Nhiều doanh nghiệp từ 'cái nôi' bán dẫn của Nhật Bản sang Việt Nam tìm cơ hội hợp tác
Việc nhiều doanh nghiệp bán dẫn hàng đầu từ Kyushu - được mệnh danh là 'cái nôi' của ngành công nghiệp bán dẫn Nhật Bản sang Việt Nam tìm kiếm cơ hội hợp tác, đồng hành đã khẳng định tiềm năng của Việt Nam trong lĩnh vực này.
Ngày 19/2, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) phối hợp với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam và FPT Semiconductor tổ chức “Chương trình kết nối hợp tác bán dẫn Việt Nam - Nhật Bản”. Sự kiện đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc thu hút các doanh nghiệp bán dẫn hàng đầu từ vùng Kyushu – "cái nôi" của ngành công nghiệp bán dẫn Nhật Bản, sang Việt Nam tìm kiếm cơ hội hợp tác và đầu tư.

Hội trường tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư chật kín các doanh nghiệp, chuyên gia nghiên cứu, báo chí Nhật Bản và Việt Nam quan tâm đến chương trình kết nối, hợp tác về bán dẫn.
Vùng Kyushu, được mệnh danh là “Đảo Silicon” của Nhật Bản, là thủ phủ về công nghệ cao, đặc biệt là điện tử và bán dẫn của Nhật Bản. Trong thời kỳ hoàng kim, sản xuất bán dẫn tại vùng Kyushu đóng góp phần lớn vào vị thế số 1 của Nhật Bản, chiếm một nửa thị phần ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Chính phủ Nhật Bản đang hết sức quyết tâm “tìm lại ánh hào quang” về công nghiệp bán dẫn, trong đó có việc vực dậy vùng Kyushu với việc thu hút, đầu tư 108 dự án với tổng giá trị khoảng 31 tỷ USD, bao gồm dự án nhà máy sản xuất chip tỷ đô của TSMC - tập đoàn số 1 thế giới về sản xuất chip.
Trong chiến lược này, Kyushu đang tìm kiếm các đối tác chiến lược, và Việt Nam đang trở thành một điểm đến quan trọng.
Đoàn doanh nghiệp bán dẫn Kyushu bao gồm nhiều tên tuổi doanh nghiệp lớn, viện nghiên cứu, trường đại học hàng đầu, trong đó có Tera Probe, Nisso, World Intec, Viện Công nghệ Fukuoka, Viện Công nghệ Quốc gia (KOSEN), Hiệp hội Bán dẫn và Đổi mới kỹ thuật số Kyushu (SIIQ). Mong muốn hợp tác với Việt Nam về bán dẫn, họ đặc biệt quan tâm đến nguồn nhân lực.
Chuyến thăm này là tiền đề cho đoàn lãnh đạo cấp cao của các doanh nghiệp bán dẫn Nhật Bản sang Việt Nam nghiên cứu môi trường kinh doanh, thúc đẩy đầu tư, hợp tác, dự kiến trong năm nay.
“Việt Nam đã hội tụ các điều kiện để sẵn sàng đón nhận, hợp tác với các doanh nghiệp, nhà đầu tư từ khắp nơi trên thế giới trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn. Nhật Bản cũng đã có sự hiện diện đáng kể, ví dụ như Renesas đang đặt cứ điểm nghiên cứu và phát triển lớn nhất thế giới tại Việt Nam với gần 1.500 kỹ sư”, ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc NIC chia sẻ và nói thêm việc hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản không chỉ giúp Kyushu lấy lại vị thế “Đảo Silicon” mà còn giúp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị bán dẫn toàn cầu.

Ông Vũ quốc Huy, Giám đốc Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia giới thiệu sáng kiến liên minh bán dẫn giữa Việt Nam và Nhật Bản trong giáo dục và chuỗi sản xuất.
Tại chương trình, ông Nguyễn Vinh Quang, Giám đốc FPT Semiconductor đã giới thiệu sáng kiến thành lập hai liên minh nhằm hiện thực hóa sự hợp tác chiến lược giữa Việt Nam và Nhật Bản trong ngành bán dẫn. Đó là liên minh Giáo dục, tập trung vào việc thúc đẩy đào tạo nhân lực bán dẫn chất lượng cao cho cả 2 quốc gia và liên minh Chuỗi sản xuất để đảm bảo không đứt gãy chuỗi sản xuất, đồng thời phát triển công nghệ và làm từng bước tham gia sâu vào chuỗi giá trị bán dẫn cho cả Việt Nam và Nhật Bản.
“Chúng tôi tin tưởng rằng với sự ủng hộ của chính quyền vùng Kyushu - “cái nôi” của ngành bán dẫn Nhật Bản, liên minh này sẽ tạo động lực thúc đẩy ngành bán dẫn Việt Nam, hướng đến việc hoàn thiện quy trình đóng gói và kiểm định chip ngay tại Việt Nam và mở ra 1 kỷ nguyên mới trong hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản trong lĩnh vực công nghệ cao", ông Vinh nhận định.