Người 'hồi sinh' những cánh đồng bỏ hoang, đưa thương hiệu gạo Thái Bình vươn xa

Năm 2010, chứng kiến những cánh đồng bỏ hoang ngày càng nhiều, anh Luân quyết định khởi nghiệp từ nông nghiệp với việc ban đầu là thu mua thóc gạo của nhân dân trong vùng.

Anh Nguyễn Văn Luân kiểm tra chất lượng sản phẩm. (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN)

Anh Nguyễn Văn Luân kiểm tra chất lượng sản phẩm. (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN)

Thay vì tìm những công việc bớt “chân lấm, tay bùn”, anh Nguyễn Văn Luân (sinh năm 1988, xã Trang Bảo Xá, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình) lại lựa chọn khởi nghiệp từ nông nghiệp vốn nhiều khó khăn.

Với khát vọng vươn lên, làm giàu từ những cánh đồng lúa quê hương, anh Luân đã bước đầu thành công trên hành trình đưa thương hiệu gạo Thái Bình vươn xa.

Năm 2024, anh là một trong hai đại diện tiêu biểu của tỉnh nhận giải thưởng toàn quốc tôn vinh nhà nông trẻ xuất sắc - Giải thưởng Lương Định Của lần thứ XIX.

Cơ duyên đến với cây lúa

Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, anh Luân quyết định “ly nông, ly hương” làm công nhân cho một công ty đóng tàu tại Quảng Ninh. Tuy nhiên, cuộc sống xa nhà và công việc không ổn định, bấp bênh khiến anh muốn trở về quê lập nghiệp.

Năm 2010, chứng kiến những cánh đồng bỏ hoang ngày càng nhiều, anh Luân quyết định khởi nghiệp từ nông nghiệp với việc ban đầu là thu mua thóc gạo của nhân dân trong vùng.

Anh Luân chia sẻ, nông nghiệp là nghề gắn bó với gia đình anh và nhiều người dân “quê lúa.” Cách đây 15 năm, nông nghiệp nhìn chung vẫn chỉ dừng lại là sản xuất manh mún, “mạnh ai người nấy làm,” thiếu bền vững và hiệu quả kinh tế không cao.

Tư duy này không còn phù hợp trong cuộc cách mạng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đây chính là cơ duyên để anh tìm về với nông nghiệp, với cây lúa quê hương.

Cùng với ý tưởng tận dụng sản xuất từ những cánh đồng bỏ hoang, anh Luân dự định đưa máy móc vào cơ giới hóa các khâu trong sản xuất, giải phóng sức lao động và nâng cao giá trị canh tác.

Năm 2015, anh đầu tư gần 200 triệu đồng mua giàn sấy thóc, giải quyết khó khăn nhất của nông dân địa phương về mặt bằng phơi thóc và tạo chất lượng đồng đều cho nông sản sau mỗi mùa vụ.

Tuy vậy, khởi nghiệp từ nông nghiệp chưa bao giờ là hành trình dễ dàng với thanh niên trẻ Nguyễn Văn Luân ở thời điểm đó. Khó khăn về vốn, kiến thức, kinh nghiệm là những bước cản lớn và không tránh khỏi những thất bại khi ruộng hoang khó cải tạo, năng suất thấp.

Điển hình như năm 2018, tại vùng sản xuất của anh Luân thực hiện ở tỉnh Quảng Trị, do chưa có kinh nghiệm về điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu nên anh đưa các giống dài ngày truyền thống của miền Bắc vào canh tác. Điều này dẫn đến thời gian thu hoạch bị chậm so với các giống bản địa của địa phương khoảng 5 ngày.

Thời gian thu hoạch lại gặp đúng đợt mưa, trong khi hệ thống sấy thóc cho vùng nguyên liệu chưa có. Khi vận chuyển 100 tấn thóc từ Quảng Trị ra Thái Bình, thóc đã bị hỏng, không đủ tiêu chuẩn, chất lượng phục vụ thị trường, gây thiệt hại 200 triệu đồng.

Từ những thất bại, bằng ý chí và nghị lực vượt khó, anh Luân đã từng bước tích lũy thêm kinh nghiệm trên hành trình khởi nghiệp.

