Nơi người chiến sĩ trở về: Thôn đội trưởng làm kinh tế giỏi

Năm 2007, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại Trung đoàn 95, Sư đoàn 2 (Quân khu 5), đồng chí Lê Anh Tuấn, Thôn đội trưởng thôn 5, xã Hòa Phú, TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), trở về địa phương và lập gia đình.

Chuyển ra ở riêng, anh được bố mẹ đẻ chia cho 1,5ha đất ruộng bạc màu làm “vốn”. Lấy ngắn nuôi dài, vợ chồng anh dành một phần nhỏ diện tích để trồng bắp, khoai, nuôi lợn, gà và vay ngân hàng 50 triệu đồng để đầu tư trồng mới hơn 1ha cà phê, tiêu sọ. Đất không phụ công người, sau khoảng 5 năm, anh bắt đầu có của ăn của để.

Tuy nhiên, giai đoạn 2015-2020, giá cà phê, tiêu sọ liên tục giảm sâu khiến nhiều hộ dân ở xã Hòa Phú, trong đó có gia đình anh Tuấn rơi vào cảnh khó khăn. Để trang trải cuộc sống, anh sắm cần câu và mủng, cùng các bạn trong thôn ra sông Sêrêpôk câu cá lăng đuôi đỏ về bỏ mối cho các nhà hàng. Chịu thương chịu khó nên có ngày anh Tuấn thu được gần một triệu đồng. Tuy nhiên, khi mùa mưa đến, nước sông dâng cao, việc đánh bắt cá khó khăn, anh gần như không có nguồn thu nhập.

Đồng chí Lê Anh Tuấn (thứ hai, từ trái sang) giới thiệu mô hình nuôi cá lăng đuôi đỏ của gia đình.

Đồng chí Lê Anh Tuấn (thứ hai, từ trái sang) giới thiệu mô hình nuôi cá lăng đuôi đỏ của gia đình.

Thấy nhu cầu tiêu thụ cá lăng đuôi đỏ lớn, anh Lê Anh Tuấn quyết định phá bỏ 0,6ha tiêu sọ năng suất thấp để đầu tư nuôi cá lăng, tự bảo đảm nguồn cung. Giai đoạn đầu, anh chủ động liên hệ với người câu, thuyền câu chuyên nghiệp, đặt vấn đề mua cá lăng đuôi đỏ bột, trọng lượng 100-200g để gây giống, nuôi thí điểm. Do chưa có kinh nghiệm nuôi nên thời gian đầu, cá bị ngợp nước, sốc nhiệt, không kịp thích nghi với môi trường mới nên bị chết và mắc bệnh khá nhiều. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm nên chỉ một thời gian ngắn, anh Tuấn đã làm chủ được kỹ thuật nuôi cá lăng ao đất. Do cá lăng nuôi không sinh sản, nguồn giống phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên nên ngày nào anh cũng phải ngược xuôi tìm mua cá bột, ngày ít thì mua được 10-15 con, ngày nhiều được 30-40 con. "Kiến tha lâu cũng đầy tổ", sau gần một năm đầu tư, anh mua được gần một vạn con cá giống. Để cá lăng thơm ngon, chắc thịt, anh chỉ sử dụng cám gạo, bột mỳ, đậu bắp làm thức ăn, kiên quyết nói không với các loại thức ăn tăng trọng, hóa chất. “Sau khoảng 24 tháng chăm sóc, cá lăng thương phẩm sẽ đạt trọng lượng 4-6kg.

Với giá bán ổn định 200.000-350.000/kg, mỗi năm gia đình tôi thu lãi khoảng 300 triệu đồng từ các hồ cá. Nhu cầu cá lăng của thị trường rất lớn, mỗi lần cất lưới là thương lái đến tận nhà thu mua. Phát triển kinh tế hộ gia đình theo mô hình vườn, ao, chuồng, giàn, ngoài 0,6ha mặt nước, gia đình tôi còn gần 0,9ha đất trồng cà phê, lúa nước, chanh dây, hoa lan, cây cảnh và đàn bò lai 14 con, tạo việc làm thường xuyên với thu nhập ổn định 300.000-400.000 đồng/người/ngày cho 3 lao động là quân nhân xuất ngũ, thanh niên có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương”, anh Tuấn chia sẻ.

Đồng chí Nguyễn Văn Tuyển, Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Hòa Phú cho biết: “Là điển hình làm kinh tế giỏi, đồng chí Lê Anh Tuấn nhiều lần được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tuyên dương, tặng bằng khen. Ở xã Hòa Phú, ngoài mô hình nuôi cá lăng đuôi đỏ của gia đình đồng chí Tuấn, còn có nhiều mô hình phát triển kinh tế của lực lượng dân quân tự vệ, quân nhân xuất ngũ. Tiêu biểu trong số đó là mô hình trồng rau thủy canh siêu sạch trong nhà lưới của đồng chí Trương Văn Yên, Thôn đội trưởng thôn 10, được người ở nhiều nơi về tham quan, học hỏi, từng bước nhân rộng. Nhờ sức trẻ, tinh thần quyết tâm, dám nghĩ, dám làm nên điều kiện kinh tế của các đồng chí này ngày một tốt hơn, góp phần xây dựng quê hương giàu mạnh”.

Bài và ảnh: HÀ LÊ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/quoc-phong-toan-dan/noi-nguoi-chien-si-tro-ve-thon-doi-truong-lam-kinh-te-gioi-805675
Zalo