Người tiêu dùng và doanh nghiệp Mỹ lo ngại trước chính sách thuế quan mới
42% người tiêu dùng Mỹ cho biết đã mua sắm hàng hóa giá trị lớn kể từ tháng 11/2024 sau khi ông Trump đắc cử Tổng thống. Bên cạnh đó, tỷ lệ doanh nghiệp Mỹ quá hạn trả nợ ngân hàng tăng lên mức cao nhất trong gần 8 năm trở lại đây...

Người tiêu dùng Mỹ đang mua nhiều hàng hóa nhiều hơn bình thường để tích trữ do lo ngại ảnh hưởng của chính sách thuế quan
Chính sách thuế quan có thể khiến giá tiêu dùng tại Mỹ tăng 0,5-0,7%
Theo một khảo sát của trang CreditCards.com, cứ 5 người Mỹ được khảo sát thì có 1 người cho biết đang mua nhiều hàng hóa hơn bình thường để tích trữ do lo ngại thuế quan của Tổng thống Donald Trump có thể khiến giá cả leo thang và dẫn tới bất ổn kinh tế.
Khi thuế quan tăng, các doanh nghiệp thường đẩy phần chi phí tăng thêm về phía khách hàng thông qua việc tăng giá hàng hóa.Vì vậy, thuế quan làm gia tăng áp lực lạm phát do chi phí sản xuất tăng lên ở các ngành phụ thuộc vào việc nhập khẩu nguyên vật liệu và linh kiện từ nước ngoài.
Với người tiêu dùng, mối lo giá cả tăng thường thúc đẩy hành vi tích trữ hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng như giấy vệ sinh, thuốc men hay thực phẩm khô.
Theo khảo sát trên, khi được hỏi về tác động của kế hoạch thuế quan của ông Trump tới hoạt động mua sắm, 22% cho biết mức độ tác động là “rất lớn” và 33% chịu tác động "phần nào”. 22% cho biết thuế quan không tác động nhiều tới kế hoạch chi tiêu của mình, trong khi 26% không cảm thấy bị ảnh hưởng gì.
42% người tham gia khảo sát cho biết đã mua sắm hàng hóa giá trị lớn kể từ tháng 11/2024 sau khi ông Trump đắc cử Tổng thống, do lo lắng về chính sách thuế quan. 21% cho biết họ đang có kế hoạch mua hàng giá trị lớn trong thời gian tới. Các mặt hàng phổ biến là hàng điện tử (39%), đồ gia dụng (31%), vật liệu cải tạo nhà của (25%), nội thất (22%) và ô tô (17%).
Chính sách thuế quan của ông Trump cũng được dự báo sẽ ảnh hưởng tới niềm tin của người tiêu dùng Mỹ, khiến họ có xu hướng chi tiêu ít hơn và thận trọng hơn. Theo khảo sát, 20% người được hỏi cho rằng các khoản mua sắm gần đây của mình là “chi tiêu quá mức ” (doom spending), trong khi 23% dự báo họ có thể sẽ phụ thuộc vào thẻ tín dụng hơn trong năm nay.
“Doom spending” là cụm từ thường được dùng để chỉ hành vi mua sắm quá mức hoặc bốc đồng do tâm lý lo lắng hoặc bất ổn về tương lai. Hành vi này thường xảy ra trong bối cảnh bất ổn kinh tế, căng thẳng địa chính trị hoặc lo sợ về vấn đề tài chính.
“Theo tính toán của các nhà nghiên cứu tại S&P Global, nếu có hiệu lực trong năm 2025, chính sách thuế quan của ông Trump có thể khiến giá tiêu dùng tại Mỹ tăng 0,5-0,7%”, ông John Egan, chuyên gia về thẻ tín dụng, bảo hiểm và tài chính cá nhân của CreditCards.com, cho biết.
“Vẫn còn quá sớm để nói chính xác về tác động của thuế quan mới tới hành vi chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ. Tuy nhiên, chính sách của ông Trump có thể khiến một bộ phận người tiêu dùng phải xem xét lại thói quen mua sắm của mình, đặc biệt là với các mặt hàng giá trị lớn”.
Kết quả khảo sát trên tương đồng với một cuộc khảo sát được thực hiện vào tháng 12/2024 và đầu tháng 1/2025, thời điểm trước khi ông Trump nhậm chức. Khảo sát này do các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Texas, Đại học California và Đại học Chicago thực hiện với khoảng 13.500 người Mỹ. Theo đó, 40% người tiêu dùng Mỹ nói rằng họ có thể tích trữ hàng hóa và gần 35% cho biết sẽ để dành tiền để đề phòng giá cả hàng hóa tăng.
Kể từ khi nhậm chức, ông Trump nhanh chóng đưa ra các kế hoạch thuế qua của mình. Đầu tháng 2, ông ký sắc lệnh áp thuế 25% với hàng nhập khẩu từ Mexico và Canada, bổ sung 10% với hàng Trung Quốc. Trong đó, sắc lệnh với hàng hóa Canada và Mexico đang được tạm hoãn trong vòng 30 ngày kể từ ngày 4/2/2025.
