Triển khai quy định về dạy thêm, học thêm: Học chủ động - Dạy sáng tạo
Ngành GD-ĐT Lào Cai có nhiều giải pháp để 'nói không' với dạy thêm, học thêm trái quy định.

Học sinh Trường Tiểu học Bắc Lệnh (Lào Cai) vẽ sơ đồ tư duy về phương pháp tự học. Ảnh: NTCC
Trong đó, phong trào “Học chủ động - Dạy sáng tạo” được nhiều cơ sở giáo dục áp dụng nhằm thay đổi tư duy về dạy thêm, học thêm, tạo sự đồng thuận cho giáo viên, học sinh và phụ huynh.
Không làm trái quy định
Với mục tiêu học sinh được phát triển kỹ năng tự học, tự chú trọng học tập và giáo viên phát huy khả năng sáng tạo, đổi mới phương pháp dạy học, Trường Tiểu học Nam Cường, thành phố Lào Cai đã phát động phong trào “Học chủ động - Dạy sáng tạo”.
Cô Hiệu trưởng Đoàn Thị Duyến cho biết: “Phong trào “Học chủ động - Dạy sáng tạo” là một trong những giải pháp để nhà trường nói không với dạy thêm và học thêm trái quy định theo Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT (Thông tư 29). Nâng cao kỹ năng tự học, tự chuẩn bị bài của học sinh được nhà trường phát động từ năm 2023 với phong trào “Tự học thành tài”. Theo đó, học sinh chủ động tìm hiểu kiến thức, giáo viên luôn sáng tạo, ứng dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ học trò tự học”.
Theo cô Duyến, để hiểu rõ hơn nội dung Thông tư 29, nhà trường đã phổ biến đến toàn thể cán bô, giáo viên những quy định về dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường. Đến nay, 100% giáo viên nhà trường cam kết không dạy thêm trái quy định. Đồng thời, có giải pháp để tuyên truyền tới phụ huynh những quy định mới trong Thông tư 29.
Năm học này, Trường Tiểu học Nam Cường có 20 lớp/698 học sinh. Trong đó, một số học sinh mong muốn được học thêm những môn thể thao năng khiếu như: Cầu lông, bóng đá, cờ vua…
“Với học sinh đam mê luyện tập năng khiếu và mong muốn tìm hiểu thêm kỹ năng chuyên sâu, tôi thường tranh thủ thời gian cuối giờ để hướng dẫn cho các em. Nhà trường có đầy đủ sân chơi và điều kiện để các em tập luyện nên việc hỗ trợ hoàn toàn miễn phí với mong muốn tìm ra những tài năng để phong trào thể dục thể thao được nâng cao”, thầy Đỗ Thanh Sơn - giáo viên môn Giáo dục thể chất, Trường Tiểu học Nam Cường chia sẻ.
Ngày 14/2, Trường Tiểu học Bắc Lệnh, thành phố Lào Cai tổ chức buổi sinh hoạt chuyên đề trong tiết Hoạt động trải nghiệm với chủ đề “Tự học thành tài” - con đường vững chắc đến tương lai. Hoạt động nhằm phát động phong trào tự học và tìm ra các giải pháp nâng cao hiệu quả của hoạt động tự học cho học sinh.

Khu vận động thể thao của Trường Tiểu học Nam Cường (Lào Cai). Ảnh: NTCC
Chia sẻ của cô Trần Thị Liên - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bắc Lệnh: “Trong tiết học, các em đã tham gia thảo luận nhóm, chia sẻ về phương pháp tự học hiệu quả, đồng thời rèn luyện tinh thần kỷ luật và tự giác trong học tập. Giáo viên cũng hướng dẫn cách khai thác ứng dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ việc tự học, giúp các em tiếp cận với kho tàng tri thức một cách an toàn và hiệu quả”.
Chia sẻ về vai trò tự học, Đỗ Ngọc Diệp - học sinh lớp 5A3 khẳng định: “Rèn luyện thói quen tự học không chỉ giúp em tiếp thu bài tốt hơn, mà còn hình thành tính tự giác, chủ động trong mọi việc. Hơn thế, kiến thức tự tìm hiểu sẽ nhớ lâu và có thể chủ động vận dụng vào các tình huống thực tiễn”.
Có con học lớp 4A1, Trường Tiểu học Bắc Lệnh, ông Ngô Hữu Tường nhận thấy, để phong trào được nhân rộng hiệu quả, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình. Không chỉ giáo viên hướng dẫn phương pháp học tập hiệu quả, mà cha mẹ cần đồng hành, động viên, giúp các em rèn luyện tinh thần tự giác, niềm yêu thích học tập. Mong rằng phong trào “Tự học thành tài” sẽ lan tỏa mạnh mẽ hơn, không chỉ trong nhà trường mà tại mỗi gia đình.

