Đổi thay chuyện học trên đỉnh Mùa Xuân
Mùa Xuân, xã Sơn Thủy là một trong những bản xa xôi của huyện biên giới Quan Sơn (Thanh Hóa).

Thầy Sung Văn Vư cầm tay nắn nót từng nét chữ cho học trò.
Vài năm gần đây, cuộc sống của đồng bào Mông đang dần cải thiện, chuyện học hành của con trẻ được quan tâm hơn...
Mùa Xuân không còn xa
Mùa Xuân và Xía Nọi là hai bản người Mông ở Sơn Thủy. Trước kia, để đến được Mùa Xuân rất khó khăn, bởi vùng đất bao quanh là núi cao vời vợi. Từ trung tâm huyện Quan Sơn đến đây, có khoảng cách gần trăm cây số, trong đó có hàng chục km đường rừng đầy gian nan, trắc trở.
Người nào can đảm, tay lái vững vàng thì chạy xe máy từ trung tâm xã Sơn Thủy đi qua bản Thủy Thành, ngược bản Khà rồi lên Mùa Xuân, Xía Nọi. Cung đường này tuy hơi ngắn (khoảng 15km), nhưng dốc dựng đứng và phải len lỏi dưới tán rừng già. Cũng có người chọn lối đi lên tận gần cửa khẩu quốc tế Na Mèo, rồi trườn dốc lên bản Ché Lầu (xã Na Mèo) để đến bản Mùa Xuân.
Cung đường này nếu tính từ trung tâm huyện Quan Sơn đến Mùa Xuân, có độ dài khoảng trăm cây số. Còn giờ đây, để lên với Mùa Xuân, Xía Nọi, phần lớn người dân đi theo con đường từ trung tâm xã Sơn Thủy qua các bản: Bo Hiềng, Sa Ná, Son, Ché Lầu (xã Na Mèo, Quan Sơn).
Trở lại Mùa Xuân lần này, chúng tôi cũng chọn cung đường đỡ gồ ghề hơn. Dẫu vậy, thời điểm cuối năm, tiết trời rét mướt, mây mù bao phủ cả vùng núi, mặt đường trơn trượt, nên nhiều đoạn chúng tôi phải cuốc bộ. Khoảng cách từ Trường Tiểu học Sơn Thủy lên bản Mùa Xuân hơn 30 km đường quanh co, dốc cao rất khó khăn và hiểm trở. Biết chúng tôi chưa quen đường, thầy Trịnh Đình Dương - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sơn Thủy “nhận nhiệm vụ” chở bằng xe máy vượt dốc bản Ché Lầu để lên đỉnh Mùa Xuân.

Thầy Trịnh Đình Dương - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sơn Thủy lên điểm trường Mùa Xuân.
Trên đường đi, thầy Dương bảo rằng, vào ngày trời nắng ráo, chạy xe máy dễ hơn. Nếu gặp trời mưa, mà người nào có việc thật khẩn thiết muốn lên bản Mùa Xuân hoặc ngược lại, thì phải là những tay lái vững vàng, mới có thể trườn qua những con dốc dựng đứng, trơn trượt. Sau gần 2 giờ đồng hồ chạy xe máy, chúng tôi đã đến được với điểm trường của bản Mùa Xuân. Nhiệt độ ngoài trời xuống khá thấp (chừng 10 độ C), kèm theo những đợt mưa phùn, khiến ai nấy đều cảm nhận rõ cái giá lạnh đến tê đầu ngón tay.
Qua ông Sung Văn Cấu - Trưởng bản Mùa Xuân, chúng tôi được biết hiện bản có 123 hộ, thì có tới 108 hộ nghèo, 15 hộ cận nghèo, chưa hộ nào thoát nghèo. Mãi đến tháng 12/2021, bản Mùa Xuân mới có điện lưới quốc gia.
“Bản Mùa Xuân đã có nhiều chương trình chính sách ưu việt của Đảng, Chính phủ, như: 134, 135, 30a... nhằm giúp đỡ đồng bào Mông thoát nghèo. Thế nhưng, đường giao thông chưa thuận tiện, điện lưới quốc gia cũng mới vừa về đến bản hơn 2 năm, nên mọi thứ ở đây chưa phát triển được như mong muốn”, ông Cấu chia sẻ.

