Chính sách miễn thị thực mới của Trung Quốc thúc đẩy du lịch và giao lưu văn hóa với ASEAN
Vào ngày 21/2 vừa qua, một nhóm gồm 15 du khách từ Thái Lan và Lào đã kết thúc chuyến đi kéo dài 4 ngày đến châu tự trị dân tộc Thái Tây Song Bản Nạp, Tây Nam Trung Quốc.

Tây Song Bản Nạp, một điểm du lịch mới được nhiều du khách ASEAN yêu thích. Ảnh minh họa: haidangtravel.com
Đây là đoàn du lịch đầu tiên từ các quốc gia thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đến tỉnh này kể từ khi Trung Quốc đưa ra chính sách nới lỏng thị thực mới. Được biết, kể từ ngày 10/2, các đoàn du lịch từ các nước ASEAN đã được phép đến thăm Tây Song Bản Nạp, một điểm du lịch nổi tiếng ở tỉnh Vân Nam mà không cần thị thực trong tối đa 6 ngày.
Trung Quốc và ASEAN từ lâu đã là thị trường du lịch quan trọng của nhau. Số liệu chính thức cho thấy vào năm 2024, Tây Song Bản Nạp đã đón 319.500 lượt khách nước ngoài, tăng 264,67% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó dòng khách chủ đạo đến từ các nước như Lào, Thái Lan và Myanmar.
Ông Qi Xiaobo từ Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc cho biết, chính sách miễn thị thực này đánh dấu sự khởi đầu của một chương mới trong công cuộc thúc đẩy giao lưu văn hóa và hợp tác giữa Trung Quốc và ASEAN, qua đó báo hiệu cho sự quyết tâm của Trung Quốc trong việc tăng cường quan hệ với khối khu vực.
Hiện nay, trao đổi văn hóa giữa Trung Quốc và ASEAN đang mở rộng ra ngoài phạm vi du lịch. Khi văn hóa Trung Quốc lan tỏa khắp khu vực, ngày càng nhiều người dân từ các nước ASEAN mong muốn học tiếng Trung.
Nói thông thạo tiếng Quan Thoại, hướng dẫn viên du lịch Lê Ánh Liên, 24 tuổi người Việt Nam hào hứng giới thiệu các món đặc sản Việt Nam cho khách hàng tại một cửa hàng thực phẩm xuyên biên giới tại Cửa khẩu Thiên Bảo. Khả năng ngôn ngữ trôi chảy đã giúp cô có được công việc đầu tiên tại Vân Nam.
Theo báo cáo từ VietnamWorks, một nền tảng việc làm tại Việt Nam, sinh viên thành thạo tiếng Trung có gần 100% cơ hội tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp.
Zhou Bo, hiệu trưởng một trường dạy nghề ở huyện Mengla thuộc Tây Song Bản Nạp cho biết, số lượng sinh viên Lào học tiếng Trung tại đây cũng đang tăng lên, với nhiều người theo đuổi đào tạo nghề trong các lĩnh vực như hậu cần, thương mại điện tử, quản lý du lịch và thể thao. Ông cũng cho biết thêm rằng trường dự kiến sẽ chào đón hơn 500 sinh viên Lào mới vào cuối tuần này.
Dữ liệu ghi nhận cho thấy, số lượng sinh viên trao đổi giữa Trung Quốc và các nước ASEAN đã vượt quá 175.000 sinh viên và các dự án hợp tác giữa các trường của đôi bên đã và đang tiếp tục tăng lên, nhờ đó mở rộng nguồn nhân tài cho cả Trung Quốc và các nước ASEAN.
Trong một ý kiến có liên quan, chuyên gia Jia Chaozhishan thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Vân Nam nhận xét: “Giao lưu nhân dân giữa Trung Quốc và ASEAN đang bước vào một giai đoạn mới, với sự hợp tác sâu sắc hơn trong du lịch, văn hóa và các lĩnh vực khác”.