Bát Tràng và Vạn Phúc là minh chứng cho sự kiên trì, bền bỉ của người Việt
Lễ đón nhận làng nghề gốm sứ Bát Tràng và dệt lụa Vạn Phúc trở thành thành viên của Mạng lưới các Thành phố thủ công sáng tạo thế giới đã được tổ chức tại Hoàng thành Thăng Long tối 14/2.
![Lễ đón nhận làng nghề gốm sứ Bát Tràng và dệt lụa Vạn Phúc trở thành thành viên của Mạng lưới các Thành phố thủ công sáng tạo thế giới. (Ảnh: PV/Vietnam+)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_293_51480053/5aaf26e514abfdf5a4ba.jpg)
Lễ đón nhận làng nghề gốm sứ Bát Tràng và dệt lụa Vạn Phúc trở thành thành viên của Mạng lưới các Thành phố thủ công sáng tạo thế giới. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Tối ngày 14/2, tại Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội), Lễ đón nhận làng nghề gốm sứ Bát Tràng và dệt lụa Vạn Phúc trở thành thành viên của Mạng lưới các Thành phố thủ công sáng tạo thế giới đã được tổ chức.
Sự kiện cũng bao gồm hoạt động trưng bày, trình diễn và tạo tác sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2025.
Minh chứng cho tinh thần kiên trì, bền bỉ của người Việt Nam
Tại buổi lễ, ông Saad al-Qaddumi, Chủ tịch Hội đồng Thủ công Thế giới, đánh giá Việt Nam, đặc biệt là các làng nghề truyền thống tại Hà Nội, từ lâu đã nổi tiếng với những sản phẩm thủ công tinh xảo, được gìn giữ và phát triển qua nhiều thế kỷ. Từ những sản phẩm gốm sứ tinh mỹ của Bát Tràng đến những tấm lụa mềm mại của Vạn Phúc, đây không chỉ đơn thuần là kế sinh nhai, mà còn là những biểu tượng sống động của văn hóa, sáng tạo và tinh thần kiên cường của người Việt Nam.”
Chủ tịch Hội đồng Thủ công Thế giới nhấn mạnh: “Mặc dù làng nghề Việt Nam đã trải qua vô vàn thử thách, thăng trầm của lịch sử và đứng trước nguy cơ mai một như nhiều cộng đồng thủ công khác trên thế giới, tuy nhiên, chúng ta đã chứng kiến một cuộc hồi sinh và phát triển mạnh mẽ, một minh chứng rõ nét cho tinh thần kiên trì, bền bỉ của con người Việt Nam.”
Theo ông Saad al-Qaddumi, trong hơn 40 năm qua, chính phủ Việt Nam đã luôn quan tâm và đầu tư để khôi phục và phát triển các ngành nghề truyền thống, bao gồm lụa Vạn Phúc và gốm sứ Bát Tràng. Những nỗ lực này không chỉ giúp hồi sinh các kỹ nghệ thủ công tinh xảo mà còn tạo ra nhiều cơ hội mới, đặc biệt là cho phụ nữ, giúp họ tham gia vào nền kinh tế và tiếp tục giữ gìn bản sắc văn hóa cho các thế hệ tương lai.
“Ngày hôm nay, Bát Tràng và Vạn Phúc chính là những biểu tượng của sự hồi sinh và phát triển mạnh mẽ. Câu chuyện của hai làng nghề này là minh chứng rõ ràng cho tinh thần bền bỉ của cộng đồng, cho thấy rằng dù phải đối mặt với bao khó khăn, họ vẫn có thể vươn lên và một lần nữa trở thành trung tâm của nền thủ công mỹ nghệ và niềm tự hào văn hóa. Khi tôn vinh hai làng nghề hôm nay, chúng ta cũng đồng thời ghi nhận sự quyết tâm và nỗ lực của người dân Việt Nam, những người không chỉ gìn giữ bản sắc văn hóa mà còn đưa các ngành nghề truyền thống lên một tầm cao mới trên bản đồ thế giới.” ông Saad al-Qaddumi khẳng định.
![Trao chứng nhận 2 làng nghề Gốm sứ Bát Tràng và Dệt lụa Vạn Phúc là thành viên Mạng lưới các thành phố Thủ công sáng tạo thế giới. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_293_51480053/5807254d1703fe5da712.jpg)
Trao chứng nhận 2 làng nghề Gốm sứ Bát Tràng và Dệt lụa Vạn Phúc là thành viên Mạng lưới các thành phố Thủ công sáng tạo thế giới. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)
Chủ tịch Hội đồng Thủ công Thế giới cũng bày tỏ niềm vui khi biết rằng Việt Nam đang tiếp tục đề xuất công nhận thêm các làng nghề truyền thống khác và tin tưởng rằng những đề cử này sẽ tiếp tục mang lại sự ghi nhận xứng đáng cho nền thủ công đặc sắc của Việt Nam.