Nét mặt rạng ngời của học sinh Thao Tông Xua (lớp 3) ở điểm trường Mùa Xuân.
Điểm trường thay áo mới
Ở điểm trường Mùa Xuân, có 5 thầy giáo, trong đó 2 người ở bản Xía Nọi, 2 người bản địa và 1 thầy người Thái ở xã Trung Xuân (Quan Sơn) lên cắm bản.
Thầy Cao Minh Toàn - Trưởng khu Mùa Xuân, Trường Tiểu học Sơn Thủy cho biết, ở điểm trường này có 95 học sinh, trong đó, khối 1 có 17 em; khối 2 có 23 em; khối 3 là 15 em; khối 4 có 22 em và khối 5 là 18 học sinh. Mặc dù, hiện tại điểm trường đã được xây dựng 5 phòng học lắp ghép, kiên cố nhà công vụ giáo viên, có điện lưới quốc gia... nhưng vẫn còn rất nhiều khó khăn trong sinh hoạt hằng ngày lẫn việc dạy và học của thầy, trò.
Theo thầy Toàn, ngoài khó khăn về cơ sở vật chất, điều kiện đi lại... thì bất đồng ngôn ngữ là một rào cản lớn. Bởi lẽ, hầu hết học sinh từ khối lớp 1 đến lớp 3 chưa biết nói tiếng Việt hoặc nói chưa thành thạo. Vì thế, thầy giáo và học sinh giao tiếp với nhau rất khó. Phần lớn, học sinh lên lớp chỉ nói với nhau bằng tiếng Mông.

Thầy Cao Minh Toàn và học trò của mình ở trong lớp.
“Nhưng điều may mắn là ở điểm trường này có 4 giáo viên người Mông gồm thầy: Sung Văn Vư, Sung Văn Di, Sung Văn Pó và Sung Văn Dế. Vì thế, mỗi khi học trò muốn hỏi thầy giáo bằng tiếng mẹ đẻ, thì mọi người đều có thể hiểu được và giải thích lại cho chúng tôi. Dẫu biết rằng đang rất khó khăn, vất vả nhưng cũng không còn cách nào khác. Giáo viên luôn động viên, bảo ban nhau mỗi người cố gắng một chút, để có nguồn cảm hứng truyền đạt kiến thức cho học trò”, thầy Toàn giãi bày.
Theo chia sẻ của các thầy, học sinh ở đỉnh Mùa Xuân chăm chỉ đến lớp, nhưng cũng rất khó làm quen với cách phát âm chuẩn tiếng phổ thông. Đặc biệt, đối với khối lớp 1, lớp 2, các thầy gặp khó khăn trong cách dạy các em giao tiếp bằng tiếng phổ thông và đánh vần. Có nhiều lần lên khảo sát, nhà trường phải nhờ các thầy giáo người Mông phiên dịch xem học sinh muốn nói gì.
Thầy Hoàng Văn Sáu - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sơn Thủy cho biết, nhà trường mới có 1 giáo viên tiếng Anh, 1 giáo viên Tin học, mỗi tuần giáo viên lại thay nhau đến dạy tại điểm lẻ Mùa Xuân. Ngoài ra, nhà trường phải bố trí 1 thầy giáo Tin học hoặc thầy giáo dạy Thể chất cùng đi để chở cô giáo dạy tiếng Anh lên điểm trường Mùa Xuân. Các thầy tại điểm lẻ còn phải vận động phụ huynh ở bản Xía Nọi (cách đó gần 4 km) đưa con xuống bản Mùa Xuân để học hai môn học này.

