Đại biểu Quốc hội hiến kế để đạt tăng trưởng GDP trên 8%
Chiều 15/2, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên.
Đại biểu Nguyễn Văn Thân (đoàn Thái Bình)

Đại biểu Nguyễn Văn Thân (đoàn Thái Bình)
Cần có giải pháp cụ thể với 5 triệu hộ kinh doanh
Đại biểu Nguyễn Văn Thân (đoàn Thái Bình), Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đề nghị Quốc hội sớm nhất trí điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm nay lên 8% như đề xuất của Chính phủ.
Nêu ý kiến đóng góp để đạt tăng trưởng GDP trên 8%, dưới góc độ của doanh nghiệp, ông Thân đề nghị có nghị quyết quy định sự phối hợp, liên kết giữa doanh nghiệp nhỏ và vừa với doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp lớn với nhau và với doanh nghiệp FDI.
Các dự án không nên quá tập trung vào nhau, dự án thuộc Chính phủ thì Thủ tướng quyết, thuộc bộ thì bộ quyết, thuộc tỉnh thì tỉnh quyết. Điều này nhằm tránh phiền hà trong khi đấu thầu.
Đại biểu Thân cũng đề xuất, các doanh nghiệp nhà nước được giao nhiệm vụ gì thì làm nhiệm vụ đó, không nên lấn sân sang nhiệm vụ khác. Ví dụ Tập đoàn Dầu khí thì chỉ nên tập trung vào dầu khí, Tập đoàn Điện lực thì chỉ làm điện lực… không lấn sân sang bất động sản và các lĩnh vực khác.
Tiếp theo, cần có chỉ tiêu đánh giá kết quả công việc cán bộ, công chức, viên chức nhà nước. Bởi đây là những người hưởng lương từ ngân sách nên cần có đánh giá kết quả 3 tháng, 6 tháng, 1 năm.
"Những người hoàn thành và xuất sắc sẽ được tặng thưởng bằng khen theo cấp bậc khác nhau, thậm chí cả đề bạt, thăng chức", ông Thân đề nghị.
Vị đại biểu cũng đề cập đến 5 triệu hộ kinh doanh hiện nay chúng ta chưa định nghĩa được và đề nghị thu thuế của nhóm này, bởi kinh doanh buôn bán thì phải có nghĩa vụ với xã hội.
"Nghĩa vụ thế nào thì các cơ quan chức năng chuyên môn phải đưa ra, song phải tạo điều kiện, không gây phiền nhiễu. Phải có một giải pháp cụ thể với 5 triệu hộ kinh doanh này", ông Thân nêu quan điểm.
Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng cần tin tưởng giao việc cho doanh nghiệp tư nhân. Cuối cùng là gỡ bỏ các nút thắt đang triển khai của các dự án vi phạm hoặc vướng luật trên tinh thần vì mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Phải có chỉ tiêu về đầu tư tư nhân
Theo đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai), điều quan trọng nhất để thúc đẩy tăng trưởng 8% trong năm 2025 là nguồn lực. Ông An đồng tình đẩy mạnh đầu tư công và kiến nghị phải có chỉ tiêu về đầu tư tư, vì nhóm này đang tăng trưởng thấp (7-9%) và có xu hướng giảm thời gian qua.

Đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai)
"Muốn tăng đầu tư, theo đại biểu, phải dựa vào nguồn lực tín dụng. Nếu tăng trưởng tín dụng bình bình 15-16% thì khó, phải tầm 18-19%. Tất nhiên có câu chuyện liên quan chính sách tiền tệ, lạm phát, nhưng nếu không có tín dụng thì doanh nghiệp khó có nguồn vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh", ông An nói.
Đại biểu hoan nghênh việc Chính phủ thay đổi phương thức quản trị khi giao chỉ tiêu tăng trưởng cho các địa phương. Ông đề nghị các chỉ tiêu này cần được giao cao hơn cho các địa phương là động lực tăng trưởng.
