Bộ Giáo dục và Đào tạo lập đoàn kiểm tra việc dạy thêm, học thêm

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa quyết định thành lập đoàn kiểm tra việc thực hiện Thông tư số 29 quy định về dạy thêm, học thêm.

Đoàn kiểm tra có trách nhiệm kiểm tra việc thực hiện Thông tư 29 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về dạy thêm, học thêm (ảnh minh họa)

Đoàn kiểm tra có trách nhiệm kiểm tra việc thực hiện Thông tư 29 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về dạy thêm, học thêm (ảnh minh họa)

Theo đó, đoàn kiểm tra có trách nhiệm kiểm tra việc thực hiện Thông tư 29 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về dạy thêm, học thêm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Thời hạn kiểm tra từ ngày 20/2 đến ngày 20/3.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho biết, sau khi ban hành Thông tư 29, bộ đã tham mưu Thủ tướng ban hành Công điện tăng cường chỉ đạo công tác tuyển sinh THCS, THPT và quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm. Theo đó, công điện yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND các tỉnh, thành phố triển khai nhiều giải pháp nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý nhà nước về hoạt động dạy thêm, học thêm.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã ban hành công văn về việc tăng cường chỉ đạo đối với giáo dục phổ thông, trong đó đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện đúng quy định về quản lý dạy thêm, học thêm.

Về trách nhiệm triển khai Thông tư 29, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay, bộ sẽ tiếp tục nắm bắt tình hình từ các địa phương để có các văn bản đôn đốc, chỉ đạo tiếp theo, qua đó, giúp các Sở Giáo dục và Đào tạo có căn cứ tham mưu và chỉ đạo thực hiện tại địa phương.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay, trách nhiệm của các Sở Giáo dục và Đào tạo là kịp thời nắm bắt tình hình từ các nhà trường, giáo viên để hướng dẫn hoặc phối hợp với các sở, ngành, quận, huyện có hướng dẫn phù hợp với đặc thù địa phương.

Bên cạnh đó, phụ huynh và xã hội cần đồng hành với nhà trường để thực hiện việc giáo dục, đảm bảo kết hợp hài hòa cả ba yếu tố trong giáo dục; tham gia giám sát việc thực hiện Thông tư 29.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nêu ra một số giải pháp khác để quản lý hiệu quả việc dạy thêm, học thêm.

Thứ nhất, giải pháp hành chính đó là ban hành các quy định cụ thể để quản lý việc dạy thêm, học thêm.

Thứ hai, giải pháp chuyên môn, nâng cao năng lực, phương pháp giảng dạy của giáo viên, trách nhiệm của nhà giáo; phát huy năng lực tự học của học sinh; đổi mới công tác kiểm tra đánh giá; tăng cường liên thông giữa giáo dục phổ thông và giáo dục đại học.

Thứ ba, giải pháp về tăng cường cơ sở vật chất, trường học. Cần có đủ trường học để đảm bảo công bằng về cơ hội tiếp cận giáo dục của học sinh; tăng số trường, lớp dạy học 2 buổi/ngày.

Thứ tư, giải pháp về tăng cường kiểm tra, giám sát. Cụ thể, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước cả ở trung ương và địa phương việc chấp hành quy định về quản lý dạy thêm, học thêm; tăng cường sự giám sát của các bậc phụ huynh và toàn xã hội đối với hoạt động này.

Thứ năm, giải pháp về truyền thông. Theo đó, tăng cường thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức tự trọng của giáo viên để nói “không” với dạy thêm không đúng với quy định; vận động phụ huynh đồng thuận, ủng hộ các giải pháp quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm nhằm đảm bảo quyền lợi và sự phát triển toàn diện của học sinh.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay, để đảm bảo đời sống cho nhà giáo, thời gian qua, bộ đã có nhiều tham mưu và đang tiếp tục tham mưu về các chính sách cho nhà giáo, trong đó dự án Luật Nhà giáo và nếu được Quốc hội thông qua trong thời gian tới, sẽ mang lại những chính sách đãi ngộ tích cực cho nhà giáo.

T.H (theo Vietnamnet)

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/bo-giao-duc-va-dao-tao-lap-doan-kiem-tra-viec-day-them-hoc-them-405778.html
Zalo