Mạng xã hội sử dụng tin bài của cơ quan báo chí phải có thỏa thuận với cơ quan báo chí

Theo đó, dự thảo Luật quy định, trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội sử dụng tin/bài của cơ quan báo chí phải có thỏa thuận với cơ quan báo chí…

Dự thảo Luật Báo chí sửa đổi:

Mạng xã hội sử dụng tin bài của cơ quan báo chí phải có thỏa thuận với cơ quan báo chí

Trong dự thảo Luật Báo chí sửa đổi đang được Bộ Thông tin và Truyền thông lấy ý kiến đã có bổ sung quy định về hoạt động của cơ quan báo chí trên không gian mạng.

Theo đó, Điều 30 - hoạt động báo chí trên không gian mạng có quy định, hoạt động trên không gian mạng của cơ quan báo chí phải tuân thủ quy định pháp luật về báo chí, quy định pháp luật về an ninh mạng, quy định về tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí và phù hợp với các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Nhà nước đầu tư công cụ số để thực hiện giám sát hoạt động báo chí trên không gian mạng phục vụ công tác quản lý báo chí; thúc đẩy hình thành và phát triển các nền tảng số quốc gia cho báo chí.

Nền tảng số báo chí ngoài đăng nội dung báo chí còn được tích hợp hoạt động dịch vụ trực tuyến theo quy định của pháp luật.

Trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội sử dụng tin/bài của cơ quan báo chí phải có thỏa thuận với cơ quan báo chí. Việc thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp, cung cấp dịch vụ mạng xã hội của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Điều 31 của dự thảo Luật cũng quy định trách nhiệm của cơ quan báo chí khi hoạt động báo chí trên không gian mạng.

Theo đó, dự thảo Luật quy định, cơ quan báo chí chịu trách nhiệm về nội dung, bản quyền khi đăng, phát thông tin lên không không gian mạng.

Thông tin do cơ quan báo chí đưa lên không gian mạng phải có đăng, phát trên hệ thống chính thống của cơ quan báo chí, biên tập nội dung phù hợp với không gian mạng.

Cơ quan báo chí thực hiện đăng ký/thông báo, kết nối hệ thống với cơ quan quản lý nhà nước về báo chí khi mở các kênh nội dung trên không gian mạng.

Cơ quan báo chí phải thực hiện kết nối trực tuyến với hệ thống của cơ quan quản lý nhà nước về báo chí để đo kiểm xu hướng thông tin trên không gian mạng theo quy định của Chính phủ.

Chuyển đổi số báo chí đã trở thành vấn đề sống còn của báo chí

Lý giải về các quy định này, trong tờ trình gửi Chính phủ, theo cơ quan soạn thảo, công nghệ số đã trở thành lực lượng sản xuất cơ bản của hầu hết các lĩnh vực, ảnh hưởng mạnh mẽ nhất và sâu rộng nhất là tới lĩnh vực báo chí. Việc sử dụng công nghệ số để làm báo, chuyển đổi số báo chí đã trở thành vấn đề sống còn của báo chí, nhằm xây dựng nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại, lan tỏa các thông tin báo chí và định hướng dư luận trên không gian mạng, góp phần giữ vững chủ quyền thông tin quốc gia trên không gian mạng.

Với xu thế phát triển của công nghệ, nền tảng số, mạng xã hội trở thành phương tiện có tiềm năng lớn trong việc truyền tải thông tin trên không gian mạng. Do đó, việc các cơ quan báo chí có kênh nội dung trên không gian mạng là một xu thế tất yếu của quá trình chuyển đổi số báo chí để lan tỏa nội dung báo chí đến người đọc theo những phương thức mới, khai thác nguồn thu quảng cáo số từ phương thức này. Cùng với sự phát triển này, hiện nay, nhiều sai phạm trong lĩnh vực báo chí diễn ra trên không gian mạng. Tuy nhiên, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí gặp khó khăn trong việc xử lý những vi phạm này.

