Bi kịch khi được gọi là 'thiên tài'
Trong mắt xã hội, thiên tài là danh hiệu khẳng định tài năng mà nhiều người ao ước. Nhưng với chính những người nhận được cái danh thiên tài, đó đôi khi lại là một lời nguyền.
![Những đứa trẻ được gọi là thiên tài thường rất cô đơn vì khó hòa hợp với bạn bè. Ảnh: Paul Harris.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_119_51436077/362c707a4b34a26afb25.jpg)
Những đứa trẻ được gọi là thiên tài thường rất cô đơn vì khó hòa hợp với bạn bè. Ảnh: Paul Harris.
Nhớ lại ngày quyết định theo đuổi lĩnh vực vật lý và trở thành vật lý lý thuyết, Tom đã dốc sức nghiên cứu về hố đen và tích lũy kha khá kiến thức về vũ trụ. Cậu cũng suy đoán về mối quan hệ giữa hố đen và hố trắng, về các vật thể trên trời có khả năng phát ra nguồn năng lượng khổng lồ.
Dù chưa có đủ kiến thức về toán học để chứng minh những suy đoán của mình, Tom vẫn tin là mình sẽ làm được. Bởi vì thời điểm đó, Tom mới chỉ 5 tuổi, cậu có rất nhiều thời gian.
Thông minh, khác người
Đến năm 11 tuổi, hoạt động yêu thích của Tom là làm đề toán và tự chấm điểm. Trước đó, vào năm 2018, khi mới 10 tuổi, cậu đã xin bố mẹ 125 bảng Anh để nộp lệ phí tham dự bài thi Toán trong kỳ thi GCSE - kỳ thi dành cho hầu hết học sinh 16 tuổi. Chưa dừng lại ở đó, Tom tiếp tục học thêm toán để lấy chứng chỉ A-level môn Toán.
Ban đầu, bà Chrissie, mẹ của Tom, nghĩ rằng tình yêu của con trai dành cho những con số là chuyện bình thường. Nhưng dần dần, bà nhận ra mọi chuyện không như vậy. Giáo viên của Tom nói rằng thay vì ra ngoài trời chơi cùng bạn trong giờ nghỉ giải lao, cậu bé chỉ ngồi trong lớp và làm toán.
Một ngày, bố mẹ của Tom quyết định đưa cậu đến Potential Plus, hay còn được gọi là Hiệp hội Quốc gia dành cho trẻ em có năng khiếu. Tại đây, Tom được cho làm bài kiểm tra thông minh. Sau nửa ngày làm kiểm tra, gia đình cậu bé nhận được kết quả rằng con trai lọt top 0,1% người thông minh nhất ở Anh.
Financial Review nêu rằng những đứa trẻ thông minh sớm thường bị coi là sản phẩm của gia đình trung lưu, nuôi con bằng sức ép về kiến thức. Họ nói chuyện chính trị với con cùng hy vọng con sẽ phát triển những quan điểm cứng rắn về cách thế giới vận hành, họ cho con luyện piano 5 giờ mỗi ngày để có cơ hội biểu diễn ở sân khấu lớn. Họ tin rằng luyện tập có thể tạo nên sự hoàn hảo, nuôi dưỡng những đứa trẻ thiên tài.
Nhưng trường hợp của Tom lại khác. Cậu lớn lên trong một vùng kém phát triển ở phía nam London. Khoảng 97% học sinh ở ngôi trường đầu tiên cậu theo học không dùng tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ.
Cha mẹ của Tom cũng không phải tinh anh của xã hội. Khi nhắc đến những con số, vật lý thiên văn hay tiếng Latin, cha mẹ của cậu hầu như không hiểu.
Điểm chung của thiên tài
Thuật ngữ "thiên tài", "có năng khiếu" thường được dành cho những đứa trẻ thể hiện rõ 3 đặc điểm.
Đầu tiên, đứa trẻ đó bắt đầu thành thạo một môn học cụ thể như ngôn ngữ, toán học, cờ vua... khi các em còn rất nhỏ, nhỏ hơn nhiều so với hầu hết người khác.
Thứ hai, sự thành thạo này phần lớn đạt được nhờ chính bản thân đứa trẻ, thay vì nhờ sự thúc đẩy của cha mẹ. Tuy nhiên, hoàn cảnh xung quanh và hoàn cảnh kinh tế xã hội của trẻ chắc chắn ảnh hưởng đến tốc độ phát triển của trẻ.
![Những đứa trẻ thiên tài thường cảm thấy khó hạnh phúc. Ảnh minh họa: Michael Clayton-Jones.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_119_51436077/d241bd1786596f073648.jpg)
Những đứa trẻ thiên tài thường cảm thấy khó hạnh phúc. Ảnh minh họa: Michael Clayton-Jones.
