Khai thác tiềm năng phát triển cây dược liệu

Được thiên nhiên ưu đãi, địa hình đa dạng với nhiều kiểu khí hậu khác nhau là điều kiện thuận lợi để tỉnh Lai Châu phát triển cây dược liệu. Từ đó, mang lại giá trị kinh tế cao, giúp người dân có thêm thu nhập cải thiện cuộc sống và vươn lên làm giàu.

Nằm ở phía Tây Bắc của Tổ quốc, tỉnh Lai Châu có diện tích tự nhiên rộng, địa hình nhiều nơi núi cao trên 1.200m so với mực nước biển, khí hậu mát mẻ, sông suối nhiều, diện tích rừng tự nhiên lớn... là yếu tố rất thuận lợi để phát triển cây dược liệu. Hơn nữa, qua nghiên cứu, tỉnh có nguồn dược liệu quý, có giá trị y học và kinh tế cao như: sâm Lai Châu, lan kim tuyến, thất diệp nhất chi hoa…

Nổi bật nhất là sâm Lai Châu, cây thuốc rất quý hiếm được xếp hạng ở mức độ nguy cấp đối tượng ưu tiên bảo tồn và phát triển. Tất cả các bộ phận của cây đều có thể sử dụng làm thuốc chữa bệnh, hơn nữa sâm Lai Châu có vị ngọt, tính ôn, thân rễ sâm có saponin “MR2” chiếm tỷ lệ lớn. Chính vì vậy, sâm Lai Châu được người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh sử dụng từ lâu đời.

Sâm Lai Châu được người dân xã Sì Lở Lầu (huyện Phong Thổ) trồng dưới tán rừng.

Sâm Lai Châu được người dân xã Sì Lở Lầu (huyện Phong Thổ) trồng dưới tán rừng.

Những năm qua, tỉnh có nhiều giải pháp để bảo tồn và phát triển cây dược liệu. HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 38/2019/NQ-HĐND ngày 11/12/2019 thông qua Đề án phát triển một số cây dược liệu giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trên cơ sở đó, nhiều chính sách được tỉnh ban hành liên quan đến việc hỗ trợ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong giai đoạn từ năm 2020-2025 đối với các loại cây dược liệu: sâm Lai Châu, bảy lá một hoa, lan kim tuyến. Hỗ trợ bảo tồn, hoàn thiện quy trình, nhân giống dược liệu, vật tư, bao bì nhãn mác sản phẩm; hỗ trợ chi phí chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, áp dụng quy trình kỹ thuật và quản lý chất lượng đồng bộ theo chuỗi…

Tỉnh cũng tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị liên quan đến trồng, mở rộng diện tích dược liệu, là cơ sở để tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có thêm thông tin quyết định đầu tư. Triển khai các dự án về xây dựng mô hình trồng, nhân giống sâm Lai Châu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ và đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ cho sâm Lai Châu, bảy lá một hoa. Công tác quản lý vùng trồng được tăng cường, rà soát và cấp mã số cơ sở trồng sâm Lai Châu cho 6 cơ sở với trên 250.000 cây.

Gia đình anh Tẩn Sài Sông (thứ 3 từ phải sang) ở bản Lả Nhì Thàng, xã Sì Lở Lầu, huyện Phong Thổ có trên 1 vạn cây sâm Lai Châu và thất diệp nhất chi hoa.

Gia đình anh Tẩn Sài Sông (thứ 3 từ phải sang) ở bản Lả Nhì Thàng, xã Sì Lở Lầu, huyện Phong Thổ có trên 1 vạn cây sâm Lai Châu và thất diệp nhất chi hoa.

Đến nay, diện tích cây dược liệu trên địa bàn tỉnh ngày càng mở rộng. Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến nay tổng diện tích cây dược liệu toàn tỉnh là 11.063ha. Trong đó, thảo quả 3.440ha, sa nhân 2.360ha, sâm Lai Châu 50ha, đương quy 68ha, đỗ trọng 13ha, cỏ thơm 200ha, sả 730ha, cây quả đỏ 400ha và một số cây dược liệu khác. Diện tích cây dược liệu tập trung nhiều ở các huyện: Phong Thổ, Tam Đường, Tân Uyên, Mường Tè.

