Vị thế không thể thiếu của ASEAN trong nền kinh tế toàn cầu

Theo Jakarta Post, khu vực Đông Nam Á đang trở nên nổi bật hơn trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều biến động. Đặc biệt, những diễn biến gần đây cho thấy tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của khu vực này.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Trưởng đoàn các nước ASEAN và Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru chụp ảnh chung tại Hội nghị cấp cao ASEAN-Nhật Bản lần thứ 27. Ảnh: Dương Giang-TTXVN

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Trưởng đoàn các nước ASEAN và Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru chụp ảnh chung tại Hội nghị cấp cao ASEAN-Nhật Bản lần thứ 27. Ảnh: Dương Giang-TTXVN

Tháng 8/2024, Indonesia và Thái Lan bày tỏ mong muốn gia nhập Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Hai tháng sau, các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) khác là Malaysia, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam đã trở thành đối tác của Nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS.

Những động thái này đặt ra một số câu hỏi quan trọng về sự phát triển kinh tế của ASEAN, vai trò hiện tại của khối này trong nền kinh tế toàn cầu và quỹ đạo tương lai của khối. Sự chuyển đổi của ASEAN kể từ khi thành lập vào năm 1967 là rất đáng chú ý. Từ một nền kinh tế kết hợp khiêm tốn trị giá 24 tỷ USD, ASEAN đã nổi lên trở thành khối kinh tế lớn thứ tư thế giới vào năm 2024, với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ước tính là 4.130 tỷ USD, chỉ sau Mỹ (28.000 tỷ USD), Trung Quốc (18.500 tỷ USD) và Đức (4.500 tỷ USD).

Sự gia tăng này phản ánh những thay đổi lớn hơn trong quản trị kinh tế toàn cầu. Sự thống trị của các quốc gia phát triển, đặc biệt là các nước thuộc Nhóm các nền công nghiệp tiên tiến (G7) bắt đầu suy yếu vào đầu những năm 1970 khi các nền kinh tế mới nổi trỗi dậy. Những cường quốc đang lên này dần chiếm lĩnh thị phần trong khu vực và thế giới trên bốn thước đo chính, bao gồm: sản lượng, thương mại, sản xuất giá trị gia tăng và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Trong số các quốc gia mới nổi có

Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc và các quốc gia Đông Nam Á.

ASEAN đã xác lập vị thế là một đối tác không thể thiếu đối với các nền kinh tế lớn trên thế giới. Đến năm 2023, khu vực này chiếm 8% thương mại toàn cầu, 5% sản xuất giá trị gia tăng toàn cầu và thu hút 17% vốn FDI toàn cầu. Khối này đã trở thành đối tác thương mại chính của Trung Quốc, đối tác lớn thứ hai của Nhật Bản, lớn thứ ba của Hàn Quốc và đối tác lớn thứ tư của Mỹ.

Sự chuyển đổi kinh tế này không bắt nguồn từ tốc độ tăng trưởng của các nước phát triển mà từ sự trỗi dậy nhanh chóng của các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc. Sự phát triển được thúc đẩy bởi các bước chuyển đổi cơ cấu trong các ngành công nghiệp, công nghệ và vốn nhân lực, cùng với cơ sở hạ tầng và thể chế được cải thiện giúp giảm chi phí giao dịch. Chính phủ ở các nền kinh tế này đã chuyển đổi thành công các lợi thế “tiềm ẩn” thành điểm mạnh, tận dụng lợi thế của những nước đi sau trong công nghiệp hóa và công nghệ.

Tuy nhiên, ASEAN phải đối mặt với hai thách thức cơ cấu quan trọng. Thứ nhất, mặc dù tiêu dùng nội địa đóng góp 55% nền kinh tế ASEAN và tỷ lệ thương mại trên GDP của khu vực tăng từ 61% năm 2000 lên 87% vào năm 2023, nhưng khối này vẫn phụ thuộc nhiều vào tài nguyên thiên nhiên. Tỷ lệ sản xuất có giá trị gia tăng trên GDP của khu vực đã giảm kể từ năm 2000, chỉ còn 20% vào năm 2023. Hơn nữa, 30% hàng xuất khẩu của ASEAN vẫn sử dụng nhiều tài nguyên, phần còn lại chủ yếu thuộc các lĩnh vực thâm dụng lao động. Chỉ có Singapore, Malaysia và Việt Nam đã chuyển đổi thành công mặt hàng xuất khẩu của mình sang mặt hàng xuất khẩu có giá trị gia tăng cao hơn.

Thứ hai, ASEAN đang vật lộn với những “khoảng trống” mà các doanh nghiệp tầm trung đang tạo ra. Từ 97,2% đến 99,9% trong số khoảng 70 triệu doanh nghiệp trong khu vực là doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ (MSME), mô hình này hầu như không thay đổi kể từ năm 2010. Mặc dù các MSME đóng góp đáng kể vào việc làm (85%), GDP (44,8%) và xuất khẩu (18%), tuy nhiên, thiếu đổi mới sáng tạo đang tạo ra những thách thức. Các cuộc khảo sát MSME khu vực năm 2021 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho thấy tỷ lệ việc làm của các MSME đã giảm trong thập kỷ qua tại 5 quốc gia lớn nhất khu vực, ngay cả khi số lượng MSME đã tăng lên. Xu hướng này nhấn mạnh năng suất thấp của các MSME.

Để duy trì tăng trưởng bền vững, ASEAN phải tăng cường năng lực thương mại và đầu tư, đồng thời giải quyết những thách thức cơ cấu này. Ngoài các nguồn tài nguyên thiên nhiên, khu vực này cần đa dạng hóa và ưu tiên các lĩnh vực tăng trưởng cao, đặc biệt là chất bán dẫn (chip) và nền kinh tế kỹ thuật số, nơi có tiềm năng đầy hứa hẹn. Ngoài ra, ASEAN phải tạo ra môi trường kinh doanh hỗ trợ nhiều hơn cho các doanh nghiệp nhỏ phát triển thành doanh nghiệp vừa và lớn. Sự chuyển đổi như vậy là rất quan trọng, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và phát triển tầng lớp doanh nghiệp trung lưu vững mạnh.

Các mối quan hệ đối tác trong tương lai của khu vực có thể sẽ được định hình bởi những cân nhắc về địa chính trị, đặc biệt khi các nước thành viên theo đuổi tư cách thành viên trong các nhóm có ảnh hưởng như OECD và BRICS.

Trong nhiều năm qua, ASEAN vẫn cam kết thúc đẩy mối quan hệ cân bằng với tất cả các bên tham gia chính: Mỹ, Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Brazil và Nam Phi. Bằng cách duy trì quan hệ đối tác bình đẳng trong thương mại và phát triển, ASEAN sẽ tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng và thịnh vượng chung trong bối cảnh toàn cầu đa cực.

Văn Phong (P/v TTXVN tại Jakarta)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/vi-the-khong-the-thieu-cua-asean-trong-nen-kinh-te-toan-cau/355408.html
Zalo