Đưa thổ cẩm từ rừng xuống phố
Trải qua bao đời, đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi đã trồng cây lấy sợi, dệt vải nhuộm màu hoàn toàn thủ công để phục vụ cuộc sống và đến nay vẫn giữ được truyền thống đó. Khi ngắm nhìn những sắc màu và họa tiết thổ cẩm, điều thấy được không chỉ là sự khéo léo của nghệ nhân mà còn cả những tinh hoa trong lịch sử, văn hóa của một cộng đồng.
![Di sản hòa cùng nhịp sống đương đại trong bộ sưu tập "Dệt tương lai" của nhà thiết kế Đỗ Thu Cúc.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_14_51482685/edc47504464aaf14f65b.jpg)
Di sản hòa cùng nhịp sống đương đại trong bộ sưu tập "Dệt tương lai" của nhà thiết kế Đỗ Thu Cúc.
Theo cách hiểu phổ biến, thổ cẩm là loại vải dệt đẹp như gấm (cẩm) của các tộc người địa phương (thổ). Thổ cẩm đẹp, bền, độc đáo, song từng có một thời gian khá dài đứng trước nguy cơ mai một vì ít mang lại giá trị kinh tế, lép vế trước sản phẩm công nghiệp, lại khó đi xa khỏi những bản làng ẩn khuất trong mây trời, đá núi. Tuy nhiên, đáng mừng là hiện nay có rất nhiều nghệ sĩ, nhà thiết kế tài năng và tâm huyết đang nỗ lực đưa thổ cẩm vào thời trang và đời sống.
Mê say màu núi, màu rừng
Xuân sang, hoa đào, hoa mận nở thắm núi đồi, bản Sin Suối Hồ (xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) càng đẹp thơ mộng như trong cổ tích với hàng nghìn gốc địa lan trổ sắc vàng óng ả, bừng lên sức sống. Bản là điểm du lịch cộng đồng nổi tiếng của Lai Châu và vùng Tây Bắc nhờ cảnh quan đẹp, sạch và lưu giữ được nhiều nét văn hóa đặc sắc của người H’Mông, trong đó có nghệ thuật dệt vải lanh, vẽ sáp ong, nhuộm chàm rất công phu, rực rỡ.
Đó là sản phẩm kết tinh từ tri thức dân gian, bàn tay khéo léo và tâm hồn phong phú của người dân nơi đây, đặc biệt là những người phụ nữ. Hoa văn thổ cẩm H’Mông rất đa dạng, từ những khối hình học như vuông, tròn, tam giác cho đến họa tiết cách điệu hình hoa trái, chim muông.
Là một trong những du khách có duyên đến với Sin Suối Hồ, họa sĩ Trần Thị Bảo Châu (sinh năm 1978, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Mỹ thuật Tiếp Nối - thành phố Hải Phòng) lập tức bị hớp hồn bởi vẻ đẹp của miền sơn cước. Sau chuyến đi vào mùa xuân năm 2024, nữ họa sĩ của thành phố Cảng cùng các cộng sự cho ra đời thương hiệu thời trang Piece (Mảnh ghép) với tuyên ngôn "Trang phục được tạo nguồn mạnh mẽ từ văn hóa, chất liệu và nghề thủ công Việt".
Theo cách hiểu phổ biến, thổ cẩm là loại vải dệt đẹp như gấm (cẩm) của các tộc người địa phương (thổ). Thổ cẩm đẹp, bền, độc đáo, song từng có một thời gian khá dài đứng trước nguy cơ mai một vì ít mang lại giá trị kinh tế, lép vế trước sản phẩm công nghiệp, lại khó đi xa khỏi những bản làng ẩn khuất trong mây trời, đá núi. Tuy nhiên, đáng mừng là hiện nay có rất nhiều nghệ sĩ, nhà thiết kế tài năng và tâm huyết đang nỗ lực đưa thổ cẩm vào thời trang và đời sống.
Họa sĩ Bảo Châu cho biết, chị đã đi khắp đất nước để thăm thú, lấy cảm hứng sáng tác, và đặc biệt trong hành trình ấy chị luôn say mê tìm hiểu trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số qua kỹ thuật tạo hình, ý nghĩa hoa văn… Với nhiều năm nghiên cứu và thực hành nghệ thuật, họa sĩ Bảo Châu nhấn mạnh mỗi tấm vải được người phụ nữ H’Mông ở Sin Suối Hồ tạo nên đều như một tác phẩm độc bản, thể hiện cá tính và sự sáng tạo trong từng thời điểm khác nhau của chủ nhân.
