Bắc Giang: Bệnh nhi mắc bệnh tay - chân - miệng tăng, ngành Y tế tăng cường giải pháp phòng ngừa

Gần đây, số bệnh nhân bị mắc bệnh tay - chân - miệng đến các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Bắc Giang điều trị có xu hướng tăng, tập trung nhiều ở nhóm đi nhà trẻ, mẫu giáo. Trước tình trạng này, Sở Y tế tỉnh yêu cầu các cơ sở y tế tập trung thực hiện giải pháp phòng ngừa.

Số ca mắc tăng cao

Theo Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, tại các địa phương trong cả nước ghi nhận gần 15 nghìn trường hợp mắc bệnh tay - chân - miệng và có xu hướng tăng trong hai tháng gần đây. Tại tỉnh Bắc Giang, ba tuần gần đây ghi nhận thêm 52 trường hợp dương tính với bệnh tay - chân - miệng, nâng tổng số ca mắc từ đầu năm đến nay lên 84 trường hợp. Số ca mắc chủ yếu gặp ở trẻ dưới 10 tuổi, trong đó nhóm trẻ đi nhà trẻ, mẫu giáo chiếm hơn 98%.

 Bác sĩ Khoa Nhi (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) thăm khám cho bệnh nhi mắc bệnh tay - chân - miệng.

Bác sĩ Khoa Nhi (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) thăm khám cho bệnh nhi mắc bệnh tay - chân - miệng.

Ghi nhận tại Khoa Nhi tổng hợp (Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Giang), từ đầu tháng 4 đến nay, khoa tiếp nhận, khám và theo dõi 30 bệnh nhi nghi mắc bệnh tay - chân - miệng, tăng 28 ca so với 3 tháng đầu năm; bệnh nhi nhập viện chủ yếu dưới 5 tháng tuổi.

Tại Khoa Nhi (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), một tháng gần đây, số bệnh nhi nhập viện điều trị bệnh tay - chân - miệng cũng tăng, Khoa thường xuyên có 10-15 bệnh nhi. Tại thời điểm trưa 12/5, Khoa đang điều trị cho 19 bệnh nhi bị tay - chân - miệng, cao nhất trong năm nay.

Sáng 11/5, cháu Nguyễn Minh Đ (13 tháng tuổi), trú tại xã Hợp Thịnh (Hiệp Hòa) có biểu hiện sốt, bỏ ăn song nghĩ con mọc răng nên bố mẹ của cháu không cho đi khám. Đến 23 giờ cùng ngày, thấy cháu sốt cao, co giật, chân tay tím tái và xuất hiện nốt phỏng, gia đình đưa đến Trung tâm Y tế huyện Hiệp Hòa khám rồi được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa điều trị.

Tương tự, trước khi được gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh khám, cháu Nguyễn Đăng K (27 tháng tuổi), trú tại phường Nếnh (thị xã Việt Yên) cũng có biểu hiện sốt, co giật. Qua xét nghiệm, các bác sĩ xác định cháu bị viêm phế quản và tay - chân - miệng. Bác sĩ Nguyễn Thị Liên, Khoa Nhi (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) cho biết: “Hầu hết bệnh nhi nhập viện điều trị bệnh tay - chân - miệng đều có chỉ số bạch cầu, mức độ viêm chung trong cơ thể tăng. Điều này cho thấy nguy cơ biến chứng cao nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời”.

Thực hiện "3 sạch" để bảo vệ trẻ

Theo các bác sĩ, bệnh tay - chân - miệng xuất hiện quanh năm, lây truyền qua đường tiêu hóa, thường ghi nhận số ca mắc gia tăng từ tháng 3 đến tháng 5 và tháng 9, 10 hằng năm. Bệnh do 2 loại virus đường ruột là Coxsackie A16 và Enterovirus 71 (hay gọi là EV71) gây ra.

 Nốt phỏng ở lòng bàn tay, lòng bàn chân và niêm mạc miệng là dấu hiện nhận biết bệnh tay - chân - miệng.

