Có nên quy đổi điểm trúng tuyển đại học về một thang chung?
Theo dự thảo quy chế tuyển sinh đại học (ĐH) của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), từ năm 2025, các cơ sở giáo dục ĐH buộc phải quy đổi điểm trúng tuyển tương đương giữa các phương thức và tổ hợp xét tuyển về một thang điểm chung. Bộ GD&ĐT cho rằng, quy định này nhằm giúp các phương thức xét tuyển có sự ràng buộc về điểm chuẩn; việc xét tuyển sẽ thực hiện lấy thí sinh từ cao xuống thấp, đảm bảo công bằng hơn cho các em. Tuy vậy, xung quanh quy định này, hiện đang có nhiều ý kiến trái chiều.
Theo Bộ GD&ĐT, hiện nay, các trường ĐH đang sử dụng nhiều phương thức khác nhau để xét tuyển. Việc có thang điểm trúng tuyển chung sẽ tạo ra một mặt bằng xét tuyển giữa các trường, các phương thức, giúp tránh tình trạng các trường sử dụng nhiều cách quy đổi điểm không đồng nhất, dễ dẫn đến tình trạng thiếu công bằng.
Đặc biệt, việc đưa ra yêu cầu các trường ĐH phải quy đổi tương đương điểm trúng tuyển giữa các phương thức xét tuyển không phải là “làm khó” các trường mà trước tiên là bảo đảm quyền lợi cho thí sinh. Khi quy về một thang điểm tương đương thì các phương thức xét tuyển sẽ có sự ràng buộc về điểm chuẩn.

Nhiều băn khoăn trước việc quy đổi điểm trúng tuyển đại học về một thang điểm chung. Ảnh minh họa.
Những năm qua, khi chưa có quy định này, các phương thức đều xét tuyển độc lập nên đã xảy ra tình trạng các trường ưu tiên dành chỉ tiêu cho phương thức này hơn phương thức kia. Hệ quả là đã xảy ra những tình huống như có thí sinh đạt 29,5-30 điểm tại kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn không trúng tuyển do không còn chỉ tiêu hoặc chỉ tiêu còn quá ít. Với quy định phải quy đổi tương đương điểm trúng tuyển giữa các phương thức xét tuyển, quyền lợi thí sinh sẽ được bảo đảm hơn.
PGS.TS Nguyễn Đức Khoát, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Mỏ - Địa chất cho rằng, việc Bộ GD&ĐT áp dụng thang điểm chung là một hướng đi tích cực, giúp tạo ra một thước đo chuẩn, thống nhất cho tất cả các phương thức xét tuyển. Điều này sẽ đảm bảo tính đồng bộ và công bằng giữa các tổ hợp, phương thức xét tuyển khác nhau.
Bên cạnh đó, việc áp dụng thang điểm chung trong tuyển sinh cũng sẽ không ảnh hưởng đến chất lượng thí sinh trúng tuyển bởi chất lượng thí sinh phụ thuộc chủ yếu vào quá trình học tập xuyên suốt của các em ở bậc trung học phổ thông, thang điểm chung chỉ là một yếu tố hỗ trợ trong xét tuyển, không ảnh hưởng nhiều đến chất lượng đầu vào của thí sinh cũng như mục tiêu đào tạo của các trường.
Cán bộ tuyển sinh của một trường ĐH trong CAND cũng nhận định, quy định điểm trúng tuyển của các phương thức, tổ hợp xét tuyển được quy đổi về một thang chung sẽ giúp giải quyết vấn đề chênh lệch điểm trúng tuyển giữa các phương thức và tổ hợp môn xét tuyển, đảm bảo sự công bằng cho các thí sinh ứng tuyển theo các phương thức và tổ hợp môn khác nhau.
Tuy vậy, thực tế tuyển sinh những năm qua cho thấy nếu cơ sở giáo dục chỉ lựa chọn phương thức xét tuyển dựa trên kết quả học tập bậc THPT hoặc điểm thi tốt nghiệp THPT, chứng chỉ ngoại ngữ thì việc quy đổi tương đối thuận tiện, song nếu cơ sở giáo dục áp dụng nhiều phương thức xét tuyển bao gồm cả thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, hoặc sử dụng điều kiện phụ trong xét tuyển để lựa chọn được thí sinh đặc thù của từng chương trình, ngành, nhóm ngành thì vấn đề quy đổi sẽ gặp rất nhiều khó khăn, phức tạp.
Thầy Đinh Đức Hiền, giáo viên hệ thống FPT cho rằng, việc quy đổi điểm chuẩn tất cả các phương thức xét tuyển về một thang điểm chung là không nên, nhất là áp dụng với các kỳ thi riêng, vốn không cùng một mặt bằng với điểm học bạ hay điểm thi tốt nghiệp THPT. Thực tế cho thấy, kỳ thi tốt nghiệp THPT có mục đích chủ yếu là xét tốt nghiệp THPT nên đề thi có độ phân hóa, độ khó thấp hơn hẳn so với các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy do các trường ĐH tổ chức.
Do đó, nếu giả sử một ngành học lấy điểm chuẩn học bạ hoặc điểm chuẩn thi tốt nghiệp THPT là 29, thậm chí 30 điểm như những năm gần đây thì thí sinh xét tuyển bằng điểm SAT, điểm thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy cũng phải đạt điểm tuyệt đối ở mức 1.600/1.600 đối với điểm SAT hoặc 150/150 điểm đối với kỳ thi đánh giá năng lực, 100/100 điểm đối với kỳ thi đánh giá tư duy. Điều này là không thực tế vì hiện nay đối với kỳ thi SAT, học sinh đạt mức từ 1.500 điểm trở lên đã lọt vào Top cao nhất thế giới; còn tại kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội và ĐHQG TP Hồ Chí Minh hay kỳ thi đánh giá tư duy của ĐH Bách Khoa Hà Nội đến nay, trường hợp thí sinh đạt điểm tuyệt đối là rất hiếm.
PGS.TS Lê Hữu Lập, nguyên Phó Giám đốc Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông cũng cho biết: Quy đổi điểm xét tuyển về một thang điểm chung chủ yếu để dễ nhìn thôi chứ về bản chất không giải quyết được vấn đề. Lý do là quy đổi sẽ rất khó nếu không cùng trên một tọa độ chuẩn, các nội dung, mức độ đánh giá các kỳ thi từ đánh giá năng lực, tư duy, chuẩn quốc tế, thi tốt nghiệp THPT cho đến điểm học bạ không cùng trên một thang đo.
Phân tích kỹ hơn, PGS.TS Lê Hữu Lập cho rằng, xét học bạ phản ánh quá trình học tập ở bậc THPT; kỳ thi tốt nghiệp THPT kiểm tra kiến thức cơ bản, kỳ thi đánh giá năng lực đo lường tư duy và phân tích. Những sự khác biệt này không thể tìm đâu ra chuẩn để quy đổi tương đương. Mặt khác, với hàng loạt tổ hợp xét tuyển và phương thức khác nhau, việc xây dựng một hệ quy đổi đòi hỏi dữ liệu khổng lồ và nghiên cứu sâu rộng, điều mà hiện nay chưa được thực hiện. Nếu quy đổi không chính xác sẽ gây bất công đối với thí sinh và ảnh hưởng đến chất lượng đầu vào…