Intel có nguy cơ bị 'xé lẻ'

Broadcom và TSMC, 2 'gã khổng lồ' công nghệ thế giới, đang thăm dò các thương vụ tiềm năng nhằm chia tách Intel – biểu tượng ngành bán dẫn của Mỹ – thành 2 mảng riêng biệt: thiết kế chip và sản xuất.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh Intel đối mặt với khủng hoảng tài chính và áp lực cạnh tranh từ các đối thủ đến từ châu Á, theo ghi nhận mới nhất từ báo Wall Street Journal.

Một số nguồn tin nội bộ tiết lộ, ban lãnh đạo Broadcom đã thảo luận với đội ngũ cố vấn về kế hoạch mua lại bộ phận thiết kế và tiếp thị chip của Intel. Tuy nhiên, công ty chỉ có thể triển khai nếu tìm được đối tác đảm nhận mảng sản xuất – lĩnh vực mà TSMC đang nhắm đến.

Trong khi đó, TSMC - nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới, được cho là đang nghiên cứu khả năng tiếp quản một phần hoặc toàn bộ nhà máy của Intel, có thể thông qua một tập đoàn đầu tư thứ ba.

Các mảng thiết kế chip và sản xuất của Intel có nguy cơ bị Broadcom và TSMC thâu tóm. Ảnh: Flickr/JiahuiH

Các mảng thiết kế chip và sản xuất của Intel có nguy cơ bị Broadcom và TSMC thâu tóm. Ảnh: Flickr/JiahuiH

Dù vậy, các cuộc đàm phán hiện mới chỉ ở giai đoạn sơ bộ, không chính thức, và hai bên chưa hợp tác với nhau. Frank Yeary - Chủ tịch tạm quyền của Intel, được xác nhận là người dẫn đầu các thảo luận với đối tác và quan chức của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Nhà Trắng đã bày tỏ quan ngại về việc một công ty nước ngoài như TSMC điều hành các cơ sở sản xuất chip "nhạy cảm" của Intel, vốn được xem là yếu tố then chốt cho an ninh quốc gia. Một quan chức Mỹ cho biết: "Chính quyền ủng hộ đầu tư nước ngoài nhưng khó chấp nhận để họ kiểm soát nhà máy của Intel".

Động thái này trái ngược với đề xuất trước đó từ đội ngũ của Tổng thống Trump, khi họ kêu gọi TSMC tiếp quản nhà máy của Intel nhằm tăng cường sản xuất nội địa. Trong khi đó, Intel vừa nhận khoản trợ cấp 7,86 tỷ USD từ chính phủ Mỹ vào tháng 11/2024 để phát triển ngành chip nội địa.

Là "ông lớn" của ngành bán dẫn toàn cầu và niềm tự hào của người Mỹ, song Intel đang phải chật vật phục hồi sau chuỗi thất bại về chiến lược phát triển dưới thời cựu Giám đốc điều hành Pat Gelsinger. Việc đầu tư quá ồ ạt vào sản xuất khiến dòng tiền của Intel cạn kiệt, buộc hãng phải cắt giảm 15% nhân sự và mất nhiều hợp đồng lớn.

Tính riêng năm 2023, cổ phiếu Intel lao dốc tới 60%, trong khi TSMC – với thị giá gấp 8 lần – tiếp tục thống trị thị trường nhờ hợp tác với 2 "đại gia" ngành bán dẫn khác là Nvidia và AMD.

Giới phân tích nhận định, việc chia tách có thể giúp Intel tập trung nguồn lực, nhưng cũng đặt ra câu hỏi về tương lai của một huyền thoại công nghệ thế giới. Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị leo thang, thương vụ tiềm năng này hứa hẹn làm chao đảo ngành bán dẫn toàn cầu.

Việt Anh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/intel-co-nguy-co-bi-xe-le.html
Zalo