Công nghệ vệ tinh có thể giúp Đông Nam Á phát triển
Kết quả từ báo cáo nghiên cứu mới nhất chỉ ra rằng việc tăng cường công nghệ vũ trụ và phóng thêm nhiều vệ tinh đóng vai trò như 'con mắt trên Trái đất' có thể mang lại nhiều tiền hơn cho Đông Nam Á.

Công nghệ vệ tinh giúp ích rất nhiều cho sự phát triển của khu vực Đông Nam Á. Ảnh minh họa: Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
Cụ thể, theo báo cáo của Tổ chức phi lợi nhuận Singapore Space and Technology Ltd (SSTL) và công ty tư vấn Deloitte, việc tận dụng dữ liệu quan sát Trái đất, đơn cử như hình ảnh vệ tinh, có thể đóng góp thêm 100 tỷ USD vào GDP của khu vực vào năm 2030. 90% lợi ích kinh tế bổ sung này dự kiến sẽ được chuyển vào 4 ngành công nghiệp chính, gồm: nông nghiệp, khai khoáng và dầu khí, điện và ứng phó khẩn cấp.
Ví dụ, ngành điện và ngành dịch vụ tiện ích (utilities sector) có thể được hưởng lợi khi hình ảnh vệ tinh có thể giúp các công ty năng lượng tìm địa điểm xây dựng các trang trại điện mặt trời hoặc điện gió ở Thái Lan, nơi đặt mục tiêu đến năm 2037 sẽ sản xuất 51% điện từ năng lượng tái tạo.
Trong khi đó, đối với các dự án năng lượng gió, việc đánh giá chính xác tốc độ gió và tìm vị trí tốt nhất để lắp đặt tua-bin là rất quan trọng.
Bài báo cáo nêu rõ: “Các phương pháp truyền thống để đo tốc độ gió và đánh giá các khu vực rộng lớn khá tốn kém thiết bị trên mặt đất. Tuy nhiên, hình ảnh vệ tinh lại cung cấp một giải pháp thay thế tiết kiệm chi phí hơn bằng cách cho phép phân tích toàn diện các khu vực địa lý rộng lớn”.
Với sự hỗ trợ của công nghệ vệ tinh, hiệu quả của dự án điện xanh sẽ được cải thiện khi chi phí giảm và tiến độ xây dựng được đẩy nhanh.
Bà Michelle Khoo, một trong những tác giả của báo cáo và là đồng lãnh đạo Trung tâm Edge của Deloitte Đông Nam Á cho biết, chính những cải thiện về năng suất này đã mang lại một số lợi ích kinh tế cho khu vực Đông Nam Á.
Bên cạnh đó, giúp tránh chi phí phát sinh cũng là một trong những cách mà công nghệ vệ tinh có thể hỗ trợ trong tiến trình đạt được mục tiêu kinh tế tổng thể.
Điều này được thể hiện rõ nhất khi vệ tinh cho phép theo dõi liên tục các khu vực dễ xảy ra bão, cháy rừng, lũ lụt và các thảm họa thiên nhiên khác. Và nhờ dữ liệu vệ tinh, các bản đồ chính xác có thể được tạo ra để hỗ trợ cho việc lập kế hoạch phục hồi sau thảm họa trước mắt và trong kế hoạch dài hạn.
Đối với công tác giám sát, các hành động sẽ được thực hiện sớm hơn để giảm thiểu tác động của thiên tai, nhờ đó ngăn ngừa những tổn thất nghiêm trọng về cơ sở hạ tầng.
Trong một thông tin có liên quan, tính riêng năm 2023, đối với khu vực Đông Nam Á, giá trị kinh tế của dữ liệu quan sát Trái đất ước tính đạt 15 tỷ USD.
Đến năm 2030, việc tăng cường áp dụng công nghệ quan sát Trái đất có thể giúp giá trị kinh tế của khu vực tăng gấp 3 lần, lên mức 45 tỷ USD/mỗi năm. Xét đến hiệu quả tổng thể, điều này sẽ đóng góp thêm 100 tỷ USD vào GDP của khu vực.
Trong các quốc gia ở Đông Nam Á, Indonesia dự kiến sẽ thu được khoảng 50% trong tổng số những lợi ích kinh tế này nhờ vào các ngành nông nghiệp và tài nguyên thiên nhiên rộng lớn của đất nước.
Trong khi đó, Phó giáo sư Tang Hao từ Đại học Quốc gia Singapore cho biết, dữ liệu vệ tinh có độ phân giải cao có thể cung cấp bằng chứng khách quan về tình trạng phá rừng trên một khu vực rộng lớn. Từ đó, giúp giảm đáng kể nguy cơ gian lận dự án và nâng cao hiệu quả kiểm toán dự án.
Ngoài ra, việc nghiên cứu các hình ảnh vệ tinh trong lịch sử có thể giúp chính phủ các nước thiết lập cơ sở dữ liệu về rừng, dự đoán xu hướng tương lai và xác định các rủi ro tiềm ẩn như hạn hán và cháy rừng.
Tuy nhiên, sau khi phân tích kỹ bài báo cáo, Phó giáo sư Tang Hao vẫn phải khẳng định rằng không phải tất cả dữ liệu quan sát Trái đất đều được tạo ra như nhau và vẫn tồn tại những hình ảnh chất lượng thấp. Đáng lưu ý, hầu hết các dự án Carbon đều có yêu cầu giám sát ít nhất 10 năm hoặc thậm chí là nhiều thập kỷ, dài hơn nhiều so với tuổi thọ thông thường của một vệ tinh đơn lẻ trên quỹ đạo Trái đất tầm thấp. Việc sử dụng dữ liệu quan sát Trái đất, ngay cả hình ảnh có độ phân giải rất cao vẫn không đảm bảo một dự án Carbon chất lượng cao, bởi nó đòi hỏi cả sự phát triển kỹ thuật và hiểu biết khoa học để mang lại những lợi ích đã hứa hẹn.
Dù vậy, với tiềm năng và cơ hội phát triển tại khu vực, một khi chính phủ các nước đề ra chính sách phù hợp và tích cực triển khai hành động theo đúng quy trình, công nghệ vệ tinh sẽ giúp ích khá tốt cho sự phát triển sau này của Đông Nam Á.