Bộ Công Thương nỗ lực đạt tăng trưởng xuất nhập khẩu 12%

Bộ Công Thương đã và đang triển khai nhiều giải pháp để hoạt động xuất nhập khẩu đạt tăng trưởng 12% năm 2025.

Số ngày làm việc ít, xuất nhập khẩu giảm nhẹ tháng đầu năm

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương, do số ngày làm việc của tháng 01/2025 ít hơn tháng 01/2024 nên kim ngạch xuất khẩu nhập khẩu hàng hóa tháng 01/2025 so với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước đều giảm. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tháng 01/2025 ước đạt 63,15 tỷ USD, giảm 10,5% so với tháng trước và giảm 3,5% so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 01/2025 đạt 33,09 tỷ USD, giảm 6,9% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 01/2025 giảm 4,3%. Trong tháng 01/2025 có 7 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 67,9% tổng kim ngạch xuất khẩu. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực tăng trưởng cao ở mức hai con số (như sản phẩm từ sắt thép tăng 14,1%; Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 13,3%).

Bộ Công Thương đặt mục tiêu xuất nhập khẩu tăng trưởng 12% năm 2025 (Ảnh: Cấn Dũng)

Bộ Công Thương đặt mục tiêu xuất nhập khẩu tăng trưởng 12% năm 2025 (Ảnh: Cấn Dũng)

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 01/2025 đạt 30,06 tỷ USD, giảm 14,1% so với tháng trước. Trong tháng 01/2025 có 3 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm 49,3% tổng kim ngạch nhập khẩu.

Cán cân thương mại hàng hóa tháng 01/2025 ước tính xuất siêu 3,03 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 3,7 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 1,4 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 4,43 tỷ USD.

Mặc dù kim ngạch xuất nhập khẩu có dấu hiệu giảm nhẹ trong tháng đầu năm, song bức tranh xuất nhập khẩu hàng hóa cũng có một số điểm sáng đáng chú ý.

Thứ nhất, về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu tháng 01/2025, nhóm hàng cần nhập khẩu ước đạt 26,87 tỷ USD, chiếm 89% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của cả nước. Tín hiệu này cho thấy các doanh nghiệp đã và đang tăng nhập khẩu các sản phẩm, hàng hóa là nguyên phụ liệu sản xuất để phục vụ cho nhu cầu sản xuất hàng hóa xuất khẩu và tiêu dùng nội địa trong những tháng tới.

Thứ hai, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc đã đạt 4,6 tỷ USD, tăng tới 25,2% so với cùng kỳ năm trước. Trung Quốc vốn là bạn hàng lớn nhất của hàng hóa Việt Nam nên việc tiếp tục giữ vững đà tăng xuất khẩu sang thị trường này cho thấy doanh nghiệp đã và đang tiếp tục tận dụng tốt cơ hội từ vị trí địa lý gần gũi nhằm thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường này.

Doanh nghiệp tăng nhập khẩu phục vụ sản xuất, xuất khẩu (Ảnh: TTXVN)

Doanh nghiệp tăng nhập khẩu phục vụ sản xuất, xuất khẩu (Ảnh: TTXVN)

Đặc biệt, ngày 6/2/2025, tại TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh cũng đã diễn ra Lễ ký kết nghiệm thu bàn giao nhà làm việc, trang thiết bị phòng thí nghiệm nông sản và thực phẩm (CCIC) tại cửa khẩu cầu Bắc Luân II. Phòng thí nghiệm có tổng diện tích 430m2 được thiết kế và trang bị thiết bị hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 17025 với tổng mức đầu tư 30 tỷ đồng. Việc có thêm các đơn vị kiểm định chất lượng sản phẩm sẽ là cơ hội tốt cho hàng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc nói riêng và sang các thị trường khác.

Gia tăng giải pháp thúc đẩy xuất nhập khẩu hàng hóa

Để gia tăng xuất nhập khẩu hàng hóa trong thời gian tới, Bộ Công Thương xác định sẽ hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA để đẩy mạnh xuất khẩu, thông qua tuyên truyền về quy tắc xuất xứ, các cơ hội và cách thức tận dụng cơ hội từ các Hiệp định.

