Xuất khẩu tôm có thể giảm trong tháng 2 vì thiếu nguyên liệu
Mặc dù ghi nhận mức tăng trưởng tốt trong tháng đầu tiên của năm 2025, xuất khẩu tôm hiện đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn về nguồn cung nguyên liệu, đi kèm với những ẩn số liên quan đến thị trường Mỹ.
Trong tháng 1, tôm là mặt hàng hiếm hoi ghi nhận kim ngạch xuất khẩu tăng trong nhóm hàng thủy sản. Theo số liệu từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), doanh số bán hàng của tôm tại thị trường nước ngoài đạt 300 triệu USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Do là mặt hàng hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất (39%) nên kim ngạch xuất khẩu chung các mặt hàng thủy sản được kéo lên, ghi nhận mức tăng 3%.
Như vậy, mặt hàng tôm vẫn đang duy trì đà tăng trưởng hai con số của năm 2024 là 14% (đạt 3,9 tỷ USD) nhờ xuất khẩu sang các thị trường chính như EU, Trung Quốc và Mỹ khả quan. Nhu cầu phục vụ lễ hội cuối năm ở Mỹ, EU và nhu cầu phục vụ Tết nguyên đán ở Trung Quốc góp phần làm tăng đơn đặt hàng.
Tuy nhiên, mặt hàng này hiện đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn về nguồn cung nguyên liệu, đi kèm với những ẩn số liên quan đến thị trường Mỹ.

Nguồn: VASEP, Tổng Cục Hải quan (H.Mĩ tổng hợp)
Nguy cơ thiếu hụt nguyên liệu
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, năm 2024, diện tích nuôi tôm nước lợ ước đạt 737.000 ha với sản lượng đạt gần 1,3 triệu tấn, tăng 5,3% so với năm 2023.
Dự kiến, năm 2025, diện tích nuôi tôm nước lợ sẽ đạt 750.000 ha, tăng 1,8% so với năm 2024, và sản lượng đạt 1.290 nghìn tấn, tăng 2% so với năm trước đó.
Tuy nhiên, VASEP cho biết năm 2024, ngành tôm đã phải đối mặt với nhiều thách thức lớn. Sự biến động của thị trường, đặc biệt là giá tôm nguyên liệu liên tục giảm, thậm chí có giai đoạn “chạm đáy” so với các năm trước, đã khiến nhiều hộ nuôi phải cầm chừng hoặc thậm chí “treo ao”.
Trong khi giá tôm giảm mạnh, chi phí thức ăn lại tăng, nông dân rơi vào tình trạng nuôi tôm không có lãi hoặc thua lỗ. Đặc biệt, nửa đầu năm 2024, giá tôm tiếp tục lao dốc ở hầu hết các kích cỡ, đúng vào thời điểm cao điểm thả giống của người nuôi tại khu vực ĐBSCL.
Không chỉ khó khăn về giá, diễn biến môi trường và thời tiết bất lợi cũng như dịch bệnh vẫn luôn là vấn đề nan giải đối với vụ tôm năm vừa qua.
"Ngành tôm năm 2024 vẫn giữ được đà tăng trưởng, nhưng về mặt hiệu quả, người nuôi và doanh nghiệp chế biến đang gặp nhiều khó khăn do nguồn tôm nguyên liệu phục vụ chế biến thiếu hụt", VASEP cho biết.
“Vua tôm” Minh Phú là một ví dụ. Dù doanh thu tăng trưởng mạnh nhưng công ty lại ghi nhận năm thua lỗ thứ hai liên tiếp.
Theo đó, trong năm 2024, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu hơn 14.731 tỷ đồng, tăng 38% so với 2023. Tuy nhiên, công ty báo lỗ ròng hơn 235 tỷ đồng, nối dài khoản lỗ hơn 100 tỷ đồng của năm 2023. Biên lãi gộp giảm từ 16,8% của năm 2023 xuống còn 7,6% do giá vốn tăng cao.

