Bế tắc vì bị ngành Y 'cướp' sinh viên

Các khoa, trường đào tạo công nghệ, kỹ thuật ở Hàn Quốc bất lực vì sinh viên đồng loạt 'quay xe' để học ngành Y, khiến tình trạng thiếu hụt nhân tài của ngành thêm trầm trọng.

 Sinh viên công nghệ ở Hàn Quốc bỏ ngành để theo đuổi ngành Y. Ảnh: Adobestock.

Sinh viên công nghệ ở Hàn Quốc bỏ ngành để theo đuổi ngành Y. Ảnh: Adobestock.

Khi các trường đào tạo công nghệ và kỹ thuật đang nổi lên như một hiện tượng ở các cường quốc về chip như Mỹ và Trung Quốc, ngành công nghiệp bán dẫn ở Hàn Quốc lại phải vật lộn vì thiếu người học. Các chuyên gia trong lĩnh vực bán dẫn cho rằng trường y đang "hút cạn" nhân tài trong nước.

Người giỏi nhất cũng bỏ học để theo ngành Y

Giáo sư Lee Jong-hwan tại Đại học Sangmyung là một trong những người đưa ra nhận định đó. Ông cho rằng ở Hàn Quốc, những nhân tài hàng đầu đều bị trường y kéo về. Thậm chí, ở các trường đại học danh tiếng, những người đã thi đậu cũng muốn thi lại để đăng ký vào trường y.

"DeepSeek - công ty khởi nghiệp AI của Trung Quốc - làm rung chuyển thế giới nhờ bước đột phá mới trong công nghệ, đáng chú ý hơn là người đứng đầu công ty mới chỉ 30 tuổi. Đây là kết quả của việc Trung Quốc đầu tư rất lớn vào lĩnh vực này để bồi dưỡng nhân tài", giáo sư Lee nêu quan điểm.

Trong khi đó, ở Hàn Quốc, lượng sinh viên theo đuổi lĩnh vực công nghệ ngày một giảm. Số liệu mới nhất năm 2024 từ viện giáo dục tư nhân Jongro Hagwon cho thấy tỷ lệ bỏ học ở 5 khoa đào tạo bán dẫn hàng đầu Hàn Quốc lên đến 179%, nghĩa là số lượng sinh viên trúng tuyển chọn bỏ học cao gần gấp đôi số lượng suất học còn trống.

Mặc dù các công ty hàng đầu như Samsung Electronics và SK hynix luôn đảm bảo sinh viên ngành này có được việc làm sau tốt nghiệp, những sinh viên giỏi nhất vẫn từ bỏ suất học để chuyển sang ngành Y.

Trong bối cảnh ngành công nghiệp bán dẫn ngày càng cạnh tranh gay gắt trên toàn cầu, việc đảm bảo giữ chân nhân tài trở thành ưu tiên hàng đầu của ngành này tại Hàn Quốc.

Nhưng theo Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng, Hàn Quốc dự kiến đối mặt với tình trạng thiếu hụt khoảng 56.000 kỹ sư vi mạch vào năm 2031.

Ông Ahn Cheol-soo, thành viên của Đảng Quyền lực Nhân dân, cũng bày tỏ mối lo ngại tương tự, đồng thời cho biết Trung Quốc đầu tư hơn 1,2 tỷ USD cho AI trong 5 năm tới, Mỹ cũng cam kết đầu tư 500 tỷ USD. Trong khi đó, khoản đầu tư của Hàn Quốc trong năm 2024 chỉ đạt 1,2 triệu USD.

"Làm sao chúng ta có thể bắt kịp nước bạn? Trung Quốc có hơn 410.000 nhà nghiên cứu AI, Mỹ cũng có hơn 200.000 người, trong khi Hàn Quốc có chưa đến 20.000 nhà nghiên cứu", ông Ahn đặt câu hỏi.

Trước khi theo đuổi sự nghiệp chính trị, ông Ahn Cheol-soo từng là một bác sĩ và doanh nhân trong lĩnh vực công nghệ. Vì thế, ông hiểu rằng AI là công nghệ chính, dẫn đầu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nếu tụt hậu ở thời điểm hiện tại, Hàn Quốc sẽ dần suy thoái.

 Hàn Quốc bị Mỹ, Trung Quốc bỏ xa trong cuộc đua vi mạch, bán dẫn. Ảnh: 123rf.

Hàn Quốc bị Mỹ, Trung Quốc bỏ xa trong cuộc đua vi mạch, bán dẫn. Ảnh: 123rf.

Thiếu người học, thiếu cả nơi đào tạo

Nhu cầu nguồn nhân lực vi mạch, bán dẫn luôn lớn, nên Chính phủ Hàn Quốc đã củng cố chính sách bồi dưỡng nhân tài cho lĩnh vực này. Kết quả, số lượng khoa đào tạo các chương trình liên quan ở bậc đại học đã tăng từ 381 vào năm 2022 lên 396 vào năm 2024.

Dù vậy, các chuyên gia giáo dục vẫn nhấn mạnh việc xây dựng các kế hoạch đào tạo có cấu trúc, hệ thống vẫn quan trọng hơn việc chỉ đổi tên khoa ở trường.

Ông Lee Byoung-hun, giáo sư ngành Kỹ thuật điện tử tại Đại học Khoa học và Công nghệ Pohang, nói với Korea Herald rằng do không có mục tiêu rõ ràng về tài năng muốn bồi dưỡng, ông và các đồng nghiệp chỉ có thể dạy những kiến thức cơ bản về chất bán dẫn - không hơn, không kém so với những điều mà ông luôn làm.

Ngoài ra, một thách thức lớn mà Hàn Quốc phải đối mặt chính là việc đảm bảo nhân tài ở trình độ sau đại học - nhóm nhân lực mà các công ty vi mạch trên toàn thế giới đều thèm muốn.

Tại Trung Quốc, nước này đào tạo hơn 80.000 nghiên cứu sinh tiến sĩ trong lĩnh vực khoa học và công nghệ và có hơn 1,5 triệu sinh viên ngành Kỹ thuật tốt nghiệp hàng năm.

Bên cạnh khác biệt về dân số, Hàn Quốc cũng khó theo kịp Trung Quốc vì phải vật lộn để thu hút nhân lực trình độ cao. Ở nước này, rất ít người muốn theo đuổi lĩnh vực công nghệ ở bậc học cao hơn. Hoặc nếu tốt nghiệp với tấm bằng thạc sĩ, tiến sĩ, những nhân tài này vẫn không ở lại Hàn Quốc vì thường được các công ty chip khổng lồ ở nước ngoài tuyển dụng với mức lương cao hơn đáng kể.

"Tôi được Qualcomm mời về làm việc, nhưng tôi đã chọn Samsung. Tôi là một trường hợp khác thường so với những người bạn cùng khoa", một kỹ sư bán dẫn tốt nghiệp với tấm bằng tiến sĩ chia sẻ, đồng thời cho biết anh từng được giám đốc điều hành của một công ty sản xuất vi mạch trực tiếp liên hệ để tuyển dụng.

Thái An

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/be-tac-vi-bi-nganh-y-cuop-sinh-vien-post1531050.html
Zalo