Điểm trường Mùa Xuân - Trường Tiểu học Sơn Thủy.
“Trước những khó khăn như vậy, nhà trường thường xuyên động viên các thầy, cô giáo yên tâm công tác, cố gắng làm tốt nhiệm vụ. Bởi học sinh ở đây vốn rất thiệt thòi nên chúng tôi luôn nỗ lực để các em được học tập tốt nhất trong điều kiện có thể”, thầy Sáu chia sẻ và cho biết thêm, không riêng bậc tiểu học, ở điểm lẻ Mầm non Mùa Xuân điều kiện học tập cũng còn nhiều thách thức. Tại khu lẻ này, Trường Mầm non Sơn Thủy bố trí 4 cô và 1 thầy, trong đó cô Thao Thị Sua là người Mông ở bản Mùa Xuân đảm nhiệm vị trí trưởng điểm.
Điểm lẻ Mầm non Mùa Xuân có 92 trẻ, được tổ chức thành 4 lớp. Do chưa thể tổ chức ăn bán trú, nên hằng ngày trẻ được phụ huynh đưa đến lớp hai lần sáng, chiều. Mặc dù rất vất vả nhưng các thầy cô đều đồng tâm hợp lực, đoàn kết và luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ cũng như xác định việc chăm sóc trẻ thật tốt là mục tiêu cao nhất của họ.

Đường lên đỉnh Mùa Xuân đang được thi công.
Nhiều người đã thành nhà giáo
Ở Mùa Xuân, có người sinh ra, lớn lên ở bản, được ăn học, trở thành giáo viên rồi xây dựng gia đình và công tác ở nơi khác. Cũng có những người con của bản khi trở thành thầy, cô giáo thì quay trở lại quê hương để trao truyền kiến thức cho lớp lớp đàn em.
Khi lên Mùa Xuân, nghe Trưởng bản Sung Văn Cấu thống kê số lượng người của bản đã trở thành những nhà giáo, chúng tôi mới cảm phục ý chí vượt khó của con, em đồng bào nơi đây. “Tính đến thời điểm này, bản Mùa Xuân đã có 20 học sinh THPT, 38 học sinh THCS, 2 cháu học đại học. Bản mình cũng đã có 2 thầy và 4 cô giáo đang công tác trong ngành Giáo dục”, ông Cấu thông tin.
Ông Ngân Văn Hanh - Chủ tịch UBND xã Sơn Thủy cho biết, trong số 11 bản của xã, thì Mùa Xuân, Xía Nọi là nơi xa xôi, hẻo lánh và khó khăn nhất. Mặc dù vậy, những năm qua, hai bản người Mông được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước ưu tiên các chế độ, chính sách... nên bà con ở đây đã chú tâm đến việc học hành của con cái. Số lượng trẻ ra mẫu giáo ngày càng nhiều. Số học sinh các cấp học của bản Mùa Xuân thuộc diện đông nhất, nhì so với một số bản ở địa phương.
Cũng theo Chủ tịch UBND xã Sơn Thủy, dù điều kiện kinh tế ở Mùa Xuân còn nhiều khó khăn, hệ thống giao thông chưa thuận tiện, cuộc sống của người dân đang vất vả... nhưng không vì thế mà bà con không quan tâm đến việc học hành của con cái.
Trong khi đó, ông Lê Huy Hà - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Quan Sơn cho biết: “Xã Sơn Thủy là địa phương có nhiều bản người Mông sinh sống nhất của huyện Quan Sơn. Đời sống người dân còn nhiều khó khăn và vất vả.
Riêng 2 bản Mùa Xuân, Xía Nọi có địa hình phức tạp, cách xa trung tâm huyện, xã. Điều đáng mừng là việc học tập của các cháu trong bản đang ngày càng được người dân quan tâm. Đặc biệt, ở Mùa Xuân đã có nhiều người con của bản trở thành nhà giáo, đang cống hiến sức lực, trí tuệ cho ngành Giáo dục địa phương”.
Cô Ngân Thị Vui - Điểm lẻ Mầm non Mùa Xuân chia sẻ: “Điều may mắn và hạnh phúc đối với chúng tôi, đó là các con rất ngoan ngoãn, chăm chỉ đến lớp. Bà con dân bản rất quý mến các cô giáo. Không những thế, mặc dù ở bản xa xôi, heo hút nhưng các cô luôn nhận được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo từ xã đến huyện”.