Bên cạnh đó, tăng cường các hoạt động cung cấp thông tin thị trường trên nền tảng số cho các địa phương, Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp.

Bộ Công Thương cũng xác định hỗ trợ xây dựng và triển khai các triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại tập trung, quy mô lớn, mang tính liên kết vùng cho sản phẩm, ngành hàng có thế mạnh của vùng tại các thị trường mục tiêu. Đồng thời, đẩy mạnh đàm phán, ký kết các Hiệp định, cam kết, liên kết thương mại mới; phối hợp với Bộ Nông nghiệp đàm phán mở thêm các loại trái cây được xuất khẩu chính ngạch.

Đối với các thị trường lân cận, Bộ Công Thương đã và đang nỗ lực thúc đẩy chuyển nhanh, mạnh sang thương mại chính ngạch.

Ngoài ra, thúc đẩy EU sớm gỡ bỏ thẻ vàng IUU đối với xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ để nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng trong sản phẩm xuất khẩu…

Theo Báo cáo nghiên cứu Kinh tế Việt Nam 2024 và Triển vọng 2025 do KPMG công bố mới đây, triển vọng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam năm 2025 có thể đối mặt với thách thức lớn, đặc biệt là thuế quan từ một số thị trường lớn. Tuy nhiên, lợi thế từ làn sóng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam sẽ bù đắp phần nào cho những khó khăn này.

“Trong bối cảnh đó, năm 2025, doanh nghiệp cần đa dạng hóa đối tác thương mại và đầu tư vượt ngoài các thị trường truyền thống; giải quyết thiếu hụt lao động và kỹ năng để hỗ trợ tăng trưởng” – báo cáo của KPMG chỉ rõ,

Về phía doanh nghiệp, ông Thân Đức Việt - Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 – CTCP nêu rõ, góp phần cho mục tiêu tăng trưởng 12% của hoạt động xuất nhập khẩu năm nay, dệt may đặt mục tiêu xuất khẩu 47- 48 tỷ USD, tăng 3-4 tỷ USD so với năm ngoái. Việt Nam là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu, nhưng để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng, từng doanh nghiệp đều phải chắt chiu cơ hội thị trường, khai thác lợi thế từ những hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, mở rộng tệp khách hàng, thị trường mới… để đạt mục tiêu tăng trưởng.

Dưới góc độ doanh nghiệp, trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, TS. Lê Quốc Phương – nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) nêu ý kiến, về phía doanh nghiệp, trong bối cảnh các nước đều sẵn sàng sử dụng các công cụ phòng vệ để bảo vệ hàng hóa nội địa, doanh nghiệp xuất khẩu cần vạch ra những kịch bản sẵn sàng ứng phó với việc này. Bên cạnh đó, tiếp tục bám trụ thị trường và thực hiện các giải pháp đầu tư công nghệ, tối ưu hóa chi phí sản xuất nhằm giảm giá thành, nâng cao lợi nhuận.

Doanh nghiệp cũng cần tiếp tục đa dạng hóa thị trường, thực hiện chiến lược “không bỏ trứng vào một giỏ” để tránh những rủi ro có thể có từ phía thị trường nhập khẩu.

“Về phía Bộ Công Thương, cần tiếp tục nỗ lực phát huy vai trò của các cơ quan Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài trong việc thông tin kịp thời về những biến động chính sách từ thị trường nhập khẩu cũng như tiềm năng đối với hàng Việt xuất khẩu. Đồng thời, làm tốt công tác xúc tiến xuất khẩu và công tác cảnh báo sớm để bảo vệ hàng hóa Việt Nam tại nước ngoài” – TS Lê Quốc Phương nêu rõ.

Trong báo cáo Chính phủ gửi Quốc hội về Đề án bổ sung phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên, nhiệm vụ đặt ra đối với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2025 là tăng 12% trở lên; thặng dư thương mại khoảng 30 tỷ USD.

Lan Phương

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bo-cong-thuong-no-luc-dat-tang-truong-xuat-nhap-khau-12-374011.html
Zalo