nhau đối với các loại hàng hóa khác nhau. Hơn nữa, thuế được áp dụng dưới nhiều hình thức khác nhau.

Hai nhà kinh tế Alec Phillips và Elsie Peng của ngân hàng Goldman Sachs đã phác thảo ba cách tiếp cận mà ông Trump có thể triển khai thuế đối ứng.

Theo đó, “đối ứng ở cấp quốc gia” là chiến lược đơn giản nhất”, cho phép Mỹ sẽ áp mức thuế trung bình tương đương với mức thuế trung bình mà các đối tác thương mại đang áp vào hàng hóa của Mỹ

Cách tiếp cận thứ hai là “đối ứng theo cấp sản phẩm của mỗi quốc gia”, tức áp thuế quan theo từng sản phẩm cụ thể của từng đối tác thương mại. Cuối cùng, “đối ứng có tính đến các rào cản phi thuế quan” là cách tiếp cận khó khăn nhất vì bao gồm một mạng lưới phức tạp của các chi phí đầu vào bao gồm cả phí kiểm tra hàng hóa và thuế giá trị gia tăng.

Theo biên tập viên kinh tế Taylor Tompkins của trang Investopedia.com, Mỹ có thể áp thuế đối ứng đối với từng mặt hàng cụ thể của mỗi nước. Mỹ cũng có thể chọn áp mức thuế suất trung bình cố định cho mỗi nước. Điều này có nghĩa là nước này sẽ tính toán thuế đối ứng dựa trên mức thuế quan trung bình của mỗi nước đang áp vào hàng hóa của Mỹ.

Tờ Hindustan Times của Ấn Độ cũng nhận định, Mỹ có thể triển khai thuế đối ứng theo nhiều cách, chẳng hạn đối với sản phẩm cụ thể, đối với toàn bộ ngành công nghiệp, hoặc áp một mức thuế trung bình cố định đối với tất cả hàng hóa đến từ một nước cụ thể.

Một số chuyên gia cảnh báo, nếu tính thuế đối ứng theo từng sản phẩm cụ thể thì sẽ cần sự nỗ lực khổng lồ về hậu cần của Bộ Thương mại và Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ vì các nước có biểu thuế riêng và hàng nghìn mã thuế quan.

Các nhà kinh tế của ngân Deutsche Bank ước tính, thuế quan trung bình có trọng số của Mỹ (có tính đến tầm quan trọng tương đối của mỗi sản phẩm) theo cơ chế đối ứng có thể tăng lên 4,8 %, cao hơn đáng kể so với mức thuế quan trung bình 1,5 % của nước này vào năm 2022.

Theo Paul Ashworth, nhà kinh tế trưởng phụ trách khu vực Bắc Mỹ của Capital Economics, Anh có thể đối mặt với mức thuế quan trung bình của Mỹ lên tới 24%, nếu thuế đối ứng có tính đến chi phí thuế VAT. Hiện nay, tất cả hàng hóa và dịch vụ ở Anh đều chịu thuế VAT 20%.

Tuy nhiên, Ấn Độ, Brazil và Liên minh châu Âu (EU) mới là những bên “hứng đòn” nặng nhất, có thể chịu mức thuế đối ứng của Mỹ lần lượt 29%, 28% và 25%.

Trong khi đó, ngân hàng Morgan Stanley chỉ ra rằng, Nhật Bản, Malaysia và Philippines có thể bị Mỹ nhắm mục tiêu vì những nước này áp mức thuế trung bình cao hơn đối với hàng hóa của Mỹ.

Theo Forbes, Investopedia.com, Financial Post

Khánh Lan

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/cac-kich-ban-ap-thue-doi-ung-cua-my/
Zalo