Năm 2018, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư và Thương mại Duy Nguyên ra đời với số vốn ban đầu 15 tỷ đồng đánh dấu thành công bước đầu của quá trình khởi nghiệp đầy thử thách; đồng thời mở ra “cánh cửa” tư duy mới xây dựng công ty với định hướng phát triển chuỗi sản xuất lúa gạo khép kín.

Lan tỏa tinh thần khởi nghiệp của thanh niên

Là một trong những doanh nghiệp đầu tư sản xuất lĩnh vực nông nghiệp lớn của huyện Quỳnh Phụ, công ty do anh Luân làm chủ đã đầu tư nhiều lò sấy thóc với tổng công suất 200 tấn/ngày; thực hiện thu mua, sản xuất, kinh doanh với sản lượng trên 10.000 tấn thóc/năm.

 Anh Nguyễn Văn Luân nhận Giải thưởng toàn quốc tôn vinh nhà nông trẻ xuất sắc - Giải thưởng Lương Định Của lần thứ XIX năm 2024. (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN)

Anh Nguyễn Văn Luân nhận Giải thưởng toàn quốc tôn vinh nhà nông trẻ xuất sắc - Giải thưởng Lương Định Của lần thứ XIX năm 2024. (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN)

Đồng thời, Công ty đã xây dựng các vùng nguyên liệu cho chuỗi quy trình sản xuất có tổng diện tích liên kết lên đến 1.500 ha; tập trung tại các tỉnh Thái Bình, Bình Định, Quảng Nam, Nghệ An, Thanh Hóa với các giống lúa chính như TBR225, BC, lúa Nhật chất lượng cao.

Mỗi năm, doanh thu của Công ty đạt khoảng 50 tỷ đồng. Mô hình của anh Luân đã thu hút hơn 300 người tham gia chuỗi tạo sự phát triển bền vững cho sản phẩm lúa gạo địa phương.

Anh Nguyễn Văn Trường (huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương) cho biết, anh đã liên kết sản xuất với công ty của anh Nguyễn Văn Luân gần 10 năm nay. Với giá cả ổn định, gạo đạt chất lượng nên mỗi năm, anh duy trì thu mua 60-70 tấn, phục vụ nhu cầu của các thương lái bán buôn, bán lẻ của tỉnh Hải Dương.

Cùng với mở rộng liên kết, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư và Thương mại Duy Nguyên do anh Nguyễn Văn Luân làm chủ cũng là một trong những doanh nghiệp tiên phong của địa phương trong xây dựng thương hiệu gạo đạt OCOP 3 sao.

Anh Luân chia sẻ, định hướng của Công ty là tập trung phát triển bền vững nông nghiệp, hướng tới nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Đặc biệt là tập trung xây dựng, mở rộng các vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất theo hướng liên kết, tích tụ ruộng đất, tạo liên kết bền vững với nông dân.

Theo Bí thư Tỉnh đoàn Thái Bình Thiệu Minh Quỳnh, mô hình của thanh niên Nguyễn Văn Luân là một trong những mô hình thanh niên khởi nghiệp tiêu biểu của tỉnh Thái Bình, nhất là khởi nghiệp từ nông nghiệp được Trung ương Đoàn và địa phương ghi nhận, đánh giá cao.

Với những nỗ lực không ngừng, năm 2023 dự án “Mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo theo chuỗi sản xuất bền vững tại miền Bắc và miền Trung Việt Nam” của anh Luân đã đoạt giải Nhì dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn do Trung ương Đoàn tổ chức; tiếp đó năm 2024 đoạt giải thưởng Lương Định Của tôn vinh nhà nông trẻ xuất sắc.

Thời gian tới, Tỉnh đoàn Thái Bình tiếp tục tuyên truyền, huy động các nguồn lực tham gia hỗ trợ mô hình; từ đó giúp mô hình phát triển, đạt hiệu quả kinh tế cao, đồng thời lan tỏa nghị lực, tinh thần khởi nghiệp tới đoàn viên, thanh niên trong toàn tỉnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/nguoi-hoi-sinh-nhung-canh-dong-bo-hoang-dua-thuong-hieu-gao-thai-binh-vuon-xa-post1012325.vnp
Zalo