Loại lá từ cây ăn quả nhiều người mê giúp trị loét dạ dày
Thông thường, chúng ta chỉ ăn trái xoài, ít quan tâm đến lá. Thực tế, lá của loại trái này cũng mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe vì chứa nhiều hợp chất thực vật.
Theo bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Tấn Vũ, Trưởng đơn vị khám chữa bệnh ban ngày, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (cơ sở 3), cây xoài không chỉ cung cấp trái ngon, mà cả lá, thân và rễ cũng được sử dụng trong y học cổ truyền với nhiều ứng dụng trong y học. Lá xoài mang hương vị lạ đối với ẩm thực, sức khỏe và cuộc sống.
Lá xoài non giàu mangiferin, một hợp chất giúp giảm tổn thương dạ dày, hỗ trợ điều trị loét dạ dày và các vấn đề tiêu hóa khác.
Một nghiên cứu cho thấy chiết xuất lá xoài với liều 250-1.000 mg/kg có thể giảm số lượng tổn thương dạ dày đáng kể. Ngoài ra, lá xoài còn chứa polyphenol và terpenoid, có tác dụng chống oxy hóa, bảo vệ tế bào khỏi gốc tự do. Polyphenol giúp cải thiện vi khuẩn đường ruột, hỗ trợ điều trị béo phì, tiểu đường, bệnh tim và ung thư, trong khi đó terpenoid đóng vai trò quan trọng đối với thị lực và hệ miễn dịch.
Theo bác sĩ Vũ, lá xoài có vị chua ngọt, tính mát, thường được dùng để hạ nhiệt, lợi tiểu, chữa phù thũng. Ngoài ra, chúng còn giúp chống sa nội tạng, hỗ trợ điều trị ho, viêm phế quản cấp và mạn tính.
Tuy nhiên, bác sĩ cũng khuyến cáo không phải ai uống lá xoài non cũng có tác dụng, mà chỉ nên xem đây như một liệu pháp hỗ trợ. Đặc biệt, không nên uống nước lá xoài gần với các loại thuốc khác, tốt nhất nên cách nhau 2-3 giờ để tránh ảnh hưởng đến quá trình hấp thụ thuốc. Việc sử dụng lá xoài đúng cách có thể giúp phát huy lợi ích tiềm năng, nhưng không thể thay thế hoàn toàn các phương pháp điều trị khoa học.