Còn tại Sao Ta, theo lãnh đạo của công ty, kết quả lợi nhuận có lẽ tốt hơn nếu tình hình nuôi tôm khả quan và công ty không phải chịu tác động từ vụ kiện chống bán phá giá (AD), chống trợ cấp (CVD) từ Mỹ.
Trong thư gửi cổ đông đầu năm 2025, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT của Thực phẩm Sao Ta cho biết kim ngạch xuất khẩu của công ty trong năm 2024 đạt 25% tức gần gấp đôi với trung bình toàn ngành. Tuy nhiên “lợi nhuận của công ty không tăng trưởng tương đồng, không như kỳ vọng”.
“Năm qua, nuôi tôm của FMC có sản lượng tốt nhưng kích cỡ tôm nhỏ giá thấp và chi phí tăng do phải chăm sóc ao kỹ lưỡng hơn để ngăn dịch bệnh. Điều này dẫn tới giá thành sản phẩm cuối cùng giảm chưa nhiều”, ông Lực nói.
Bên cạnh đó, vụ kiện AD và CVD diễn tiến bất ngờ khiến công ty chưa thể xử lý khoản tiền trích dự phòng thuế CVD cho 2024 (10 tỷ đồng) và AD năm 2023 (38 tỷ đồng). Hai khoản này làm giảm lợi nhuận ngoài dự kiến.
“Nếu không có cảnh biến động, bất định, phức tạp, mơ hồ này, lợi nhuận của công ty ổn thỏa hơn”, ông Lực nói.
Tuy nhiên, người đứng đầu doanh nghiệp cho biết công ty con Thực phẩm Khang An (KAF) bất ngờ tăng tốc để giúp lợi nhuận hợp nhất công ty vẫn vượt kế hoạch.
Năm 2024, Sao Ta ghi nhận 6.913 tỷ đồng doanh thu thuần, 423 tỷ lãi sau thuế; tăng lần lượt 36% và 40% so với năm 2023. “Năm nay khởi đầu bằng những tình huống vô cùng phức tạp ở thị trường nội địa lẫn quốc tế”, ông Lực chia sẻ với chúng tôi.
“Tình hình nuôi tôm rất khó do dịch bệnh ảnh hưởng rất nặng nề đến sản lượng. Người nuôi sẽ thua lỗ vì giá thành rất cao. Còn đối với doanh nghiệp xuất khẩu, nguồn cung ứng thấp nên giá nguyên liệu đầu vào cao, gây khó trong việc cạnh tranh. Năm nay tình hình cung ứng nguyên liệu sẽ thiếu hụt”, ông Lực nói.
Ông chia sẻ thêm, mặc dù các doanh nghiệp vẫn có đơn hàng nhưng nguồn nguyên liệu không nhiều và giá còn cao, sức cạnh tranh thấp nên không dám nhiều.
“Sở dĩ kim ngạch xuất khẩu tôm tháng 1 tăng trưởng là do hàng tồn kho từ năm ngoái giao cho những hợp đồng cũ. Nhưng từ tháng 2, xuất khẩu có thể giảm do không còn hàng”, ông nhận định.
Những bất định ở thị trường xuất khẩu
Yếu tố phức tạp thứ hai mà người đứng đầu Sao Ta lo ngại đó là những bất ổn trong chính sách thương mại quốc tế, đặc biệt là Mỹ.
Năm ngoái, Mỹ ban hành quyết định trong vụ việc điều tra chống trợ cấp đối với tôm nước ấm đông lạnh đối với tôm nhập khẩu của Ấn Độ, Ecuador, Việt Nam và Indonesia.
Theo đó, mức thuế nhập khẩu của Mỹ áp dụng đối với mặt hàng tôm nước ấm đông lạnh của Ấn Độ là từ 5,63 - 5,87%; Ecuador là từ 3,5 - 4,4%; Việt Nam là 2,84% và Indonesia là 0%. Tuy nhiên, có một doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam bị áp đặt mức thuế nhập khẩu 221,82%.
Việc ông Trump tái đắc cử tổng thống Mỹ càng khiến tình hình trở nên phức tạp hơn.
“Mọi thứ trở nên khó đoán định. Chúng tôi chưa thể đánh giá đước nước nào sẽ bị đánh thuế tiếp theo. Việt Nam xuất siêu sang Mỹ nhưng các nước đối thủ Ấn Độ, Ecuador lại không. Trong khi giá tôm của họ rất rẻ. Nếu Mỹ áp thêm thuế đối với hàng Việt Nam thì rất khó khăn cho ngành tôm.
Mặc dù phân khúc tôm của Việt Nam là hàng chế biến cao cấp nhưng thị phần lại quá nhỏ so với hàng tôm giá rẻ của Ecuador và Ấn Độ. Nếu bị áp thuế, người tiêu dùng có thể sẵn sàng chuyển sang dòng tôm giá rẻ hơn”, ông Lực nói.
Năm 2024, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ đạt 756 triệu USD, tăng 11% so với năm 2023, đứng thứ hai về tỷ trọng (chiếm 19%). Trong 4 quý của năm 2024, xuất khẩu tôm sang Mỹ chỉ giảm trong quý II, tăng trưởng dương trong 3 quý còn lại. Xuất khẩu tôm sang thị trường này có xu hướng tăng tốc trong nửa cuối năm.

Nguồn: VASEP (H.Mĩ tổng hợp)
Nhằm giảm bớt tác động khó lường từ thị trường Mỹ, lãnh đạo Sao Ta cho biết công ty đang lên kế hoạch đa dạng hóa thị trường, đặc biệt là mở rộng ở EU. Đồng thời, tiếp tục coi Nhật là thị trường chiến lược.
Theo VASEP, để tăng sức cạnh tranh và đạt mục tiêu tăng trưởng trong năm 2025, lĩnh vực nuôi tôm cần được tạo động lực như người nuôi có thể được thế chấp, vay vốn ngân hàng một cách bình thường, cấp giấy phép mặt nước cho người dân để người dân có thể vay vốn từ các quỹ hoặc ngân hàng. Kiểm tra chặt hơn việc lưu thông, tiêu thụ tôm giống kém chất lượng.
VASEP đề xuất Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương tập trung các hoạt động ngoại giao kinh tế, đàm phán song phương và xúc tiến thương mại có mục tiêu tại các thị trường quan trọng để khơi thông lợi thế cho xuất khẩu tôm Việt Nam.
Hiệp hội cho biết thêm thị trường Nhật Bản nhập khẩu tôm thuộc top đầu của Việt Nam trong năm 2024, nhưng có thể sẽ bị tôm Indonesia soán ngôi đầu do Indonesia bị áp thuế cao ở Mỹ và sẽ tìm cách chuyển đổi qua Nhật Bản. Do đó, VASEP cho rằng cần thúc đẩy việc đàm phán với Hàn Quốc để bãi bỏ hạn ngạch đối với tôm Việt Nam xuất khẩu vào Hàn Quốc trong khuôn khổ Hiệp định VKFTA nhằm điều chỉnh thuế suất về 0% cho tôm Việt Nam.