Ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp
Những năm qua, huyện Thiệu Hóa luôn quan tâm, nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật (KHKT) và chuyển giao công nghệ vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Đây được xem là hướng đi tất yếu và lâu dài, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị nông sản, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.

Vùng sản xuất rau an toàn tập trung tại thị trấn Thiệu Hóa.
Sau nhiều năm sản xuất, bà Lê Thị Dung, thị trấn Thiệu Hóa nhận thấy canh tác truyền thống có nhiều bất cập, rủi ro, hiệu quả kinh tế không cao. Với mong muốn cung cấp ra thị trường những sản phẩm an toàn, chất lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, năm 2013, bà mạnh dạn vay vốn đầu tư xây dựng mô hình trồng rau, củ an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP và xây dựng nhà màng với diện tích 1.000m2 sản xuất dưa vàng.
Bà Dung cho biết: “Để sản xuất theo hướng công nghệ cao, ngoài hệ thống nhà lưới, giàn tưới tự động được đầu tư, việc áp dụng các biện pháp KHKT, sổ ghi chép lịch thời vụ cũng phải được thực hiện theo đúng yêu cầu. Nhà lưới, nhà màng trồng rau, quả được thiết kế vật liệu bằng khung thép chịu lực, dễ tháo lắp, phía trên phủ lớp màng dày, xung quanh có lưới giúp chắn mưa, nắng, ngăn côn trùng xâm nhập. Bên cạnh đó, tôi lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt tự động ứng dụng từ công nghệ Isreal đến từng gốc cây; phân được hòa vào nước rồi theo hệ thống tưới nhỏ giọt cung cấp dinh dưỡng cho cây phát triển”.
Nhờ chăm sóc đúng quy trình, theo dõi chặt chẽ chế độ dinh dưỡng nên các loại rau, củ trong mô hình của bà Dung đều xanh tốt, mỗi vụ sản xuất đều được các thương lái đặt hàng từ sớm; còn đối với dưa Kim Hoàng Hậu, chỉ sau gần 3 tháng, quả có trọng lượng từ 1,5kg trở lên/quả. Việc ứng dụng KHKT vào sản xuất đã mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội, bởi quy trình canh tác chủ động gần như hoàn toàn về thời tiết khí hậu, phòng ngừa sâu bệnh hại, chất lượng sản phẩm đồng đều, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP.
Thời gian qua, huyện Thiệu Hóa đã tích cực khuyến khích, hỗ trợ người dân triển khai xây dựng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi ứng dụng KHKT. Đối với giống lúa, huyện sản xuất rộng rãi các giống lúa có năng suất, chất lượng cao, như: CP134, TBR225, BC15, VNR20, TBR225, Q5, VNR88, VNR20, Đài Thơm 8...
Để tạo điều kiện thuận lợi cho ứng dụng KHKT, huyện đã tập trung đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, trong đó sản xuất theo hướng công nghệ cao gần 250ha; phát triển được 42ha sản xuất rau an toàn; hơn 14ha nhà màng sản xuất các loại cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao. Huyện cũng tập trung chỉ đạo việc ứng dụng các kỹ thuật canh tác, bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất, công nghệ bảo quản sau thu hoạch, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP... Các mô hình ứng dụng công nghệ sinh học, các phương pháp canh tác tiên tiến như: nhà lưới, nhà màng, sử dụng chế phẩm sinh học, công nghệ tưới tiêu nhỏ giọt... được triển khai để tạo ra các sản phẩm năng suất, chất lượng cao, mang tính đột phá cho các nhóm cây trồng chính.
Lĩnh vực chăn nuôi cũng được huyện chú trọng chỉ đạo thực hiện; hỗ trợ người dân áp dụng tiến bộ trong thụ tinh nhân tạo, tạo ra các giống bò lai có năng suất và chất lượng cao như bò lai Zebu, bò lai BBB; riêng bò lai BBB có giá trị cao gấp 1,5 lần các giống bò khác tại cùng thời điểm... Huyện đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích người dân liên kết với các doanh nghiệp xây dựng các trang trại chăn nuôi lợn, gà ứng dụng KHKT vào sản xuất như chăn nuôi trong chuồng kín, nuôi sàn, điều hòa nhiệt độ và ẩm độ nhờ bộ phận làm mát, thức ăn và nước uống được cung cấp bán tự động, chủ động xử lý chất thải và kiểm soát dịch bệnh...
Việc ứng dụng, chuyển giao KHKT vào sản xuất nông nghiệp ở huyện đã khẳng định được ưu thế vượt trội và yếu tố quyết định trong việc nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, sản lượng và giá trị của sản phẩm. Đồng thời, nâng cao kỹ thuật canh tác và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường... Ông Trịnh Đức Hùng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thiệu Hóa, cho biết: "Từ những kết quả đã đạt được, huyện tiếp tục hỗ trợ người dân ứng dụng KHKT để phát triển sản xuất, như: cải tạo tầm vóc đàn trâu, bò, xây dựng hầm biogas, sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi để nâng cao hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, hình thành và phát triển các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, vùng sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, tiêu chuẩn hữu cơ... Đồng thời, xây dựng nhãn hiệu sản phẩm; tăng cường các mối liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị các sản phẩm chủ lực của địa phương...