Bộ trưởng KH&ĐT: Sẽ có nghị quyết riêng phát triển kinh tế tư nhân
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thông tin, Chính phủ sẽ báo cáo Trung ương để xin ban hành một nghị quyết riêng về phát triển kinh tế tư nhân, gồm hộ kinh doanh, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp tư nhân quy mô lớn có khả năng dẫn dắt.
![Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: quochoi.vn](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_595_51485232/31e316762538cc669529.jpg)
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: quochoi.vn
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, chiều 15/2, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên.
Thể chế vẫn là "điểm nghẽn của điểm nghẽn"
Cho ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông cho biết, năm 2025 với nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam, để thực hiện mục tiêu tăng trưởng 8%, cần phải nỗ lực rất lớn.
Góp ý về giải pháp, đại biểu Mai cho rằng, cần đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, pháp luật, nâng cao công tác tổ chức thi hành pháp luật. Theo đánh giá của Chính phủ, thể chế vẫn là "điểm nghẽn của điểm nghẽn", còn nặng về quản lý hơn là kiến tạo phát triển; một số cơ chế, chính sách chậm sửa đổi, phân cấp, phân quyền còn nhiều bất cập hạn chế.
"Tôi đề nghị trong Nghị quyết nên bổ sung tập trung đưa ra các giải pháp toàn diện, định hướng trong công tác xây dựng pháp luật để tham vấn những điểm nghẽn, từ đó làm cho thể chế không còn là "điểm nghẽn của điểm nghẽn" mà là "đột phá của đột phá", kiến tạo, tạo không gian phát triển mới," đại biểu nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, đại biểu Dương Khắc Mai cho rằng, năm 2025, đầu tư công là một trong những trụ cột để góp phần đạt được mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025 và hướng tới mục tiêu tăng trưởng 2 con số giai đoạn 2026-2030. Do vậy, cần có giải pháp cụ thể để bảo đảm giải ngân được số vốn đầu tư công đã giao, đây là khâu yếu kéo dài nhiều năm.
"Mặc dù Chính phủ, Thủ tướng đã rất quan tâm, thường xuyên đôn đốc nhưng vấn đề giải ngân vốn đầu tư công chậm, nhiều năm chưa được khắc phục một cách triệt để. Vì vậy, cần đánh giá kỹ làm rõ nguyên nhân từ thể chế cũng như trách nhiệm của các chủ thể để từ đó có giải pháp toàn diện nhằm chấm dứt tồn tại này trong thời gian tới," đại biểu nêu ý kiến.
Đi vào một số các giải pháp cụ thể, đại biểu lưu ý nhiệm vụ đẩy mạnh sửa đổi, triển khai quy hoạch điện VIII. "Tôi trân trọng đề nghị Chính phủ nhanh chóng có giải pháp tháo gỡ với các dự án năng lượng tái tạo hiện nay đang đứng im như dấu chấm than lớn giữa trời đất, gây lãng phí cho xã hội," ông Dương Khắc Mai bày tỏ.
![Đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông. Ảnh: quochoi.vn](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_595_51485232/4f6c69f95ab7b3e9eaa6.jpg)
Đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông. Ảnh: quochoi.vn
Đầu tư khu vực tư nhân cần tăng trưởng hai chữ số trở lên
Đại biểu Trịnh Xuân An - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai cho rằng mục tiêu tăng trưởng 8% và cao hơn năm nay là phép thử để chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo tăng trưởng hai con số.
Góp ý giải pháp, đại biểu Trịnh Xuân An nhìn nhận có nhiều nhiệm vụ mang tính tổng thể, cũng có giải pháp tức thì. Cụ thể, với việc điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng ở mức cao năm nay thì cần quan tâm tới các giải pháp tức thì, tức là những giải pháp có tác động ngay.
"Theo đó, cần phân loại, giải pháp nào thực hiện được ngay thì cần ưu tiên thực hiện, còn giải pháp dài hơi thì triển khai theo quy trình thông thường," đại biểu nhấn mạnh.
Cũng theo đại biểu An, muốn phát triển 8% hoặc cao hơn nữa thì cần có đầu tư và tiền. Đồng tình tăng đầu tư công, đặc biệt cần có chỉ tiêu về đầu tư tư - khu vực vừa qua có xu hướng giảm.
Với kịch bản GDP trên 8% năm nay, khu vực kinh tế tư nhân được kỳ vọng đóng góp khoảng 96 tỷ USD trong 174 tỷ USD tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Ông Trịnh Xuân An cho rằng cần cơ chế để tăng đầu tư tư nhân, khi khu vực này chiếm 55% tổng mức đầu tư toàn xã hội.
"Đầu tư kinh tế tư nhân bình quân tăng 7-9% một năm, nhưng vừa qua có xu hướng giảm. Cần đặt chỉ tiêu và có giải pháp để đầu tư khu vực này tăng hai chữ số trở lên, góp phần vào tăng trưởng kinh tế," đại biểu tỉnh Đồng Nai góp ý.
Trong đó, muốn đầu tư tăng, theo quan điểm của đại biểu, phải dựa vào nguồn lực tín dụng. Nếu tăng trưởng tín dụng bình bình 15-16% thì khó hoàn thành mục tiêu này, mức tăng trưởng tín dụng phải tầm 18-19%, tất nhiên, có câu chuyện liên quan chính sách tiền tệ, lạm phát, nhưng nếu không có tín dụng thì khó phát triển, đại biểu An nêu.
Cùng với đó, đại biểu Đồng Nai cho rằng cần thay đổi quy trình thủ tục để doanh nghiệp tư nhân phát triển. Chính phủ đang có thay đổi trong quản trị là giao chỉ tiêu cho các địa phương. Tuy nhiên, nếu giải pháp tăng trưởng chỉ làm đơn thuần mà không đi cùng các gói hỗ trợ cụ thể thì khó triển khai, đại biểu chia sẻ quan điểm tại nghị trường Quốc hội.
![Đại biểu Trịnh Xuân An - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai. Ảnh: quochoi.vn](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_595_51485232/755550c0638e8ad0d39f.jpg)
Đại biểu Trịnh Xuân An - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai. Ảnh: quochoi.vn
Phát biểu giải trình vấn đề đại biểu nêu, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu các ý kiến đại biểu nêu để hoàn thiện dự thảo nghị quyết.
Theo Bộ trưởng Dũng, Chính phủ sẽ báo cáo Trung ương để xin ban hành một nghị quyết riêng về phát triển kinh tế tư nhân, gồm hộ kinh doanh, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp tư nhân quy mô lớn có khả năng dẫn dắt.
Về ngắn hạn, Bộ trưởng cho biết Chính phủ tiếp tục hoàn thiện thể chế, hoàn thành sớm việc tổ chức sắp xếp bộ máy để không ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Bên cạnh các động lực truyền thống (xuất khẩu, tiêu dùng, đầu tư), mở rộng và phát triển các động lực tăng trưởng mới như kinh tế xanh, kinh tế số... cũng là giải pháp cần chú ý.
Về dài hạn, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, phân cấp phân quyền triệt để hơn; thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; phát huy nhân lực chất lượng cao, phát triển khu vực kinh tế tư nhân.
Bộ trưởng cũng mong đại biểu Quốc hội giám sát ngay ở địa phương việc thực hiện Nghị quyết số 25/NQ-CP về mục tiêu tăng trưởng các ngành, lĩnh vực và địa phương bảo đảm mục tiêu tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên để cùng thực hiện, hoàn thành được mục tiêu phát triển đã đề ra.