Phòng vệ thương mại sẽ tăng mạnh và phức tạp hơn
Năm 2025, do tình hình kinh tế - chính trị thế giới có nhiều biến đổi, các biện pháp phòng vệ thương mại được dự báo tiếp tục gia tăng, mức độ phức tạp và quy mô của các vụ việc cũng tăng lên. Là điểm đến quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam khó tránh khỏi 'bão' phòng vệ thương mại, nhất là từ thị trường Mỹ.
Vụ việc tăng gấp đôi, nhiều nội dung điều tra chưa có tiền lệ
Mặc dù các quốc gia thường cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại nhưng trên thực tế, rào cản kỹ thuật - bao gồm việc áp thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, hoặc các biện pháp hạn chế nhập khẩu khác - được dựng lên ngày càng nhiều nhằm bảo vệ ngành sản xuất trong nước.
Với kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2024 sơ bộ đạt 405,53 tỉ đô la Mỹ, tăng 14,3% so với năm trước, Việt Nam ngày càng trở thành điểm đến quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời phải đối mặt với xu hướng bảo hộ thương mại toàn cầu, điển hình là các quốc gia tăng cường áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.
Theo Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương, năm 2024, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam phải đối mặt với 32 vụ phòng vệ thương mại nước ngoài mới khởi xướng phát sinh từ 12 thị trường. Con số này tăng gần gấp đôi so với năm 2023 (15 vụ việc). Mỹ vẫn là nước điều tra nhiều nhất với 11 vụ (chiếm khoảng một phần ba số vụ năm 2024) và có một thị trường lần đầu tiên điều tra với Việt Nam là Nam Phi.
Không chỉ tăng về số vụ, các cuộc điều tra phòng vệ thương mại còn trở nên phức tạp hơn khi nhiều quốc gia điều tra các nội dung chưa từng có tiền lệ. Ví dụ, Mỹ điều tra trợ cấp xuyên quốc gia với pin mặt trời và vỏ viên nhộng; Canada lần đầu tiên điều tra chống lẩn tránh với một nước (là Việt Nam)... Cùng với đó, sản phẩm bị điều tra ngày càng đa dạng. Các sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu lớn như pin mặt trời (4,2 tỉ đô la), tôm (800 triệu đô la), thép chống ăn mòn (242 triệu đô la) cho tới các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu thấp hơn như khay đúc bằng sợi (50 triệu đô la), đĩa giấy (9 triệu đô la)... đều trở thành đối tượng bị điều tra.
Đáng chú ý, năm 2024 xuất hiện nhiều vụ điều tra “kép”, nghĩa là vừa điều tra chống bán phá giá, vừa điều tra chống trợ cấp đối với cùng một mặt hàng. Trong đó, Việt Nam ghi nhận năm vụ kép đối với hàng xuất khẩu, mà vụ Mỹ tiến hành điều tra với tôm nước ấm của nước ta là vụ điển hình nhất.
Vào cuối tháng 11-2023, Bộ Thương mại Mỹ đã mở cuộc điều tra chống trợ cấp đối với tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam, mặc dù mặt hàng này vẫn đang phải chịu thuế chống bán phá giá. Đây là một trong những vụ điều tra chống trợ cấp phức tạp nhất đối với Việt Nam, với số lượng chương trình điều tra lên tới khoảng 50 và nguyên đơn liên tục yêu cầu mở rộng điều tra thêm các cáo buộc mới trong quá trình thẩm định. Điều này đã dẫn đến việc Mỹ gửi một lượng lớn bảng câu hỏi bổ sung (tổng cộng tám bảng) cho Chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời yêu cầu trả lời trong thời gian ngắn ngủi.
Trong bối cảnh đó, Cục Phòng vệ thương mại đã triển khai nhiều biện pháp để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp Việt Nam. Nhờ đó, việc xử lý các vụ việc phòng vệ thương mại nước ngoài đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong năm 2024, góp phần giữ vững và mở rộng thị trường xuất khẩu. Trong đó, đáng chú ý là Mỹ chấm dứt điều tra chống lẩn tránh với tủ gỗ; chấm dứt điều tra chống bán phá giá nhôm đùn ép; chấm dứt điều tra phạm vi sản phẩm với bánh xe kéo bằng thép.
Quốc gia này cũng xác định thuế chống trợ cấp đối với tôm nước ấm đông lạnh thấp ở mức 2,84% đối với toàn ngành (trừ một doanh nghiệp không tham gia vụ việc), thấp hơn so với đối thủ từ Ấn Độ và Ecuador; sơ bộ áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp ở mức thấp đối với doanh nghiệp xuất khẩu đĩa giấy lớn nhất (5,48%). Mỹ cũng sơ bộ kết luận tất cả các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam tham gia rà soát được hưởng mức thuế suất 0 đô la/ki lô gam cho kỳ rà soát hành chính lần thứ 20 thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng cá tra - basa phi lê đông lạnh...
