6 'nhãn dán' cha mẹ chưa trưởng thành thường gắn cho trẻ
Nhiều cha mẹ dù trưởng thành về thể chất nhưng lại chưa trưởng thành về cảm xúc. Họ thường vô tình buông lời làm tổn thương, âm thầm tác động tiêu cực đến trẻ.

1. Lười biếng: Đây là từ mà hầu như ai cũng từng nghe. Tuy nhiên, khi cha mẹ thường xuyên dùng từ này với con, đó có thể là dấu hiệu của sự chưa trưởng thành về mặt cảm xúc. Thực tế, trẻ không muốn tham gia vào các hoạt động có thể do thiếu hứng thú, khó hiểu nhiệm vụ, hoặc đang gặp khó khăn về cảm xúc. Tuy nhiên, thay vì tìm hiểu nguyên nhân, cha mẹ chưa trưởng thành lại gắn nhãn trẻ là "lười biếng".

2. Nhạy cảm: Mỗi khi trẻ khóc hoặc bày tỏ cảm xúc, cha mẹ chưa trưởng thành về mặt cảm xúc thường nói rằng con quá nhạy cảm. Điều này có thể khiến trẻ cảm thấy cảm xúc của mình không được coi trọng hoặc sai trái, dẫn đến sự hoài nghi về bản thân và gây ra nhiều băn khoăn trong quá trình trưởng thành.

3. Ích kỷ: Nhiều trẻ nhỏ thường xuyên bị cha mẹ nói là ích kỷ, nhất là khi trẻ không muốn chia sẻ đồ chơi hoặc vật dụng cá nhân. Nhưng thực tế, các nhà khoa học chỉ ra trẻ dưới 6 tuổi thường có xu hướng coi mình là trung tâm, đây là giai đoạn phát triển bình thường. Gắn mác "ích kỷ" cho hành vi này có thể gây tổn thương và khiến trẻ hoang mang. Trẻ có thể nghĩ rằng mình xấu, từ đó hình thành cái nhìn tiêu cực về bản thân.

4. Bướng bỉnh: Nhiều trẻ em thường xuyên bị cha mẹ gán cho nhãn bướng bỉnh. Bất cứ khi nào trẻ bảo vệ quan điểm cá nhân hoặc bày tỏ ý kiến khác biệt với cha mẹ, từ ngữ này lại được sử dụng. Việc bị gắn nhãn như vậy khiến trẻ dần tin rằng những suy nghĩ, cảm xúc và niềm tin riêng của mình là điều không đúng. Con bắt đầu nghi ngờ bản thân và cố gắng kìm nén cá tính để tránh bị gọi là bướng bỉnh.

5. Phiền phức: Cha mẹ nói trẻ phiền phức có lẽ là một trong những gán nhãn gây tổn thương sâu sắc nhất. Từ này không đơn giản là chỉ trích hành vi mà còn ám chỉ đứa trẻ là một gánh nặng, gây phiền toái và rắc rối. Khi bị gắn mác như vậy, trẻ sẽ dần cảm thấy mình không được yêu thương, không có giá trị, từ đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến lòng tự trọng và sự phát triển tâm lý.

6. Khó bảo: Cha mẹ chưa trưởng thành cảm xúc thường khó chấp nhận trẻ có chính kiến. Thay vì lắng nghe, họ dễ áp đặt hoặc dán nhãn con khó bảo. Họ thường dùng từ này khi trẻ không làm theo ý muốn hoặc kỳ vọng của họ. Tuy nhiên, điều bị cho là "khó bảo" đôi khi chính là biểu hiện của sự quyết đoán và tính độc lập ở trẻ. Đây là những phẩm chất nên được khuyến khích và nuôi dưỡng thay vì xem nhẹ.