Ý nghĩa nhân văn trong lễ hội xuống đồng của người Giáy

'Roóng Poọc' hay còn gọi là 'xuống đồng', là nghi lễ nông nghiệp quan trọng đầu năm của đồng bào Giáy. Với mong muốn cầu cho một vụ mùa mới, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, nghi lễ không chỉ mang ý nghĩa giáo dục cho các thế hệ trẻ về truyền thống yêu lao động, mà còn là hoạt động mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, gìn giữ văn hóa dân tộc và khơi dậy tinh thần đoàn kết trong cộng đồng.

Đồng bào dân tộc Giáy ở thôn Tòng Xành, xã Cốc San, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai dâng cúng lễ vật với mong ước có một năm mới nhiều sức khỏe và mùa màng bội thu. Ảnh: Thúy Hạnh

Đồng bào dân tộc Giáy ở thôn Tòng Xành, xã Cốc San, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai dâng cúng lễ vật với mong ước có một năm mới nhiều sức khỏe và mùa màng bội thu. Ảnh: Thúy Hạnh

Có những giá trị không bao giờ bị phai nhạt theo dấu ấn của thời gian. Những nghi lễ mang hơi thở truyền thống xưa, nay giao hòa với cuộc sống hiện đại, trong đó có lễ hội Roóng Poọc của cộng đồng dân tộc Giáy, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2013.

Người Giáy làm ruộng nước là chính. Trong những ngày đầu Xuân, đồng bào dân tộc Giáy tưng bừng mở hội xuống đồng. Theo thông lệ, hằng năm, cứ đến ngày Thìn đầu tiên của tháng Giêng, mở đầu cho một chu kỳ sản xuất, lễ hội xuống đồng của đồng bào Giáy được thực hiện bởi những nghi lễ linh thiêng nhất. Người Giáy quan niệm, làm lễ vào ngày Thìn sẽ được Rồng phun mưa, không bị hạn hán, cây sẽ tốt tươi nên nghi lễ thường được thực hiện ngoài ruộng.

Nếu ngày Thìn đầu năm mà trùng với ngày Tết, thì lễ hội xuống đồng sẽ được lùi lại, làm vào ngày Thìn tiếp theo. Từ nghi thức tới những đồ vật tế lễ đều mang đậm nét tập quán sản xuất nông nghiệp của đồng bào dân tộc Giáy và được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Công tác chuẩn bị cho lễ hội và mâm cúng các vị thần linh cũng được đồng bào dân tộc Giáy chuẩn bị rất chu đáo. Bên cạnh các nghi thức làm quả còn, trồng cây nêu, các gia đình cùng nhau đóng góp để làm một mâm cúng dâng lên các vị thần linh. Với những người được chuẩn bị mâm lễ cúng, họ rất vui và tự hào về bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

Trong mâm cỗ dâng cúng của người Giáy, không thể thiếu thịt gà, thịt lợn, cá rán, xôi màu, bỏng gạo và những quả trứng nhuộm màu, tất cả lễ vật đó đều tượng trưng cho những điều may mắn. Bắt đầu buổi lễ, người dân cùng thắp hương bày tỏ lòng thành kính và biết ơn thần linh, tổ tiên đã giúp đỡ, tạo ra những sản vật nông nghiệp để cuộc sống của họ thuận hòa, no đủ. Tất cả những lễ vật dâng cúng đều được làm từ cây trồng, vật nuôi mà người dân tự sản xuất qua đôi bàn tay khéo léo. Đặc biệt, trong mâm lễ cúng của người Giáy luôn có hai cây măng để hai bên.

Nói về mâm cúng có hai cây măng, ông Lý A Sìn, trưởng thôn làng Kim, xã Quang Kim, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai giải thích: “Ý nghĩa của hai cây măng là tượng trưng cho sự sống luôn được tiếp nối “tre già măng mọc”, cầu mong cho mọi người được sống khỏe và bền bỉ như cây măng”.

Tham gia lễ hội với tâm thế phấn chấn, chị Sần Thị Món, ở thôn Làng Pẳn, xã Quang Kim nói: Tôi rất vui mừng khi được tham gia lễ hội xuống đồng. Ngay từ 3 giờ sáng, chúng tôi đã chuẩn bị mâm cúng. Để gìn giữ nét đẹp văn hóa của dân tộc mình, tất cả mọi người đều ủng hộ, đóng góp vào lễ hội xuống đồng. Tôi mong muốn chính quyền các cấp quan tâm nhiều hơn nữa để lễ hội không bị mai một và ngày càng được phát huy.

Những năm gần đây, đời sống của bà con dân tộc Giáy càng khấm khá nên mâm lễ cúng trong lễ hội xuống đồng cũng có sự thay đổi. Những sản vật dâng cúng được lựa chọn kỹ lưỡng hơn, cầu kỳ hơn. Ông Dương Xuân Hữu, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Quang Kim cho biết: “Mỗi năm, bà con người Giáy lại có một sáng tạo mới. Trong xu thế hiện đại, nhưng vẫn giữ bản sắc văn hóa dân tộc Giáy, nhất là vấn đề an toàn thực phẩm được đặt lên hàng đầu. Trong lễ hội xuống đồng, ngoài việc cầu cho mưa thuận gió hòa, bà con còn cầu thần linh và tổ tiên giúp cho có sức khỏe dồi dào và thực hiện tốt việc phát triển kinh tế-xã hội”.

Mâm lễ cúng không chỉ thể hiện lòng biết ơn đối với các vị thần linh đã giúp cho một mùa màng tốt tươi, quê hương bình an, bản làng thịnh vượng, mà còn giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa, nêu cao tinh thần đoàn kết trong cộng đồng. Cùng với mâm lễ cúng, còn có nhiều hoạt động khác, trong đó, không thể thiếu nghi thức quan trọng là trâu cày. Nghi thức này của đồng bào Giáy với quan niệm, trâu cày khai Xuân sẽ thu được nhiều lương thực, thực phẩm. Việc chú trọng tổ chức lễ hội xuống đồng đầu Xuân đã góp phần phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc và khích lệ tinh thần hăng say lao động của người dân.

Sau phần nghi lễ trang nghiêm, bà con dân tộc Giáy phấn khởi tiếp tục phần hội đầy náo nhiệt, sôi động. Mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Giáy là những điệu nhảy, điệu múa uyển chuyển, nhịp nhàng theo tiếng khèn pí lè. Đồng thời, ngày hội cũng có nhiều trò chơi dân gian và các môn thể thao truyền thống hấp dẫn, như trò leo cầu khỉ, bịt mắt bắt vịt, kéo co, đẩy gậy... Những trò chơi dân dã đó đã làm sống dậy cả bầu trời tuổi thơ của biết bao nhiêu người và dường như làm tan biến sự mệt mỏi sau những ngày làm việc vất vả của năm cũ.

Lễ hội xuống đồng của người Giáy mở đầu cho một chu kỳ sản xuất, một mùa vụ mới. Đây còn là dịp cúng thần cai quản địa bàn (thổ địa) để cầu cho ngô, lúa tốt tươi, chăn nuôi phát triển, xóm làng bình yên, mọi người khỏe mạnh...

Thúy Hạnh

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/y-nghia-nhan-van-trong-le-hoi-xuong-dong-cua-nguoi-giay-post486669.html
Zalo