Và quan trọng hơn với chị, khi tản bộ khắp các ngóc ngách bản làng bình yên, ngắm nhìn hình ảnh trao truyền công việc dệt, nhuộm, thêu, vẽ sáp ong từ người bà, người mẹ sang con, cháu, cảm xúc dạt dào không sao tả xiết. Gặp cô sơn nữ khéo tay hay làm của bản là Sùng Thị Mẩy, họa sĩ Bảo Châu càng thêm mê mẩn những nét vẽ, đường thêu và câu chuyện văn hóa H’Mông. Người con gái H’Mông nào cũng hát được bài dân ca: "Lớn lên em theo mẹ tập thêu/Theo chị nhuộm chàm, in hoa trên váy mới/Gái đẹp không biết làm lanh cũng xấu/Gái xinh chưa biết cầm kim là hư…".
Nhưng làm sao để ngày càng nhiều người biết đến thổ cẩm H’Mông và hơn nữa là đến tận bản Sin Suối Hồ để trải nghiệm, họa sĩ Bảo Châu cứ trăn trở với nỗi niềm ấy. Bằng chuyên môn và kinh nghiệm của mình, chị bắt tay vào thiết kế các mẫu trang phục hiện đại ứng dụng chất liệu H’Mông, đặt hàng nhân dân địa phương sản xuất vải, đưa về xuôi tiêu thụ ở các thành phố lớn. Dù ra mắt chưa lâu, một số mẫu quần, áo từ vải H’Mông Lai Châu của thương hiệu Piece đã được các họa sĩ, nghệ sĩ, giáo viên ở Hải Phòng, Hà Nội… mua hết và đặt thêm.
Họa sĩ Bảo Châu còn phối hợp các cô và trò Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Lai Châu tổ chức các sự kiện workshop vẽ sáp ong, nhuộm chàm; để vừa khuyến khích con em đồng bào trân quý nghề truyền thống và phát huy tính sáng tạo, vừa tạo thêm sản phẩm du lịch hấp dẫn. Từ những đôi tay bé nhỏ, cuộc sống tươi đẹp và muôn màu miền Tây Bắc hiện ra trên tấm vải, rồi trở thành thời trang lan tỏa đến muôn nơi.
Hiện nay, trong vô vàn lựa chọn thời trang nhanh-những trang phục giống nhau hàng loạt, ngày càng nhiều vị khách yêu cái đẹp và quan tâm đến di sản văn hóa tìm đến thời trang từ thổ cẩm dân tộc. Không yêu sao được khi những tấm áo, những chiếc khăn dệt tay đều mềm nhẹ, mát dịu với làn da, và nhất là còn biết "vẽ" nên phong cảnh núi non, biết "kể" chuyện đời sống và phong tục của đồng bào…
Mặc dù sản xuất thời trang thủ công từ nguyên liệu bản địa có rào cản lớn là thời gian kéo dài, chi phí cao, nhưng chất lượng và bản sắc thì không máy móc nào có thể thay thế. Theo họa sĩ Bảo Châu, thiết kế thời trang từ chất liệu truyền thống có hai mục đích, cũng là động lực với chị: một là làm sao cho chính bà con dân tộc mặc đồ truyền thống nhiều hơn, giữ nghề tổ tiên truyền lại; hai là quảng bá vẻ đẹp và những giá trị lâu đời ấy đến với các cộng đồng khác, sinh sống ở các đô thị lớn hay thậm chí ở nước ngoài.
![Một cửa hàng giới thiệu, bán sản phẩm thổ cẩm.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_14_51482685/35ac966ca5224c7c1533.jpg)
Một cửa hàng giới thiệu, bán sản phẩm thổ cẩm.
Sáng tạo đưa di sản vươn xa
Giữa Thủ đô Hà Nội, trong một cửa hàng nhỏ xinh ở quận Cầu Giấy, cầm trên tay chiếc đầm công sở từ vải bông dệt tay thơm mùi nắng gió, ngắm tranh thiếu nữ Thái bên khung cửi dệt vải mà ngỡ như đang dạo bước giữa những đồng lúa mơn mởn của tỉnh Hòa Bình, hay núi rừng trùng điệp miền tây xứ Nghệ…
Những ngày đầu xuân 2025, chị Đỗ Thu Cúc (sinh năm 1990) - cô chủ tiệm Cúc Handmade Design đang vô cùng bận rộn với kế hoạch đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử và đi thực tế các vùng nguyên liệu, kiểm tra thành phẩm. Song, khi có dịp chia sẻ về câu chuyện khởi nghiệp từ chất liệu truyền thống, dường như ở Thu Cúc vẫn vẹn nguyên niềm hứng khởi và đam mê như hơn chục năm về trước.
