Hiệu quả từ nguồn vốn hỗ trợ chuyển đổi sản xuất nông nghiệp
Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021 - 2025 là chương trình có ý nghĩa to lớn đối với các địa phương trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, trong đó có huyện Châu Thành. Bởi chương trình đã hỗ trợ đa dạng các nguồn vốn đến tận hộ dân, giúp hộ dân chuyển đổi sản xuất, học nghề, có việc làm... thoát nghèo bền vững và tăng nguồn thu nhập. Qua đó, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện và nâng cao đời sống người dân nông thôn...
Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021 - 2025 bao gồm nhiều dự án và trong dự án còn có các tiểu dự án. Dự án 3 về hỗ trợ phát triển sản xuất, với nguồn vốn huyện được phân bổ hơn 3 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương hơn 2,7 tỷ đồng; ngân sách huyện là 277 triệu đồng. Từ nguồn vốn trên, huyện đã triển khai nhiều mô hình giảm nghèo và phát triển đa dạng cây trồng, vật nuôi trên địa bàn huyện cho các đối tượng thuộc diện hộ nghèo, người tham gia các tổ, nhóm, người có kinh nghiệm làm kinh tế giỏi.
Nhận được nguồn vốn từ Dự án 3, ông Lê Xuân Phụng, ấp Mỹ Phú, xã Thiện Mỹ, huyện Châu Thành chia sẻ:
Nguồn thu nhập chính của gia đình tôi có được từ canh tác 2ha đất trồng lúa. Còn 0,5ha đất vườn trước đây đều là cây tạp không có thu nhập. Năm 2022, nhận được nguồn vốn hỗ trợ từ Dự án 3, tôi đã tiến hành cải tạo khu vườn tạp để chuyển sang trồng dừa và chăn nuôi heo rừng sinh sản. Hiện tại, vườn dừa đã bắt đầu cho thu hoạch trái với thu nhập từ tiền bán trái dừa tươi hơn 3 triệu đồng/tháng. Với đàn heo rừng, tôi nuôi tổng số 6 con cái sinh sản; số heo con đều được giữ lại nuôi bán thịt quanh năm. Với số lượng heo xuất bán ra thị trường khoảng 50 con heo thịt/năm, trừ chi phí lợi nhuận từ 80 - 90 triệu đồng. Tôi nhận thấy đây là dự án rất thiết thực, hiệu quả đối với người dân, vì khi tiếp nhận được nguồn vốn, chúng tôi đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang cây trồng mới có giá trị kinh tế và mở rộng chăn nuôi để tạo thêm nguồn thu nhập cho gia đình, tạo dựng cuộc sống ấm no, sung túc.
Cũng là người được tiếp nhận hỗ trợ từ nguồn vốn Dự án 3 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021 - 2024, ông Dương Thanh Tân, ấp Mỹ Tân, xã Thiện Mỹ bộc bạch: “Đời sống gia đình tôi đã thật sự đổi thay từ khi tiếp nhận được nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất. Với 70 triệu đồng từ nguồn vốn Dự án 3 hỗ trợ (năm 2022), tôi đã dùng phần lớn số tiền này để cải tạo 0,7ha vườn tạp phủ đầy lau sậy sang trồng chuối xiêm và xen canh dừa xiêm xanh. Vườn chuối xiêm đã cho thu nhập hơn 2 năm qua, mỗi tháng hơn 5 triệu đồng; còn cây dừa thì đang phát triển, đến năm 2025 mới có thu hoạch trái”.
Ngoài ra, với số tiền được hỗ trợ từ dự án, ông Tân còn mua thêm 2 con heo sinh sản để bán heo giống, số lượng heo con có được khoảng 24 - 28 con/năm; giá bán heo con từ 1 - 1,2 triệu đồng/con, trừ chi phí lợi nhuận hơn 25 triệu đồng/năm. "Tôi nhận thấy, nguồn vốn của Dự án 3 đã giúp cho người dân có sinh kế bền vững. Như tôi, nhờ số tiền trên mới có thể cải tạo được vườn trồng chuối, trồng dừa; có tiền để phát triển chăn nuôi heo. Tôi mong Nhà nước sẽ tiếp tục triển khai thực hiện Dự án 3 này trong thời gian tới, để hộ dân được hưởng lợi", ông Dương Thanh Tân cho biết thêm.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Mỹ - Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành:
Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021 - 2025 đã trở thành nhiệm vụ, mục tiêu ưu tiên trong quá trình chỉ đạo, điều hành của cấp ủy đảng, chính quyền và được đưa vào nghị quyết của Đảng bộ huyện và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương hằng năm. Theo đó, huyện đã thành lập ban chỉ đạo các cấp nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ chỉ đạo, điều hành, điều phối, đảm bảo chương trình được triển khai thực hiện có hiệu quả. Thông qua thực hiện chương trình trên địa bàn huyện, các chính sách, dự án thuộc chương trình đã được các cấp, các ngành quan tâm tổ chức triển khai tốt, tác động trực tiếp đến nhiều lĩnh vực của đời sống người nghèo, giúp hộ nghèo phát triển kinh tế, ổn định đời sống. Các chính sách giảm nghèo (y tế, giáo dục, vay vốn tín dụng ưu đãi, nhà ở…) đã được hỗ trợ đến các đối tượng được thụ hưởng, từ đó kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện.
Để tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa chương trình, thời gian tới huyện sẽ tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức đến các cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể và người dân về mục tiêu giảm nghèo để ưu tiên trong quá trình chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương. Tuyên truyền để hộ nghèo nhận thức rõ trách nhiệm bản thân khi tiếp nhận các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng và phải cố gắng vươn lên thoát nghèo.