Gần hai tuần sau đó, ông Trump tiếp tục ký sắc lệnh áp thuế quan 25% lên toàn bộ nhôm và thép vào Mỹ. Ngày 18/2/2025, ông tuyên bố sẽ áp thuế quan 25% lên ô tô, dược phẩm và chip, trong đó thuế với ô tô nhập khẩu có hiệu lực sớm nhất vào ngày 2/4/2025. Tổng thống Mỹ cũng đã ký một biên bản ghi nhớ vạch ra kế hoạch áp “thuế quan có đi có lại” lên các quốc gia khác.
Theo giới chuyên gia, các động thái thuế quan của ông Trump có thể châm ngòi cho một cuộc chiến thương mại toàn cầu và cũng tác động tiêu cực tới nền kinh tế Mỹ. Nhà phân tích Paul Ashworth của công ty tư vấn Capital Economics dự báo lạm phát ở Mỹ sẽ tăng "nhanh hơn và nhiều hơn” so với dự kiến ban đầu do chính sách thuế quan mới.
Công ty tài chính EY dự báo lạm phát tại Mỹ sẽ tăng 0,7 điểm phần trăm trong quý 1/2025 trước khi các tác động bắt đầu giảm bớt. Theo mô hình phân tích của EY, kế hoạch thuế quan của ông Trump với 3 đối tác thương mại lớn nhất - Mexico, Canada và Trung Quốc - có thể khiến GDP của Mỹ giảm 1,5% và khiến lạm phát tăng 0,4 điểm phần trăm trong năm nay.
Tỷ lệ doanh nghiệp quá hạn trả nợ ngân hàng tăng cao

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ là đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ chi phí gia tăng
Theo dữ liệu mới nhất được thu thập bởi cơ sở dữ liệu BankRegData, tổng giá trị các khoản vay mà doanh nghiệp Mỹ đang trễ hạn thanh toán ít nhất 1 tháng vào thời điểm cuối năm 2024 là 28 tỷ USD, tăng 2,2 tỷ USD trong quý 4 và cao hơn nhiều so với mức 5,4 tỷ USD cùng kỳ năm trước. Số liệu này không bao gồm các khoản vay từ các tổ chức cho vay trực tiếp không phải là ngân hàng và quỹ tín dụng tư nhân - những khoản vay đang chiếm tỷ trọng ngày càng lớn hơn trong cơ cấu vay nợ của doanh nghiệp Mỹ.
Theo tờ báo Financial Times, sự gia tăng của tình trạng doanh nghiệp Mỹ trễ hạn trả nợ diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ còn tốt và người tiêu dùng Mỹ tiếp tục chi tiêu, nhưng các công ty vẫn gặp khó khăn vì lãi suất còn cao. Các khoản vay ngân hàng của doanh nghiệp, không giống như các dạng nợ khác, thường có lãi suất biến thiên theo lãi suất tham chiếu - chẳng hạn lãi suất quỹ liên bang của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hay lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ.
Nhiều người đã kỳ vọng lãi suất ở Mỹ sẽ giảm nhanh trong năm nay sau khi Fed bắt đầu hạ lãi suất vào năm ngoái. Nếu lãi suất giảm, áp lực tài chính đối với doanh nghiệp sẽ nhanh chóng được giải tỏa.
Tuy nhiên, kỳ vọng đó có vẻ sẽ không trở thành hiện thực. Tiến trình giảm lạm phát tại nền kinh tế lớn nhất thế giới đã chững lại vào tháng 1 vừa qua, với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái, một phần do giá thực phẩm tăng mạnh. Nhiều nhà kinh tế dự báo thuế quan của ông Trump sẽ dẫn tới một đợt leo thang mới của lạm phát, từ đó buộc Fed phải trì hoãn thêm việc tiếp tục cắt giảm lãi suất.
Hiện tại, thị trường lãi suất tương lai đang nghiêng về khả năng phải đến tháng 9 Fed mới có đợt giảm lãi suất tiếp theo và Fed sẽ chỉ giảm lãi suất một lần trong năm nay.
“Các công ty tầm trung đang chật vật trong môi trường lãi suất cao hơn lâu hơn. Các công ty lớn vẫn ổn, nhưng ngày càng có nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ mà nền kinh tế không thể mang lại đủ sự hỗ trợ”, trưởng phân tích David Hamilton của công ty Moody’s nhận định.
Tình trạng trễ hạn thanh toán các khoản vay doanh nghiệp mới bắt đầu tăng vào cuối năm 2023. Dù tăng, tỷ lệ các khoản vay trễ hạn ở hạng mục này vẫn thấp hơn mức 5% ghi nhận trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Tuy nhiên, phần lớn chuyên gia kinh tế tin rằng sự căng thẳng tài chính của các doanh nghiệp có khoản vay ngân hàng sẽ tăng lên trong thời gian tới, và nguyên nhân tiềm tàng của sự gia tăng đó chính là thuế quan của ông Trump.
Các công ty lớn có thể sẽ đủ khả năng để ứng phó với bối cảnh thương mại mới, nhưng các công ty vừa và nhỏ có thể sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi chi phí gia tăng. Đó là vì các công ty vừa và nhỏ có độ linh hoạt thấp hơn về tài chính và chuỗi cung ứng, và thường không có đủ vốn để vượt qua những gián đoạn.