Bộ Công Thương: Sáu nhóm giải pháp đảm bảo nguồn cung xăng dầu thời gian tới

Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), sản lượng tiêu thụ xăng dầu năm 2025 dự kiến tăng trên 8% so với số thực hiện năm 2024. Để đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong thời gian tới, Bộ Công Thương cho biết sẽ triển khai loạt giải pháp đồng bộ, linh hoạt.

Năm 2024, kinh tế thế giới dần hồi phục nhưng bấp bênh, đối mặt với nhiều rủi ro, bất định. Giá hàng hóa, dịch vụ cơ bản như: giá xăng dầu, nguyên vật liệu, giá cước vận tải, giá vàng thế giới… biến động khó lường trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị leo thang, an ninh, an toàn tại khu vực biển Đỏ; mức nợ cao của một số nền kinh tế tạo sức ép lên lạm phát và tăng trưởng toàn cầu. Ở trong nước, kinh tế có nhiều tín hiệu tích cực nhưng vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, nguồn xăng dầu năm 2024 được đảm bảo, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô

Bước sang năm 2025, với tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6,5-7,0% và phấn đấu khoảng 7,0-7,5% theo Nghị quyết 158/2024/QH15 củaQuốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, sản lượng tiêu thụ xăng dầu năm 2025 dự kiến tăng trên 8% so với số thực hiện năm 2024.

Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), tổng nguồn phân giao tối thiểu năm 2025 khoảng 29,5triệu m3/tấn (tương đương 2,5 triệu m3/tấn/tháng, 7,4triệu m3/tấn/Quý). Ngày 15/12/2024, Bộ Công Thương đã phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2025 cho các thương nhân đầu mối xăng dầu để thực hiện.

Để đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong thời gian tới, Bộ Công Thương cho biết sẽ triển khai loạt giải pháp đồng bộ, linh hoạt, bao gồm:

Thứ nhất, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung thực hiện các giải pháp bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp.

Thứ hai, chỉ đạo các thương nhân kinh doanh xăng dầu bám sát việc thực hiện tổng nguồn tối thiểu đã được phân giao và đăng ký kế hoạch thực hiện theo từng quý.

Thứ ba, theo dõi sát tình hình thực hiện tổng nguồn tối thiểu của các thương nhân đầu mối; phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố điều tiết, đảm bảo cân đối cung cầu xăng dầu trên từng địa bàn, trường hợp cần thiết điều chuyển tổng nguồn tối thiểu từ các thương nhân không thực hiện hoặc không có khả năng thực hiện cho các thương nhân đầu mối khác nhằm đảm bảo cung cầu trên thị trường.

Thứ tư, thực hiện kế hoạch kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu của các thương nhân theo kế hoạch.

Thứ năm, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành trong quản lý nhà nước đối với mặt hàng xăng dầu;thực hiện việc chuyển giao một số nhiệm vụ từ Bộ Tài chính về Bộ Công Thương khi Nghị định kinh doanh xăng dầu thay thế các Nghị định về kinh doanh xăng dầu được ban hành

Thứ sáu, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về kinh doanh xăng dầu trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo chỉ đạo. Trong đó, Bộ Công Thương sẽ tiếp thu ý kiến của Thành viên Chính phủ, khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu trình Chính phủ ban hành. Song song với đó, Bộ sẽ rà soát để xây dựng ban hành hoặc sửa đổi các thông tư hướng dẫn Nghị định về kinh doanh xăng dầu có liên quan để tổ chức thực hiện.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng yêu cầu các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương về các giải pháp bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp. Chủ động sản xuất, nhập khẩu bảo đảm cung cấp đầy đủ xăng dầu cho thị trường trong nước trong mọi tình huống; thực hiện nghiêm tổng nguồn xăng dầu tối thiểu được phân giao và dự trữ xăng dầu theo quy định. Căn cứ nhu cầu trong từng năm có kế hoạch sản xuất, nhập khẩu để cung ứng đầy đủ các loại xăng dầu đáp ứng nhu cầu thị trường,. Đẩy mạnh tiêu thụ nhiên liệu sinh học..

Bộ Công Thương yêu cầu các thương nhân tuyệt đối không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh (từ đầu mối, thương nhân phân phối, doanh nghiệp bán lẻ). Trong mọi tình huống phải cung cấp đủ hàng cho cửa hàng bán lẻ thuộc hệ thống phân phối của doanh nghiệp để duy trì hoạt động bán hàng thường xuyên. Tuân thủ, duy trì điều kiện kinh doanh xăng dầu, thực hiện nghiêm túc các quy định về kinh doanh xăng dầu.

“Bộ Công Thương sẽ giám sát chặt chẽ tình hình thực hiện tổng nguồn tối thiểu của các thương nhân đảm bảo thực hiện theo kế hoạch, cân đối đủ nguồn xăng dầu phục vụ nền kinh tế trong bối cảnh thuận lợi. Tuy nhiên, tình hình chính trị, kinh tế thế giới vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, khó đoán định, có thể tác động đến nguồn cung xăng dầu, Bộ Công Thương sẽ theo dõi chặt chẽ tình hình để tham mưu cho Chính phủ có các giải pháp kịp thời. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng cần có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trên địa bàn theo dõi sát tình hình để báo cáo, kiến nghị các giải pháp phù hợp”, đại diện Vụ Thị trường trong nước cho biết.

Thy Thảo

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/bo-cong-thuong--sau-nhom-giai-phap-dam-bao-nguon-cung-xang-dau-thoi-gian-toi-132256.htm
Zalo