Ví dụ, đứa trẻ sinh ra trong gia đình học thức có thể nghe được nhiều hơn khoảng 4 triệu từ so với những đứa trẻ có cha mẹ có trình độ học vấn thấp hơn. Những gia đình học thức cũng thường có thu nhập cao để cung cấp nhiều cơ hội giáo dục cho con.
Tuy nhiên, bà Lyn Kendall, cố vấn tại Mensa, khẳng định rằng việc đọc sách triết học cho một đứa trẻ 5 tuổi hay bắt các em làm bài tập thêm 3 giờ mỗi ngày không thể "biến" chúng thành thiên tài. Bởi vì nhiều trẻ có IQ cao khi còn là trẻ sơ sinh, ngay trước khi cha mẹ tác động để ép các em thành thiên tài.
"Ngay từ khi còn rất nhỏ, trước khi biết nói, những đứa trẻ này hiểu được những gì đang diễn ra xung quanh chúng, hiểu được những gì mọi người nói nhưng không thể phản ứng lại" bà Kendall thông tin.
Ngoài ra, nữ cố vấn cũng cho biết hầu hết trẻ mới biết đi đều khám phá thế giới theo cách "thấy gì, tìm hiểu đó". Nhưng các em dễ bị phân tâm khi có một vật thể, sự kiện mới xuất hiện.
Ngược lại, những đứa trẻ thiên tài lại có cách tìm hiểu rất khác. Các em không bao giờ bị phân tâm và thường đặt ra cho mình những tiêu chuẩn rất cao khi khám phá thế giới. Bà Kendall nói rằng những đứa trẻ có năng khiếu thường giống như đứa trẻ có tâm hồn của thanh niên 18 tuổi.
Đáng chú ý, một đứa trẻ thiên tài có khả năng vượt trội để thành thạo lĩnh vực nhất định, nhưng khả năng ứng phó với môi trường xã hội của các em lại bị hạn chế hơn.
Đứa trẻ đó có thể dễ suy sụp, không hiểu được niềm vui của những đứa trẻ khác và cũng không biết cách kiểm soát cảm xúc của bản thân. Năng khiếu thậm chí có thể liên quan đến các tình trạng sinh lý hoặc đi đối với chứng rối loạn xử lý cảm giác.
Đối với nhiều cá nhân có trí thông minh đặc biệt, những kích thích ở môi trường bên ngoài như tiếng radio, màu sắc hoặc kết cấu của thực phẩm cũng có thể khiến chúng khó chịu.
Bà Sonja Falck, nhà trị liệu tâm lý tại Anh, người thường xuyên trị liệu cho những khách hàng có trí thông minh cao, nhận định rằng về mặt thần kinh, IQ cao có thể đi kèm với khả năng hoạt động thần kinh tăng cao.
“Nếu một người bị tác động nhiều từ môi trường bên ngoài và có khả năng xử lý nhanh chóng, họ rất dễ bị kích động", bà Falck nói.
Không hạnh phúc
Xã hội coi trọng trí thông minh. Những thiên tài được coi trọng và được cho là sẽ đảm bảo sự thịnh vượng và thành công. Tuy nhiên, trí thông minh cũng có mặt tối. Giống như nhiều đứa trẻ có năng khiếu khác, tuổi thơ của Tom không mấy hạnh phúc.
Vào năm 5 tuổi, Tom từng nói với gia đình về việc muốn kết thúc đời mình, bằng cách đập đầu vào tường nhiều lần. "Con thấy con bị lạc lối, cuộc sống của con giống như một mê cung", Tom từng nói với mẹ như vậy.
Bác sĩ cũng từng chẩn đoán Tom bị trầm cảm nặng, bệnh này có thể bắt nguồn từ cái mác "thiên tài" mà cậu nhận được, cũng như sự thất vọng và cô đơn mà căn bệnh này gây ra.
Tom thường cảm thấy khó hòa nhập với những đứa trẻ khác và có ít bạn bè. Ở trường, cậu thường bị tách khỏi nhóm bạn, thậm chí từng bị bạn ngăn cản vào lớp vì "sợ cậu làm những việc khác". Để xua tan những suy nghĩ tiêu cực, Tom tìm cách giải câu đố và làm toán vào đêm khuya. Cậu mất ngủ liên miên và điều này ảnh hưởng đến cả gia đình.
Ở một số quốc gia coi trọng trí thông minh, họ thường tạo ra những chương trình giáo dục nâng cao dành cho học sinh có năng khiếu. Nhưng dù thiên tài được xã hội trọng dụng, các em vẫn có nguy cơ đối mặt với các vấn đề tâm lý và xã hội. Đối với nhiều gia đình, thiên tài đôi khi là một lời nguyền chứ không phải phước lành như người khác vẫn nghĩ.