Ngoài ra, trong bối cảnh doanh thu của các cơ quan báo chí sụt giảm, Nhà nước lại chưa có được những chính sách hỗ trợ, thúc đẩy cơ quan báo chí đưa thông tin lên không gian mạng nhằm định hướng dư luận trên không gian mạng, giữ vững chủ quyền thông tin quốc gia trên không gian mạng. Trong khi đó, các kênh nội dung trên nền tảng số, mạng xã hội thu hút rất nhiều lượng độc giả hàng ngày, và có khả năng lấn át hoạt động, thay thế các phương thức truyền thông truyền thống.

Theo quy định của Luật Báo chí hiện hành, trang thông tin điện tử tổng hợp là sản phẩm thông tin có tính chất báo chí. Với sự phát triển của hoạt động báo chí trên không gian mạng hiện nay, trang thông tin điện tử tổng hợp không còn nhiều hữu ích đối với việc lan tỏa thông tin báo chí trên không gian mạng. Đồng thời, trang thông tin điện tử tổng hợp đang gây ra nguy cơ tranh chấp về bản quyền đối với tác phẩm báo chí, cạnh tranh thu hút quảng cáo số với cơ quan báo chí, làm ảnh hưởng đến nguồn thu của cơ quan báo chí.

Dự kiến sẽ không quy định trang thông tin điện tử tổng hợp là sản phẩm thông tin có tính chất báo chí và quy định cơ quan báo chí không hoạt động trang thông tin điện tử tổng hợp, nếu có nhu cầu thì hoạt động báo, tạp chí điện tử.

Bên cạnh trang thông tin điện tử tổng hợp, hiện nay, mạng xã hội có tác động, ảnh hưởng đến báo chí, có nguy cơ lấn át hoạt động báo chí trên không gian mạng, thu hút mất nguồn doanh thu từ quảng cáo số của báo chí. Tuy nhiên chưa có quy định ở cấp độ luật về mạng xã hội. Do đó, cần thiết có quy định để quản lý, phát huy mặt tích cực của mạng xã hội, đồng thời hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực đến báo chí.

Hiện nay, theo quy định của Luật Báo chí 2016, Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện cấp giấy phép hoạt động báo chí điện tử trên tên miền. Cơ quan quản lý nhà nước chỉ thực hiện quản lý trên tên miền đó, không quản lý hoạt động và nội dung báo chí trên không gian mạng.

Cơ quan báo chí hoạt động mạnh mẽ trên không gian mạng cũng kéo theo nhiều sai phạm trong lĩnh vực báo chí diễn ra trên không gian này, trong khi đó, phương pháp tiếp cận “quản lý theo phương tiện” đã dẫn đến việc cơ quan quản lý nhà nước về báo chí không thể xử lý những vi phạm này. Hiện nay, những vi phạm này đang được xử lý theo quy định của pháp luật về thông tin điện tử, không phải quy định pháp luật về báo chí mặc dù hành vi vi phạm có chủ thể là cơ quan báo chí. Chính sách của Nhà nước về phát triển báo chí cũng không áp dụng đối với hoạt động báo chí trên không gian mạng.

Quy định pháp luật về báo chí hiện nay không có quy định về việc đầu tư các công cụ số để giám sát hoạt động báo chí trên không gian mạng; đồng thời không có quy định về việc các cơ quan báo chí phải kết nối trực tuyến với cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, do đó, các cơ quan quản lý nhà nước gặp rất nhiều khó khăn trong việc giám sát hoạt động báo chí trên không gian mạng, chưa nâng cao được hiệu quả quản lý nhà nước về báo chí.

Từ các căn cứ nêu trên, Bộ Thông tin và Truyền thông nhận thấy cần thiết phải xây dựng Luật Báo chí (sửa đổi) nhằm hoàn thiện quy định pháp luật để thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về báo chí; điều chỉnh, quản lý hoạt động báo chí kịp thời, phù hợp trong bối cảnh sự phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng của khoa học, công nghệ, truyền thông hiện đại; khắc phục những hạn chế, bất cập trong quy định pháp luật về báo chí hiện hành.

Minh Dương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/mang-xa-hoi-su-dung-tin-bai-cua-co-quan-bao-chi-phai-co-thoa-thuan-voi-co-quan-bao-chi-409619.html
Zalo