Làng nghề Hà Nội khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội, cho biết Hà Nội hiện là nơi tập trung số lượng làng nghề và các nghệ nhân nhiều nhất cả nước với 1.350 làng nghề và làng có nghề, hội tụ 47/52 nghề truyền thống của cả nước. Mỗi làng nghề đều mang bản sắc riêng, với những sản phẩm độc đáo theo phong cách văn hóa địa phương; có sức cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và quốc tế; nổi bật như các sản phẩm gốm sứ, dệt, thêu, ren, đồ gỗ mỹ nghệ, chế biến nông sản...
![Các đại biểu thực hiện nghi thức khai mạc sự kiện trưng bày, trình diễn, tạo tác sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2025. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_293_51480053/8de50ea83ce6d5b88cf7.jpg)
Các đại biểu thực hiện nghi thức khai mạc sự kiện trưng bày, trình diễn, tạo tác sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2025. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)
"Trải qua biết bao thăng trầm, các làng nghề của Hà Nội vẫn giữ được nét đẹp riêng vốn có. Với bề dày lịch sử cùng câu chuyện ý nghĩa ẩn giấu trong từng sản phẩm, những làng nghề bền bỉ phát triển theo thời gian đã khắc sâu trong tâm hồn của mỗi người con Hà Nội. Từ những bàn tay khéo léo của các nghệ nhân, biết bao sản phẩm thủ công mỹ nghệ tinh xảo đã ra đời, vượt qua thời gian để tồn tại và phát triển cho đến ngày nay," ông Nguyễn Mạnh Quyền nói.
Các làng nghề ngày càng khẳng định được vị thế khi đã, đang góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu, phát triển kinh tế nông thôn, tạo tiền đề thực hiện thành công chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Thủ đô. Với sự giao thoa giữa truyền thống và hiện đại, các làng nghề tại Hà Nội đang dần khẳng định vị thế vững chắc trên thị trường quốc tế.
![Khách tham quan tìm hiểu về sản phầm của làng gốm Bát Tràng. (Ảnh: PV/Vietnam+)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_293_51480053/5291d3dce19208cc5183.jpg)
Khách tham quan tìm hiểu về sản phầm của làng gốm Bát Tràng. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Các sản phẩm làng nghề Hà Nội đã được xuất khẩu đến trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, như: Lào, Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, đặc biệt là các nước trong khối liên minh Châu Âu EU như Italia, Đức, Thụy Điển... với các sản phẩm như: may mặc, gốm sứ, dệt lụa, thêu ren, mây tre đan, sơn mài, khảm trai và đồ gỗ mỹ nghệ...
"Trong thời gian tới, chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục hợp tác với các tổ chức quốc tế, đặc biệt là Hội đồng Thủ công Thế giới để quảng bá rộng rãi hơn nữa những tinh hoa nghề thủ công của Hà Nội cũng như thực hiện hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy giá trị làng nghề của Thủ đô," Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội khẳng định./.
![Không gian trưng bày, trình diễn và tạo tác sản phẩm của làng lụa Vạn Phúc. (Ảnh: PV/Vietnam+)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_293_51480053/9a671c2a2e64c73a9e75.jpg)
Không gian trưng bày, trình diễn và tạo tác sản phẩm của làng lụa Vạn Phúc. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Hội đồng Thủ công Thế giới được thành lập từ năm 1964 với mục tiêu thúc đẩy việc bảo tồn, phát huy và phát triển nghề thủ công toàn cầu và các nghề thủ công truyền thống.
Hội đồng Thủ công Thế giới quản lý 5 Hội đồng thủ công thành viên, gồm Hội đồng Thủ công khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Hội đồng thủ công châu Âu, Hội đồng thủ công châu Phi, Hội đồng thủ công Bắc Mỹ và Hội đồng thủ công Nam Mỹ với hơn 100 quốc gia thành viên.
Tính đến nay, Hội đồng Thủ công Thế giới đã công nhận 68 làng nghề thủ công thế giới tại 28 quốc gia. Trong đó, làng nghề gốm Bát Tràng và lụa Vạn Phúc của Việt Nam là hai làng nghề mới nhất được công nhận.