Agribank giúp đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo

Thay đổi nếp nghĩ, cách làm, giúp đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Chi nhánh tỉnh (Agribank Tuyên Quang) đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để bà con tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, đầu tư phát triển kinh tế.

Anh Triệu Văn Đoan, dân tộc Dao (ngoài cùng bên phải) vay vốn của Agribank mua sắm thiết bị sao chè phục vụ sản xuất.

Anh Triệu Văn Đoan, dân tộc Dao (ngoài cùng bên phải) vay vốn của Agribank mua sắm thiết bị sao chè phục vụ sản xuất.

Cách đây 5 năm, gia đình ông Triệu Văn Đoan, dân tộc Dao, thôn Tân Thượng, xã Lương Thiện (Sơn Dương) được Agribank Sơn Dương cho vay 200 triệu đồng để phát triển kinh tế. Từ số tiền được vay, gia đình ông Đoan đã đầu tư mở rộng diện tích trồng chè đặc sản, mua sắm thiết bị chế biến chè thành phẩm. Ông Đoan phấn khởi cho biết: Gia đình trước đây thuộc diện khó khăn, nhờ tiếp cận nguồn vốn vay của Agribank huyện, gia đình tôi đầu tư mô hình làm kinh tế từ chè đặc sản và mạnh dạn mua thêm đất để mở rộng sản xuất nâng cao thu nhập cho gia đình.

Ông Đoan khoe, làm giàu cho mình ông cũng giúp bà con trong thôn, trong xã phát triển cây chè đặc sản. Theo ông Đoan thì hiện tại ông đã đứng ra bao tiêu toàn bộ sản phẩm chè búp tươi cho người dân ở thôn Tân Thượng với giá từ 65 - 70 nghìn đồng/kg. Có nguồn thu nhập ổn định nên bà con chủ động mở rộng diện tích, thu nhập rất ổn định.

Đồng chí Lưu Văn Lương, Chủ tịch UBND xã Lương Thiện cho biết, không chỉ gia đình ông Đoan mà còn có không ít hộ đồng bào dân tộc thiểu số khác cũng nhờ từ nguồn vốn vay ưu đãi của hệ thống Agribank đã thoát nghèo, vươn lên khá giả.

Gia đình bà Đào Thị Kim Oanh, thôn 1 Minh Phú, xã Yên Phú (Hàm Yên) cũng đang làm giàu từ nguồn vốn của Agribank. Bà Oanh chia sẻ, 10 năm trước gia đình trồng cam sành tuy nhiên theo thời gian cây cam già cỗi, hiệu quả kinh tế thấp. Năm 2015 gia đình chuyển đổi sang trồng thanh long ruột đỏ, cũng may trong giai đoạn khó khăn, gia đình được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của Agribank. Có vốn gia đình bà Oanh chuyển đổi mô hình sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế rất cao. Bà Oanh khoe, hiện nay trang trại thanh long của gia đình có trên 7.000 trụ thanh long, mỗi năm cho thu khoảng 150 - 160 tấn quả, trừ chi phí mỗi năm thu 300 - 400 triệu đồng/năm.

Người dân thôn 1 Minh Phú, xã Yên Phú (Hàm Yên) vay vốn Agribank phát triển trồng thanh long xuất khẩu.

Người dân thôn 1 Minh Phú, xã Yên Phú (Hàm Yên) vay vốn Agribank phát triển trồng thanh long xuất khẩu.

Luôn đồng hành với người dân vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, trong tổng số hơn 9.000 tỷ dư nợ khách hàng vay vốn của Agribank có đến 70% khách hàng là nông dân, đồng bào dân tộc thiểu số.

Báo cáo của Agribank Tuyên Quang, hiện nay Agribank đang triển khai nhiều chương trình tín dụng như: Cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn; cho vay phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh và cho vay phục vụ nhu cầu đời sống tiêu dùng… Trong đó, dành ưu tiên đặc biệt đến đối tượng khách hàng khu vực nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số.

Đội ngũ cán bộ tín dụng của Agribank cũng tích cực bám địa bàn, rà soát nhu cầu vay vốn của đồng bào dân tộc thiểu số, để tư vấn, triển khai các chương trình tín dụng phù hợp. Bên cạnh đó, đơn vị đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục hồ sơ vay vốn; niêm yết công khai chính sách tín dụng; tổ chức tập huấn nghiệp vụ làm thủ tục hồ sơ vay cho các tổ trưởng tổ vay vốn tại các địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số.

Ông Đào Quang Uy, Phó Giám đốc Agribank chi nhánh tỉnh cho biết: Ngân hàng đã chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể tuyên truyền rộng rãi đến đồng bào dân tộc thiểu số hiểu rõ về các chính sách tín dụng. Phối hợp với Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện và các xã trên địa bàn triển khai hệ thống tổ vay vốn và tổ chức giao dịch vào một ngày cố định trong tháng để giải ngân, tiếp nhận nhu cầu vay vốn, trả nợ gốc, lãi vay của các tổ viên, giúp đồng bào dân tộc thiểu số tiết kiệm được chi phí, thời gian đi lại.

Bên cạnh đó, Agribank thường xuyên kiểm tra việc sử dụng vốn vay của khách hàng, kịp thời giải quyết các vướng mắc, giúp khách hàng sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Đảm bảo tín dụng đến với mọi người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, Agribank tập trung nâng cao chất lượng thẩm định và tăng cường thanh tra, kiểm tra trước và sau cho vay; đổi mới phong cách giao dịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, mở rộng đối tượng cho vay, đơn giản tối đa hồ sơ thủ tục vay vốn... để người dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn, đầu tư phát triển kinh tế, thoát nghèo, làm giàu chính đáng.

Bài, ảnh: Đoàn Thư

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/agribank-giup-dong-bao-dan-toc-thieu-so-thoat-ngheo-202084.html
Zalo