Phụ huynh tham gia hoạt động trải nghiệm cùng học sinh lớp 4A1, Trường Tiểu học Bắc Lệnh (Lào Cai). Ảnh: NTCC
Siết chặt quản lý
Ông Nguyễn Minh Thuận - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Lào Cai cho biết: “Việc tạm dừng tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường ít nhiều ảnh hưởng tới thực hiện kế hoạch giáo dục khiến học sinh và phụ huynh lo lắng. Để khắc phục khó khăn, duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục, ngành đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục rà soát, điều chỉnh, sắp xếp kế hoạch giáo dục nhà trường, bộ môn, đặc biệt đối với lớp cuối cấp để có thời gian hướng dẫn ôn tập, tạo tâm lý yên tâm cho học sinh và phụ huynh”.
Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT tỉnh Lào Cai chỉ đạo các cơ sở giáo dục có giải pháp cụ thể, chủ động, sáng tạo, đồng bộ và hiệu quả để tiếp tục duy trì các hoạt động nâng cao chất lượng dạy và học.
“Giáo viên cần thực hiện tốt hơn nữa việc đổi mới phương pháp, hình thức dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá nhằm nâng cao hiệu quả và chất lượng dạy học ngay trong các giờ dạy trên lớp. Cân đối thời gian để học sinh được ôn luyện ngay trong giờ học. Đẩy mạnh công tác kiểm tra thường xuyên trong giờ dạy chính khóa nhằm ngăn chặn tình trạng dạy không đủ kiến thức, khiến học sinh phải đi học thêm”, ông Nguyễn Minh Thuận chia sẻ.
Sở GD&ĐT tỉnh Lào Cai đang tham mưu UBND tỉnh quy định về việc dạy thêm, học thêm. Trong đó quy định rõ vai trò trách nhiệm của chính quyền địa phương và cơ quan quản lý giáo dục các cấp làm cơ sở để thanh tra, kiểm tra theo phân cấp quản lý.
Sau khi có quy định của UBND tỉnh, sở GD&ĐT sẽ phối hợp với các địa phương và cơ quan liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý những sai phạm về dạy thêm, học thêm.
Thông tư 29 có hiệu lực là cơ hội để xã hội thấy được vai trò, trách nhiệm của giáo viên đối với việc nâng cao chất lượng kiến thức trong mỗi giờ học. Nêu quan điểm, bà Trần Thị Thùy Dung - Trưởng phòng GD&ĐT thành phố Lào Cai đồng thời thông tin: “Trước mắt, chúng tôi sẽ tổ chức hội thảo về dạy thêm, học thêm để lấy ý kiến người dân vấn đề này. Đồng thời, hướng dẫn các cơ sở giáo dục tổ chức đối thoại; phụ huynh phối hợp và giáo dục học sinh tự học”.
Trước khi Thông tư 29 có hiệu lực, thành phố Lào Cai có trên 30 cơ sở được phòng, sở GD&ĐT ký cho phép tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường và được công khai trên website của ngành Giáo dục cũng như cơ sở giáo dục.
“Sau khi Thông tư 29 có hiệu lực, chúng tôi sẽ tham mưu cho UBND thành phố thành lập đoàn kiểm tra, rà soát để thông báo tới gia đình và người học về những cơ sở đầy đủ điều kiện để tổ chức dạy thêm, học thêm. Trong đó, quan tâm đặc biệt đến điều kiện về an toàn, chế độ chính sách, quy định của pháp luật và quy định mới nhất theo Thông tư 29”, bà Dung chia sẻ.
“Nhà trường quán triệt đến toàn thể cán bộ giáo viên về quy định mới của Thông tư 29 để nâng cao nhận thức trong việc đẩy mạnh chất lượng giáo dục toàn diện. Cùng với chủ trương dạy đâu chắc đó, vừa dạy vừa ôn tập, hướng dẫn cho các em cách tự học, tự tìm hiểu, chiếm lĩnh kiến thức, nhà trường đã tổ chức cho giáo viên ký cam kết không dạy thêm, học thêm trái quy định”, cô Trần Thị Liên thông tin.