Agribank Thuận Châu đồng hành cùng nông dân phát triển kinh tế
Đầu tư nguồn vốn phục vụ lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, Agribank Chi nhánh huyện Thuận Châu tạo điều kiện cho các hộ nông dân vay vốn để phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mở rộng ngành nghề, nâng cao thu nhập, vươn lên làm giàu.
Agribank Chi nhánh huyện Thuận Châu tập trung cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục hồ sơ vay vốn; niêm yết công khai minh bạch chính sách tín dụng. Cán bộ tín dụng của ngân hàng tích cực bám nắm địa bàn, nắm bắt thời điểm nhu cầu người dân cần vốn, từ đó tư vấn, triển khai các chương trình tín dụng phù hợp. Tổ chức tập huấn nghiệp vụ làm thủ tục hồ sơ vay cho các tổ trưởng tổ vay vốn tại các bản, tiểu khu.
Ông Phạm Văn Toàn, Giám đốc Agribank Chi nhánh huyện Thuận Châu, cho biết: Bám sát mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế, xã hội của huyện, Ngân hàng triển khai các chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ và kế hoạch của UBND tỉnh, cho vay chăn nuôi đại gia súc, trồng cây ăn quả, kinh doanh chế biến tiêu thụ hàng nông sản, dịch vụ, cho vay tiêu dùng...
Đơn vị đã chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể tuyên truyền rộng rãi đến toàn thể nhân dân hiểu rõ về chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn; tập trung đầu tư tín dụng các hộ phát triển kinh tế nông nghiệp, chăn nuôi theo hướng trang trại tập trung. Phối hợp với Hội Nông dân, Hội Phụ nữ huyện triển khai nguồn vốn tín dụng tới 29/29 xã, thị trấn; thành lập 3 điểm giao dịch tại các cụm xã Bó Mười, Phổng Lái, Muổi Nọi thực hiện giao dịch vào một ngày cố định trong tháng, để giải ngân, tiếp nhận nhu cầu vay vốn, trả nợ gốc, lãi vay của các tổ viên, giúp người dân tiết kiệm được chi phí, thời gian đi lại. Thường xuyên kiểm tra việc sử dụng vốn vay của khách hàng, kịp thời giải quyết các vướng mắc, giúp khách hàng sản xuất, kinh doanh hiệu quả.
Bên cạnh đó, gắn công tác tín dụng và phát triển sản phẩm dịch vụ với huy động vốn từ các tổ chức kinh tế, tăng tỷ trọng tiền gửi thanh toán, tiền gửi từ dân cư, đáp ứng kịp thời vốn của nhân dân; triển khai các cơ chế chính sách giúp người dân tháo gỡ khi gặp rủi ro, như cơ chế hỗ trợ, cơ cấu nợ, khoanh nợ, miễn giảm lãi… Tổng huy động vốn đến ngày 14/11/2024 đạt 1.227 tỷ đồng. Đến nay, Agribank Chi nhánh huyện Thuận Châu đã phối hợp với các tổ chức hội thành lập 82 tổ vay vốn ở các bản, tiểu khu, giúp cho 4.458 hộ vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, tổng dư nợ cho vay 621 tỷ đồng, chiếm 51,9% tổng dư nợ.
Cùng cán bộ tín dụng Agribank Chi nhánh huyện Thuận Châu đến thăm mô hình kinh tế của gia đình anh Nguyễn Hữu Phước, bản Quỳnh Tiên Hưng, xã Phổng Lái, một trong những khách hàng lâu năm của Ngân hàng. Anh Phước chia sẻ: Agribank Chi nhánh huyện Thuận Châu luôn là bạn đồng hành trong quá trình phát triển kinh tế của gia đình. Từ năm 1995, từ nguồn vốn được vay, gia đình tôi đầu tư phát triển trồng cà phê. Đến năm 2019, gia đình được tạo điều kiện cho vay với hạn mức 2 tỷ đồng, để đầu tư trồng 2 ha na Thái và năm nay tiếp tục trồng thêm 1 ha bí Đài Loan, đào ao tích trữ khoảng 1.500 m³ nước để phục vụ sản xuất. Mỗi năm, gia đình thu hoạch 5-6 tấn cà phê tươi, hơn 10 tấn na, thu nhập khoảng 500 triệu đồng; tạo việc làm thường xuyên 4 lao động địa phương.
Năm 2007, gia đình anh Hoàng Văn Thắng chuyển từ huyện Quỳnh Nhai về tái định cư tại bản Huổi Quỳnh, xã Chiềng Pha. Được Agribank Chi nhánh huyện Thuận Châu tạo điều kiện cho vay vốn, gia đình anh mua thêm đất sản xuất và đầu tư phát triển trồng cây ăn quả. Dẫn chúng tôi thăm vườn thanh long, cam, quýt sai trĩu quả, anh Thắng cho biết: Hiện nay, gia đình trồng 1 ha thanh long, 1 ha cam quýt xen với cà phê; mỗi năm cho thu hoạch 8-9 tấn thanh long; 10 tấn cà phê tươi; 7 tấn cam, quýt, tổng thu nhập khoảng 400 triệu đồng.
Đảm bảo tín dụng phát triển nông nghiệp nông thôn, Agribank Chi nhánh huyện Thuận Châu tiếp tục phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và các tổ chức hội đẩy mạnh cho vay qua tổ vay vốn; tập trung rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục vay vốn để người nông dân dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn tín dụng của ngân hàng. Cùng với đó, chú trọng phát triển các sản phẩm dịch vụ tiện ích, như: Mobile Banking, BankPluss, M-Pluss; dịch vụ thẻ ATM. Tăng cường các giải pháp phòng, chống lừa đảo, tư vấn, hướng dẫn khách hàng không thực hiện cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng cho người khác; vận động, hỗ trợ khách hàng thu thập sinh trắc học..., tăng cường bảo mật, an toàn cho khách hàng.