"Hà Nội, TP.HCM được giao tăng trưởng 8-8,5%. Đây là hai đầu tàu tăng trưởng, liệu hai thành phố tăng trưởng 2 con số được không? Nếu hai thành phố tăng trưởng 2 con số thì sẽ đạt được mục tiêu chung cả nước", đại biểu Trịnh Xuân An nói.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Sẽ đề xuất có nghị quyết riêng về phát triển kinh tế tư nhân
Về vấn đề này, khi phát biểu tiếp thu giải trình sau phiên thảo luận chiều 15/2, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc tăng trưởng trên 8% năm 2025 dù khó khăn, thách thức nhưng Chính phủ nhận được sự đồng thuận, quyết tâm rất cao của Trung ương, địa phương và toàn xã hội.
"Đây là vấn đề rất quan trọng bởi chỉ có quyết tâm, chúng ta mới có thành tích tốt", ông Dũng nói.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cho rằng niềm tin nhà đầu tư, người dân đã được tăng cường củng cố lên rất cao. Tỷ lệ doanh nghiệp thành lập, quay trở lại và thu hút FDI đang lớn dần.
Cùng với đó, theo ông Dũng, nhiều điểm nghẽn, vướng mắc của các dự án lâu nay cũng đã được tháo gỡ. Nhiều dự án hạ tầng chiến lược được đẩy nhanh tiến độ, đưa vào khai thác đẩy nhanh năng lực phát triển, các FTAs mới mở ra cho không gian thương mại phát triển.
Tuy nhiên, thách thức hiện vẫn còn rất nhiều, Tư lệnh ngành Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, thế giới đang rất phức tạp, đặc biệt là chính sách của Mỹ, đã, đang và sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thương mại toàn cầu và Việt Nam không nằm ngoài vòng tác động đó.
Tuy vậy, Chính phủ đã lường trước được những vấn đề bất thường, bất định có khả năng xảy ra nếu cuộc chiến thương mại mới xảy ra nên đã sớm chỉ đạo các bộ, ngành sớm chủ động các phương án ứng phó.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng
"Nền kinh tế chúng ta vẫn có những rào cản, các dự án tồn đọng, ách tắc, nguồn lực chậm được tháo gỡ. Bên cạnh đó, các vấn đề nội tại như nền tảng khoa học công nghệ chậm được đổi mới, năng suất lao động rất khó chuyển biến trong ngày một ngày hai, thiên tai dịch bệnh, già hóa dân số là thách thức lớn cần giải pháp tháo gỡ", Bộ trưởng Dũng nêu.
Theo ông Dũng, thời gian còn lại của chúng ta không nhiều, trong khi rất nhiều việc phải làm trong năm 2025. Tuy nhiên, theo ông Dũng, động lực nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng cao hiện có nhiều.
Ngoài các yếu tố kể trên, thế và lực của chúng ta đang ngày càng lớn mạnh. Việt Nam có sự ủng hộ, hỗ trợ khu vực, quốc tế rất lớn; các điểm nghẽn đang được sửa đổi, hoàn thiện…
Nêu giải pháp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra hàng loạt giải pháp góp phần tăng trưởng 8%, trong đó nhấn mạnh đến các động lực tăng trưởng mới như: công nghệ, kinh tế xanh, kinh tế số, thị trường xuất khẩu mới và các kênh tăng trưởng, phát triển mới kinh tế số, thương mại điện tử, du lịch, logistics…
Ông Dũng gợi mở kinh tế Việt Nam cần tận dụng được sự dịch chuyển dòng đầu tư thương mại thế giới, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, tái tạo không gian phát triển.
"Ngay sau khi Quốc hội thông qua đề án này, Chính phủ sẽ tổ chức ngay hội nghị với tất cả địa phương, mỗi một địa phương phải tăng trưởng đúng chỉ tiêu được giao", ông Dũng nêu rõ.
Bên cạnh đó, Chính phủ sẽ báo cáo Trung ương để ban hành một nghị quyết riêng về phát triển kinh tế tư nhân, gồm hộ kinh doanh, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp tư nhân quy mô lớn có khả năng dẫn dắt.
Về dài hạn, Bộ trưởng cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế phân cấp phân quyền triệt để hơn; thực hiện tốt Nghị quyết 57, phát huy nhân lực chất lượng cao, phát triển khu vực kinh tế tư nhân.
Với những gì đã và đang làm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng bày tỏ tin tưởng sẽ đạt được mục tiêu GDP năm nay trên 8%.