Thách thức cần bám sát
Theo ông Trịnh Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, năm 2025, các biện pháp phòng vệ thương mại dự báo tiếp tục gia tăng, mức độ phức tạp và quy mô của các vụ việc cũng tăng lên do tình hình kinh tế - chính trị thế giới dự kiến có nhiều biến đổi.
Về xu hướng điều tra phòng vệ thương mại, các quốc gia có thể đẩy mạnh áp dụng các quy định pháp luật mới nhằm tăng mức thuế có thể áp dụng, thông qua việc sử dụng các quy định về nền kinh tế phi thị trường, tình hình thị trường đặc biệt hoặc yêu cầu, đòi hỏi khắt khe hơn về thủ tục khi tham gia các vụ việc phòng vệ thương mại. Cùng với đó là tăng cường việc áp dụng các quy định điều tra mới, chưa từng có tiền lệ như các yếu tố về nhân quyền, trợ cấp xuyên quốc gia...; tiếp tục sửa đổi các quy định về phòng vệ thương mại theo hướng bảo hộ và khó dự đoán hơn.
Để tăng cường bảo hộ, các quốc gia cũng có thể tiếp tục sử dụng những biện pháp phòng vệ thương mại có phạm vi áp dụng rộng như tự vệ hoặc chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại. Đáng chú ý, các nhóm sản phẩm mục tiêu của các biện pháp phòng vệ thương mại trong thời gian sắp tới có thể là các mặt hàng sử dụng nhiều lao động hoặc sử dụng nguyên liệu đầu vào từ những nước thường xuyên bị điều tra phòng vệ thương mại như Trung Quốc...
Đặc biệt, nhiều chuyên gia lo ngại về “bão” phòng vệ thương mại từ Mỹ đối với hàng hóa nước ta khi quốc gia này hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của nước ta với tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu giữa hai nước năm 2024 đạt 134,6 tỉ đô la, tăng 21,5%. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này 119,6 tỉ đô la, tăng 23,3% và nhập khẩu 15 tỉ đô la, tăng 8,8%.
Theo phân tích, tuyên bố của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump về kế hoạch áp thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm từ Trung Quốc và các nước khác trong khi tranh cử, dự kiến sẽ mang đến những thách thức đối với hoạt động xuất khẩu sang Mỹ. Các vụ điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ (bao gồm từ Việt Nam) dự kiến tiếp tục gia tăng. Đối với dự định áp thuế với toàn bộ hàng hóa Trung Quốc và điều tra nguồn gốc xuất xứ hàng hóa của hàng hóa nhập khẩu từ quốc gia khác nhưng thực chất lại có xuất xứ từ Trung Quốc, nguy cơ hàng hóa từ các nước khác, trong đó có Việt Nam, bị điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại cũng có thể tăng.
Bên cạnh đó, các mức thuế nhập khẩu sẽ được áp dụng sẽ được cộng gộp khi nhà nhập khẩu nhập khẩu hàng hóa trong diện bị áp thuế vào Mỹ. Do đó, mức thuế nhập khẩu sẽ rất cao với những đối tác thương mại là mục tiêu của Mỹ. Các nước có thặng dư thương mại cũng như hàng hóa cạnh tranh trực tiếp với các ngành sản xuất trong nước của Mỹ sẽ là đối tượng mục tiêu cao nhất trong các biện pháp thuế quan nói chung và phòng vệ thương mại nói riêng.
Các thương vụ của Việt Nam tại nước ngoài cho rằng, điều quan trọng là các doanh nghiệp cần có tâm thế sẵn sàng ứng phó, xử lý khi vụ việc xảy ra để đảm bảo có thể hợp tác đầy đủ, cung cấp thông tin, tài liệu cho cơ quan điều tra nhằm hướng tới kết quả khả quan nhất có thể. Với thị trường Mỹ, Thương vụ Việt Nam tại nước này khuyến nghị doanh nghiệp Việt Nam cần hợp tác đầy đủ với Bộ Thương mại Mỹ (điều tra trợ cấp) và Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ (điều tra về thiệt hại). Trên thực tế, thông qua công tác phối hợp, nhiều doanh nghiệp trong nước đã không bị áp thuế trợ cấp hay chỉ bị áp mức thuế thấp nhất trong các nước cùng bị điều tra, từ đó tạo lợi thế cạnh tranh và gia tăng thị phần.
Theo danh sách cảnh báo sớm cập nhật của Cục Phòng vệ thương mại, năm 2025, một số ngành hàng có rủi ro lớn hơn trong việc bị điều tra phòng vệ thương mại tại một số thị trường xuất khẩu gồm: các mặt hàng gỗ dán, tủ gỗ, thép chống ăn mòn, thép cán nóng, cáp thép dự ứng lực, ống thép hàn, nhôm thanh định hình, ống đồng, kính nổi, nhựa PET, đá thạch anh nhân tạo, máy giặt, tủ lạnh, lốp xe tải và xe khách xuất khẩu, thép gió, máy biến thế.
Cục Phòng vệ thương mại khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng nói trên cần tăng cường theo dõi, tìm hiểu các quy định điều tra phòng vệ thương mại của nước nhập khẩu và phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng để đối phó hiệu quả với các rủi ro này.