Làm gì để tỷ lệ tử vong vì bệnh dại giảm?
Bệnh dại có thể phòng tránh bằng vắc xin, nhưng nhiều người dân vẫn bỏ qua biện pháp này, dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Vấn đề được đặt ra giải pháp nào giảm thiểu số ca tử vong do bệnh dại tại Bình Thuận?
Dại ở người, ở động vật
Nếu năm 2024, Bình Thuận ghi nhận 10 ca tử vong do bệnh dại - con số cao nhất cả nước, thì đầu tháng 2/2025, một trường hợp tử vong nghi do bệnh dại đã xảy ra tại huyện Hàm Thuận Bắc. Cách đây 3 tuần, bệnh nhân bị chó chạy rông cắn vào mặt và mí mắt. Mặc dù vết thương bị chảy máu, nhưng bệnh nhân chỉ rửa và sát trùng mà không tiêm vắc xin phòng dại hoặc huyết thanh kháng dại. Sau đó, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng sốt, mệt mỏi, đau đầu, hoảng loạn và sợ nước; được đưa đến bệnh viện điều trị. Bác sĩ giải thích, tiên lượng bệnh và người nhà xin cho bệnh nhân về nhà. Ngày 3/2/2025 bệnh nhân tử vong tại nhà. Đây là trường hợp tử vong do bệnh dại đầu tiên trong năm 2025 trên địa bàn tỉnh.

Tiêm vắc xin phòng dại cho chó, mèo.
Một tình huống khác đáng chú ý, ngày 6/2/2025, tại khu phố 6, phường Mũi Né (Phan Thiết), một con chó chạy vào nhà người dân cắn 3 người và 5 con chó khác. UBND phường Mũi Né tiến hành bắt giữ, theo dõi theo quy định; đến 13 giờ cùng ngày, con chó chết. Trung tâm Kỹ thuật và Dịch vụ nông nghiệp (Phan Thiết) tiến hành lấy mẫu gửi xét nghiệm; đồng thời, phun xịt xung quanh các nhà dân bị chó cắn và nơi chó đi qua tại khu phố 6 và tổ chức tiêu hủy xác chó theo quy định. Theo đó, Chi cục Thú y vùng VI thông báo kết quả xét nghiệm con chó không có chủ ở khu phố 6, phường Mũi Né phát hiện có vi rút dại.
Thông qua hai tình huống trên, đều xuất phát từ chó không có chủ, chạy rông. Chó không có chủ hoặc chó chạy rông, nếu không được tiêm phòng, có thể là nguồn lây nhiễm dại trong cộng đồng. Các biện pháp quản lý, xử lý chó chạy rông tại địa phương chưa thực sự nghiêm ngặt. Trong khi, vắc xin phòng bệnh dại cho người và động vật hiện có sẵn, giúp bảo vệ cả người, vật nuôi. Những ca tử vong do bệnh dại hoàn toàn có thể phòng tránh, nếu người dân nhận thức rõ tầm quan trọng của việc tiêm vắc xin.
Gây quỹ phòng bệnh, hỗ trợ người nghèo
Trước ca tử vong do bệnh dại, bác sĩ Lê Văn Hồng - Phó Giám đốc Sở Y tế yêu cầu các cơ sở y tế tuyến huyện đảm bảo đủ vắc xin, huyết thanh kháng dại; tăng cường tuyên truyền về hiệu quả của vắc xin, về sự nguy hiểm của bệnh dại bởi khi phát bệnh tử vong 100% và cung cấp thông tin về các điểm tiêm vắc xin cho người dân. Đồng thời, đề nghị các địa phương tuyên truyền nâng cao nhận thức về việc nuôi, quản lý chó, mèo, đặc biệt trong việc tiêm vắc xin phòng dại cho chó, mèo. Các tổ công tác cần xử lý tình trạng chó thả rông và yêu cầu chủ hộ cam kết nuôi nhốt chó, mèo. Các xã, thị trấn cần tổ chức tiêm phòng vắc xin cho đàn chó, mèo, điều tra và xét nghiệm vi rút dại ở các khu vực có nguy cơ. Các đoàn công tác liên ngành sẽ kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh dại; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định nuôi, quản lý chó, mèo.
Mặc dù biết rằng bệnh dại có thể gây tử vong và vắc xin phòng bệnh dại là giải pháp hiệu quả, nhưng vẫn có không ít người không tiêm ngừa. Nguyên nhân không chỉ do chủ quan, lơ là, hay tin vào phương pháp dân gian mà còn vì chi phí tiêm vắc xin quá cao so với khả năng của những gia đình nghèo, có thu nhập không ổn định từ lao động thời vụ, người sống ở vùng sâu, vùng xa...
Thiết nghĩ, lập quỹ phòng bệnh dại là cần thiết. Quỹ này dùng chi trả cho việc tiêm vắc xin phòng dại cho người nghèo, người dân tộc thiểu số, trẻ em… khi bị chó, mèo cắn. Đây là giải pháp giúp giảm bớt gánh nặng tài chính cho các gia đình khó khăn, người nghèo… hạn chế tình trạng tử vong do bệnh dại.