Bộ Tư pháp: Đánh thuế bất động sản theo thời gian sở hữu 'không khả thi'
Bộ Tư pháp cho rằng, giải pháp thu thuế bất động sản theo thời gian nắm giữ không khả thi. Nguyên nhân là Việt Nam chưa có sự đồng bộ trong quản lý nhà nước giữa thuế và đất đai.
Tại dự thảo tờ trình mới nhất gửi Chính phủ về đề nghị xây dựng Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế), Bộ Tài chính đề xuất nghiên cứu quy định thuế suất đối với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản theo thời gian nắm giữ.
Theo Bộ Tài chính, chính sách thuế thu nhập cá nhân hiện hành của Việt Nam không phân biệt theo thời gian nắm giữ bất động sản của người chuyển nhượng. Trong khi đó, để hạn chế tình trạng đầu cơ bất động sản, một số quốc gia trên thế giới đã sử dụng các công cụ thuế để tăng chi phí cho hành vi đầu cơ và giảm sức hấp dẫn của việc đầu cơ bất động sản trong nền kinh tế, trong đó có thuế thu nhập cá nhân.
![Bộ Tài chính đề xuất nghiên cứu quy định thuế suất đối với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản theo thời gian nắm giữ.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_579_51477222/072cdb99e9d7008959c6.jpg)
Bộ Tài chính đề xuất nghiên cứu quy định thuế suất đối với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản theo thời gian nắm giữ.
Góp ý cho đề xuất này, Bộ Tư pháp cho rằng, mức thuế cụ thể cần được nghiên cứu, xác định phù hợp, phản ánh được thực trạng hoạt động của thị trường bất động sản.
Theo cơ quan tư pháp, việc áp dụng chính sách thuế thu nhập cá nhân với chuyển nhượng theo thời gian nắm giữ cần đồng bộ với quá trình hoàn thiện các chính sách có liên quan đến đất đai, nhà ở, mức sẵn sàng của hạ tầng công nghệ thông tin về đăng ký đất đai, bất động sản.
Do đó, Bộ này cho rằng giải pháp thu thuế theo thời gian nắm giữ không khả thi. Nguyên nhân là Việt Nam chưa có sự đồng bộ trong quản lý nhà nước giữa thuế và đất đai.
Trên thực tế, việc xác định chính xác thời gian sở hữu của bất động sản gặp nhiều trở ngại do các giao dịch chuyển nhượng, thừa kế, và cho thuê có thể làm thay đổi dữ liệu sở hữu.
Hiện Bộ Tư pháp đề nghị các cơ quan chức năng cần nghiên cứu kỹ lưỡng, lấy ý kiến từ các bên liên quan trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.
Đề xuất đánh thuế theo thời gian nắm giữ được Bộ này đưa ra trong bối cảnh giá nhà ở tăng không ngừng. Theo Bộ Tài chính, chính sách này có thể thực hiện giống một số quốc gia trên thế giới để tăng chi phí và giảm sức hấp dẫn của việc đầu cơ, trong đó có thuế thu nhập cá nhân.
Kinh nghiệm cho thấy một số nơi còn áp dụng thuế với lợi nhuận thu được từ giao dịch bất động sản căn cứ theo tần suất giao dịch, thời gian mua, bán lại nhà, đất. Nếu thời gian này diễn ra càng nhanh thì thuế suất càng cao và ngược lại, theo Bộ Tài chính.
Cụ thể, tại Singapore, đất mua đi, bán lại trong năm đầu tiên bị đánh thuế 100% trên giá trị chênh lệch mua, bán. Sau 2 năm, mức thuế suất giảm còn 50% và sau 3 năm là 25%. Tại Đài Loan, giao dịch bất động sản thực hiện trong 2 năm đầu sau khi mua áp dụng thuế suất là 45%. Trong 2-5 năm, thuế suất là 35%, trong 5-10 năm thuế suất 20% và sau 10 năm là 15%.
Bày tỏ đồng tình với đề xuất này của Bộ Tài chính, ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cho rằng, việc đánh thuế thu nhập cá nhân từ mua bán nhà đất theo thời gian sở hữu sẽ hạn chế được tình trạng đầu cơ. Tuy nhiên, muốn xác định được việc mua đi bán lại các bất động sản phát sinh ngay trong giai đoạn đầu thì dữ liệu phải đầy đủ.
“Trong luật thuế phải quy định thật đầy đủ các trường hợp, bởi có người mua nhà xong vì một lý do nào đó như cần vốn nên phải bán ngay sẽ khác trường hợp mua xong bán luôn nhằm sinh lời”, ông Đính nói, đồng thời cho rằng, nên yêu cầu nộp thuế với những trường hợp có thu nhập, tức là bán có lãi, như thế mới đảm bảo công bằng với người dân. Thuế được tính trên chênh lệch giá bán và giá mua, sau đó trừ các chi phí phát sinh như lãi vay ngân hàng.
“Nguyên tắc tính thuế là có lãi mới phải nộp thuế. Khi đó, nếu bán ngay trong vài ba tháng đầu sau khi mua sẽ áp thuế suất cao trên lợi nhuận mà người bán thu được, nếu 3 - 5 - 7 năm sau mới bán, mức thuế sẽ thấp hơn”, Phó chủ tịch VNREA đề xuất.