Tùy theo từng loại dược liệu để có giá thành khác nhau, ví như sâm Lai Châu trồng 6 năm trở lên giá bán bình quân khoảng 60 triệu đồng/kg, bảy lá một hoa giá bán bình quân khoảng 1,7 triệu đồng/kg, lan kim tuyến giá bán bình quân khoảng 1,5 triệu đồng/kg... Thị trường tiêu thụ dược liệu ở trong và ngoài tỉnh với nhiều sản phẩm được ưa chuộng như: trà lá sâm, rượu sâm, mật ong ngâm sâm, nước sâm… Cây dược liệu mang lại thu nhập cao cho người trồng.

Huyện Phong Thổ được biết đến với vùng cây dược liệu lớn. Theo đồng chí Vũ Hữu Lưỡng – Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, huyện hiện có 18,924ha sâm Lai Châu và thất diệp nhất chi hoa; 4.000 cây hoàng tinh; 404,24ha cây sa nhân, 1.038ha cây thảo quả. Nhận thức rõ vai trò của cây dược liệu trong phát triển kinh tế, nhân dân các xã trong huyện mạnh dạn trồng, mở rộng diện tích qua các năm. Có thể kể đến gia đình anh Phàn Phủ Liêu ở bản Thà Giàng (xã Sì Lở Lầu).

Gia đình anh Liêu trồng dược liệu từ năm 2017 với 4.000 cây sâm Lai Châu, 200 cây thất diệp nhất chi hoa. Với mong muốn bảo tồn và phát triển các cây dược liệu quý, mỗi năm anh Liêu đều đầu tư tiền mua giống của bà con lấy từ rừng về trồng. Giờ gia đình anh đã có 5.000 cây thất diệp nhất chi hoa, 2.000 cây tam thất, 2 vạn cây sâm Lai Châu, 1.000 cây sâm ngọc linh. Công tác chăm sóc, bảo vệ dược liệu được anh chú trọng, mỗi năm mang về thu nhập cho gia đình anh 100 triệu đồng.

Đối với gia đình anh Tẩn Sài Sông ở bản Lả Nhì Thàng (xã Sì Lở Lầu) thì trồng dược liệu (sâm Lai Châu) từ năm 2015 với diện tích 100m2. Khi thấy sâm phù hợp, phát triển tốt, giá trị kinh tế cao gia đình anh đã mở rộng diện tích. Anh cho hay: “Gia đình tôi đang có 5.000m2 sâm và thất diệp nhất chi hoa (tương đương khoảng trên 1 vạn cây, từ 1-10 năm tuổi). Theo ước tính của tôi, chỉ cần trong vòng 5 năm nữa, cây phát triển tốt, với số lượng cây hiện có, gia đình tôi có thể thu đến 3 tỷ đồng”.

Quy trình gieo giống, chăm sóc cây dược liệu được người dân xã Mồ Sì San (huyện Phong Thổ) đặc biệt chú trọng.

Quy trình gieo giống, chăm sóc cây dược liệu được người dân xã Mồ Sì San (huyện Phong Thổ) đặc biệt chú trọng.

Lợi ích, giá trị kinh tế do cây dược liệu mang lại là rất lớn. Triển vọng phát triển loại cây này cũng rất khả quan, trong thời gian tới, tỉnh ta tiếp tục phát triển loại cây này. Trước mắt là thực hiện theo Nghị quyết số 17 –NQ/TU của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển sâm Lai Châu giai đoạn 2024-2030, định hướng đến năm 2035 thì tỉnh ta sẽ mở rộng diện tích trồng sâm. Phát triển sâm Lai Châu thành ngành hàng có giá trị kinh tế cao, là sản phẩm chủ lực của tỉnh, mang thương hiệu sản phẩm quốc gia. Cụ thể, đến năm 2030, tỉnh xây dựng vườn sưu tập nguồn gen sâm Lai Châu làm cơ sở xây dựng từ 1 đến 2 vườn giống gốc; phát triển vùng trồng sâm Lai Châu toàn tỉnh đạt khoảng 3.000 ha, sản lượng khai thác sâm Lai Châu năm 2030 đạt khoảng 30 tấn/năm…

Tin tưởng với hướng đi phù hợp, cây dược liệu sẽ góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh.

Thanh Hoa

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/kinh-t%E1%BA%BF/khai-th%C3%A1c-ti%E1%BB%81m-n%C4%83ng-ph%C3%A1t-tri%E1%BB%83n-c%C3%A2y-d%C6%B0%E1%BB%A3c-li%E1%BB%87u
Zalo