Năm 2014, Đỗ Thu Cúc với nghề hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp thường xuyên dẫn đoàn khách nước ngoài đi tour Mai Châu (Hòa Bình). Vẻ đẹp nguyên sơ của bản làng, của những khung dệt thủ công người Thái ở bản Lác (xã Chiềng Châu) đã khắc sâu vào lòng cô gái trẻ. Chị cũng nhận ra dù vải bông dệt thủ công của đồng bào Thái rất đẹp và tinh tế, khách quốc tế đánh giá cao, song lại ít được tiêu thụ trong nước.
Sau nhiều lần trở lại Mai Châu, Thu Cúc làm quen nghệ nhân dệt thổ cẩm Vì Thị Thuận và đồng hành cùng chị Thuận sáng lập, điều hành doanh nghiệp xã hội Hoa Ban + (Hoa Ban Plus), chuyên sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ, quà lưu niệm. Năm 2017, Cúc mở thương hiệu lấy tên mình tại Hà Nội, bắt đầu một hành trình mới với thời trang bền vững từ vải dệt tay truyền thống.
Từ làm du lịch mà bén duyên với thổ cẩm dân tộc, song Thu Cúc cũng có ý thức học hỏi, trau dồi và đã được đào tạo bài bản về thiết kế, vận hành bởi một dự án hỗ trợ cộng đồng do Nhật Bản tài trợ. Bấy giờ trên thị trường đã có những nhà thiết kế nổi danh, những thương hiệu chuyên sử dụng vải thổ cẩm, song có phần lộng lẫy và cầu kỳ, chỉ phù hợp với các sân khấu trình diễn hay sự kiện quan trọng. Cúc Handmade đi theo hướng biến vải dệt thành những sản phẩm tiện lợi, phù hợp với nhu cầu của số đông người tiêu dùng.
Chẳng hạn như tiết chế màu sắc, thay đổi thiết kế sao cho hiện đại, mặc đi làm, mặc ở nhà, sử dụng thường ngày nhiều nhất có thể. Những chiếc áo, váy năng động được may đo kỹ càng từ vải dệt tự nhiên an toàn, êm ái, màu sắc nhuộm từ lá cây bàng, củ nâu, củ nghệ, trà xanh…
![Họa sĩ Bảo Châu (thứ hai từ trái sang) trong một chuyến đi vùng cao sáng tác và giao lưu văn hóa.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_14_51482685/55b8f278c13628687127.jpg)
Họa sĩ Bảo Châu (thứ hai từ trái sang) trong một chuyến đi vùng cao sáng tác và giao lưu văn hóa.
Để giới thiệu sản phẩm, chị kiên trì mang đi các hội chợ hàng thủ công mọi quy mô lớn nhỏ, tham gia các cuộc thi khởi nghiệp, thi thiết kế; đồng thời cũng liên tục lên rừng, về bản để hướng dẫn và động viên các nhóm dệt người dân tộc nâng cao tay nghề và năng suất lao động. Nhờ sự nhạy bén và tận tâm ấy nên dù gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19 và những biến động của thị trường, Cúc Handmade Design vẫn đứng vững và còn mở rộng thêm vùng nguyên liệu từ các hợp tác xã dệt của người H’Mông ở Sơn La, Lào Cai đến của người Thái ở Nghệ An.
Suốt hành trình những năm qua, để nói rằng động lực của Thu Cúc là tình yêu di sản thì thật khó hình dung, nhưng chị có hàng nghìn khách hàng trong lẫn ngoài nước ủng hộ từ những ngày đầu tiên, có các mế (mẹ) ở bản Thái yêu thương và trông mong như người thân trong gia đình…
Những người góp phần đưa thổ cẩm từ miền núi đến với đồng bằng, hòa vào đời sống thành thị như họa sĩ Bảo Châu hay nhà thiết kế Thu Cúc có thể khác nhau về hoàn cảnh, nghề nghiệp, về lý do bắt đầu. Song họ chia sẻ điểm chung rất thú vị là… không sợ cạnh tranh, thậm chí còn mong muốn sao cho vải dệt thổ cẩm truyền thống phổ biến hơn, có thêm nhiều người biết đến và yêu quý cách thức sản xuất thời trang này.
Bởi như vậy cũng có nghĩa là sẽ ngày càng nhiều cá nhân và tổ chức khai thác chất liệu này để sáng tạo các sản phẩm mới, góp phần khôi phục và phát triển nghề thủ công của các dân tộc anh em mà không chỉ dựa vào mỗi du lịch. Dù mới là những "mảnh ghép" nhỏ bé, nhưng thời trang từ dệt thổ cẩm nổi bật lên với tính sáng tạo và niềm tự hào, tô điểm vào bức tranh văn hóa Việt Nam.