Nốt phỏng ở lòng bàn tay, lòng bàn chân và niêm mạc miệng là dấu hiện nhận biết bệnh tay - chân - miệng.

Biểu hiện phỏng nước do vius Coxackie to và dày hơn virus EV71, vết loét thường to và sâu hơn. Tuy nhiên, bệnh do virus EV71 gây nên có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương và gây biến chứng nặng như: Viêm cơ tim, phù phổi cấp, viêm màng não, nặng có thể dẫn đến tử vong. Đường lây bệnh chủ yếu là do tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết ở mũi, miệng, họng và bọng nước hoặc phân của người bị bệnh. Ngoài ra còn do tiếp xúc gián tiếp với quần áo, đồ chơi, bát đũa... của trẻ mang bệnh.

Mặc dù bệnh dễ lây song lại dễ phát hiện bởi các dấu hiệu đặc trưng như: Chảy nước dãi, bỏ ăn, sốt, ngủ giật mình, đi loạng choạng, tổn thương niêm mạc miệng và da, chủ yếu ở dạng phỏng nước và thường thấy ở lòng bàn tay, bàn chân, miệng, mông... Một số trẻ có thể bị nôn, tiêu chảy, mệt mỏi, quấy khóc.

Để phòng, chống bệnh tay chân miệng, ngày 9/5, Sở Y tế có công văn chỉ đạo, yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, các cơ sở y tế trong và ngoài công lập tăng cường công tác truyền thông về phòng bệnh cũng như thực hiện tốt vệ sinh môi trường, bảo đảm ăn uống hợp vệ sinh.

Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tổ chức tốt việc phân tuyến điều trị, phân luồng khám bệnh, thu dung, cấp cứu, điều trị; bảo đảm đầy đủ nhân lực, vật tư, hóa chất, sinh phẩm phục vụ công tác khám, chữa bệnh; tăng cường các hoạt động giám sát, phát hiện sớm ổ dịch, tránh lây lan trên diện rộng.

Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố tăng cường giám sát, phát hiện, xử lý sớm ổ dịch, tránh để lây lan trên diện rộng. Chủ động tham mưu với chính quyền địa phương chỉ đạo các cơ sở giáo dục trang bị nước rửa tay, xà phòng tại các vị trí thuận lợi; vệ sinh lớp học, làm sạch bàn ghế và đồ chơi; phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh để tổ chức khám, điều trị và xử lý ổ dịch…

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến bệnh tay - chân - miệng trên toàn tỉnh; tăng cường kiểm tra, giám sát, hỗ trợ chuyên môn, chỉ đạo triển khai công tác phòng chống bệnh, đặc biệt là các địa phương có ổ dịch.

Theo bác sĩ chuyên khoa II Lê Tiến Cương, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cách phòng bệnh tốt nhất là phải thực hiện “3 sạch” (ăn uống sạch, ở sạch và bàn tay sạch). Theo đó, các gia đình, cơ sở giáo dục cần thực hiện ăn chín, uống sôi, sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hằng ngày, bảo đảm vật dụng ăn uống sạch sẽ.

Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hằng ngày như: Đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn, ghế và sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Trẻ và người chăm sóc trẻ cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch, đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh…

“Khi thấy trẻ sốt và xuất hiện nốt phỏng ở lòng bàn tay, lòng bàn chân hoặc niêm mạc miệng cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám, điều trị. Khi trẻ bị bệnh phải cho trẻ nghỉ học, hạn chế tiếp xúc với trẻ khác; không làm vỡ các nốt phỏng để tránh nhiễm trùng và lây lan bệnh. Hạn chế cho trẻ vận động, tăng cường ăn đồ lỏng, mềm như cháo, súp”, bác sĩ Lê Tiến Cương khuyến cáo.

Bài, ảnh: Sỹ Quyết

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/bac-giang-benh-nhi-mac-benh-tay-chan-mieng-tang-nganh-y-te-tang-cuong-giai-phap-phong-ngua-postid417917.bbg
Zalo