3 tập thơ mới xuất bản của 3 hội viên Hội Nhà văn Việt Nam ở Đồng Nai

Rất thú vị trong những ngày giáp Tết Ất Tỵ và trước thềm Ngày Thơ Việt Nam - Tết Nguyên tiêu năm nay, 3 hội viên Hội Nhà văn Việt Nam đang sinh sống ở Đồng Nai trình làng 3 tập thơ xuất bản vào cuối năm 2024. Đó là Đỗ Minh Dương với tuyển thơ có tựa Trên dòng đời, Đàm Chu Văn với Luân hồi lá và Lê Đăng Kháng với Mừng tuổi dòng sông. Cả 3 tập đều do Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam xuất bản.

Là một tuyển thơ, Trên dòng đời của Đỗ Minh Dương đầy đặn với tầm nửa thế kỷ hành trình thơ của ông với 198 bài thơ. Tác giả cho biết trong tập này có những bài mới viết. Đọc nhiều thơ của ông, câu này chưa thấy ở đâu: Vẩn vơ khôn rượu, dại tình/Uống say hình bóng, đập bình… tìm em.

Giao tiếp với tác giả đã lâu - rất lâu, chưa thấy ông “say” rượu bao giờ (và ông ít uống rượu) nhưng say tình là chuyện có thật. Nói đến thơ là nói đến cái tình vậy.

Trong cả 3 tập thơ, Đồng Nai nảy sinh cảm xúc, cảm xúc từ Đồng Nai, nửa thế kỷ ngụ cư, bao nhiêu chưa hết, nhưng trước hết là tấm lòng; không có tấm lòng, không có thơ.

Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam Lê Đăng Kháng vào hội khi xét tác phẩm văn xuôi, không phải thơ. Nhưng bạn đọc ở Đồng Nai thi thoảng gặp thơ ông, như các trang thơ Báo Đồng Nai cuối tuần chẳng hạn. Lần này, ông ra mắt Mừng tuổi dòng sông như lời tạ ơn nơi ông ngụ cư với dòng sông Đồng Nai - Phước Long giang người nước mình ai lại không nghe tên.

Đôn hậu, nặng ân tình, nhận ra cảm xúc chân thành của ông trong bài Trong mơ với lời đề tặng “anh linh nhà văn H.V.B”, tức Hoàng Văn Bổn: Bến Bình Long một sớm/Mẹ sống như trong mơ/Thằng Chín con của mẹ/Hai mươi năm tìm về (…) Hãy chảy đi sông ơi/Can chi mà cách trở/ Tôi nợ đời nợ sông/Nên hồn tôi sóng vỗ”.

Đàm Chu Văn là nhà thơ đích thực. Ông mang ơn đời, nợ đời, yêu đời qua thơ, bằng thơ. Đọc ông 8 tập thơ, màu áo lính vượt Trường Sơn và biên giới Tây Nam, chiến trường K… khi thì thường trực, khi ẩn hiện, có lẽ máu thịt suốt đời thơ ông. Tập Luân hồi lá chỉ qua tựa thấy “triết lý” một chút, nhất là trong tập, theo tôi biết, tỷ lệ số bài thơ “văn xuôi” cao nhất trong số các tập đã in, như thơ/văn xuôi Chế Lan Viên gọi là “thơ trí tuệ” nhưng đó là hình thức, cảm xúc thơ bao giờ cũng bắt đầu bằng cái tình tha thiết. Ông vào lính trước năm 1975, vượt Trường Sơn khi có giấy báo trúng tuyển đại học, về Chiến khu Đ, cảm xúc quá khứ - hiện tại:

Giã trường, nhập bước quân hành

Trường Sơn gánh cả giấc lành xa sau…

Nẻo mờ. Vết đạn còn đau

Ru trang cổ tích góp màu đất đai

(Bên gốc dầu cổ thụ trong di tích Chiến khu Đ)

Còn bài thơ Già làng Năm Nổi ăm ắp cái tình:

Theo mùi thơm củ chụp, củ mài, lửa rừng ấm, ngập ngừng khói ấm/mắt đen kia rụt rè hồn hậu trói hồn ta.

Phi Châu

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202502/3-tap-tho-moi-xuat-bancua-3-hoi-vien-hoi-nha-van-viet-nam-o-dong-nai-6e35662/
Zalo