Khắc phục vi sinh vật hại cây cà pháo
Thông qua triệu chứng bên ngoài, rất có thể cây cà pháp đã bị một vi sinh vật (nấm hoặc vi khuẩn) nào đó có sẵn trong đất trồng, cây giống phát sinh gây hại.

Lá to và lá già bị chuyển màu vàng nâu. Ảnh: Hữu Vân
Hiện nay, một số diện tích cà pháo vụ xuân hè ở huyện Nam Sách (Hải Dương) đang giai đoạn phát hoa – đậu quả và bắt đầu thu hoạch. Tuy nhiên, một loại vi sinh vật nào đó đã phát sinh gây hại, ảnh hưởng rất nhiều đến năng suất và chất lượng quả cà pháo.
Triệu chứng gây hại: Mới đầu bệnh phát sinh ở các lá già, các lá to gần gốc, tạo thành màu vàng nâu ở cả trên hai mặt lá và vỏ quả, tạo vết nhám gây xấu mã quả cà. Bệnh lan cả vào thân, cành khiến cây có biểu hiện kém tươi rồi chết khô. Nhổ cây lên quan sát thấy bộ rễ kém phát triển, cắt ngang thân gốc bóp ra thấy có dịch nhờn.
Đối tượng gây hại: Thông qua triệu chứng bên ngoài thì rất có thể đã do một vi sinh vật (nấm hoặc vi khuẩn) nào đó có sẵn trong đất trồng, cây giống phát sinh gây hại. Đối tượng đã thâm nhập qua phần rễ hoặc vỏ cây phần dưới đất rồi công phá các bộ phận của cây.
Biện pháp khắc phục:
Tạm dừng hoặc giảm bón các loại phân bón gốc theo kế hoạch bởi cây đã phát hoa, tạo quả là đang trong thời kỳ sinh trưởng sinh sản. Nếu thừa dinh dưỡng cây sẽ tốt bốc lên lá mà ít phát hoa, đậu quả. Đồng thời có thể dùng ngay chế phẩm sinh học MicroBio Âu Lạc loại chuyên biệt bón gốc và chuyên biệt bón lá cho cây theo hướng dẫn trên bao bì. Chẳng hạn 1 lọ 100cc chia pha làm 2 bình đầy, phun kỹ và đều cho 1/2 sào đến 10 thước cà pháo ngoài đồng. Loại chai 500cc thì đong 50cc pha 1 bình đầy và cũng phun 2 bình cho 1/2 sào đến 10 thước cà pháo. (Lưu ý không được pha chung chế phẩm sinh học với bất cứ loại thuốc hóa học hoặc phân bón lá nào).
Thực tế thời gian qua, một số hộ trồng cà pháo đã áp dụng phun theo hướng dẫn trên và cho thấy rất hiệu quả.