Báo chí và truyền thông nội bộ doanh nghiệp: Đồng hành hay đối đầu?
Khi công nghệ phát triển, mỗi doanh nghiệp đều có thể xây dựng kênh truyền thông riêng. Họ tự kể câu chuyện của mình, chủ động tiếp cận khách hàng, không cần qua trung gian. Điều này đặt ra câu hỏi: Liệu báo chí có còn giữ vai trò quan trọng trong việc định hình thương hiệu? Hay doanh nghiệp đã dần thay thế báo chí bằng hệ thống truyền thông tự vận hành?
![Ảnh minh họa internet](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_11_585_51445407/2557c46cf022197c4033.jpg)
Ảnh minh họa internet
Doanh nghiệp và cuộc chơi truyền thông mới
Không còn phụ thuộc vào báo chí, nhiều doanh nghiệp đã tự làm truyền thông. Họ có website, kênh YouTube, fanpage, TikTok, thậm chí sở hữu đội ngũ sản xuất nội dung chuyên nghiệp như một tòa soạn thực thụ. Nhờ đó, doanh nghiệp kiểm soát được thông tin, phản hồi, lan tỏa nhanh chóng, giảm bớt chi phí trung gian.
Trước đây, khi ra mắt sản phẩm hoặc triển khai chiến lược kinh doanh mới, doanh nghiệp cần đến báo chí để lan tỏa thông tin. Nhưng giờ đây, họ có thể tiếp cận trực tiếp khách hàng qua các nền tảng số. Những chiến dịch tiếp thị bằng nội dung giúp họ không chỉ quảng bá sản phẩm mà còn tạo dựng hình ảnh theo ý muốn.
Từ góc nhìn doanh nghiệp, đây là một bước tiến lớn. Với báo chí, điều này đặt ra thách thức: Nếu doanh nghiệp có thể tự truyền thông, liệu vai trò của nhà báo có bị thu hẹp?
Báo chí vẫn là thước đo uy tín
Tại Diễn đàn “Báo chí và doanh nghiệp đồng hành vì Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc” lần thứ hai năm 2024, với chủ đề "Nâng cao chất lượng thông tin về kinh tế và doanh nghiệp trên báo chí", Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm (nay là Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam) khẳng định: "Kể cả trước đây, hiện tại hay sau này, báo chí vẫn là lực lượng thông tin chủ lực trong dòng thông tin chính định hướng xã hội, tham gia phản biện xã hội, là lượng thông tin cung cấp chính thức, thậm chí tham gia vào quá trình ra quyết định của các cá nhân và tổ chức".
Doanh nghiệp có thể tự kể câu chuyện của mình, nhưng không phải lúc nào công chúng cũng tin vào những gì họ nói. Đó là lý do báo chí vẫn là sự khác biệt rõ ràng.
Khác với các bài viết mang tính tiếp thị, báo chí đưa ra góc nhìn độc lập, được kiểm chứng và đối chiếu từ nhiều nguồn. Một bài phân tích về tài chính của doanh nghiệp, một phóng sự điều tra về hoạt động kinh doanh, hay những đánh giá từ giới chuyên môn - tất cả đều là những thứ mà truyền thông nội bộ của doanh nghiệp không thể tự làm.
Không chỉ đưa tin, báo chí còn có khả năng định hướng dư luận. Khi doanh nghiệp gặp khủng hoảng, dù họ có tìm cách xử lý trên các kênh riêng, nhưng chỉ khi báo chí vào cuộc, vấn đề mới được nhìn nhận từ nhiều góc độ. Chính điều đó tạo nên sức nặng cho thông tin.
Cộng hưởng thay vì loại trừ
Truyền thông doanh nghiệp không làm báo chí mất đi giá trị, mà khiến báo chí thay đổi để thích nghi.
Thay vì chỉ đơn thuần đưa tin về doanh nghiệp, báo chí có thể đi sâu vào phân tích, phản biện và làm rõ những khía cạnh mà doanh nghiệp chưa nói đến. Khi doanh nghiệp ngày càng chuyên nghiệp trong cách tiếp cận khách hàng, báo chí cũng đã và đang nâng cao chất lượng, không chỉ dừng lại ở việc lan truyền thông tin mà còn khai thác những câu chuyện có chiều sâu.
Ngược lại, doanh nghiệp vẫn cần báo chí để củng cố uy tín. Một thương hiệu muốn xây dựng niềm tin lâu dài không thể chỉ dựa vào những bài viết tự biên tự diễn. Những bài phân tích chuyên sâu, những cuộc phỏng vấn khách quan trên các trang báo, tạp chí vẫn có sức ảnh hưởng mạnh mẽ hơn so với nội dung do doanh nghiệp tự sản xuất.
Báo chí không hề biến mất, mà là đổi mới
Việc doanh nghiệp tự làm truyền thông là xu thế tất yếu. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc báo chí bị gạt ra ngoài cuộc chơi. Vai trò của báo chí không mất đi, mà chỉ chuyển hướng.
Báo chí không hề cạnh tranh với doanh nghiệp về tốc độ đưa tin hay mức độ lan truyền trên mạng xã hội. Nhưng báo chí làm điều mà doanh nghiệp không thể: đảm bảo tính khách quan, kiểm chứng thông tin và đặt vấn đề dưới nhiều góc nhìn khác nhau.
Khi ai cũng có thể tạo nội dung, điều quan trọng nhất không phải là phương tiện truyền tải, mà là giá trị của thông tin. Báo chí sẽ luôn giữ vững bản sắc của mình, và không bao giờ bị thay thế.