Khói thuốc lá - 'Thủ phạm thầm lặng' làm tăng nguy cơ đột quỵ não

Theo bác sĩ Đinh Hoàng Tuấn - Phó trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, Trung tâm Y tế huyện Mai Châu, khói thuốc lá không chỉ gây hại trực tiếp cho người hút mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của những người xung quanh. Cả hút thuốc chủ động lẫn thụ động đều làm tăng đáng kể nguy cơ đột quỵ não - căn bệnh đứng thứ ba toàn cầu về tỷ lệ tử vong, chỉ sau tim mạch và ung thư.

Chăm sóc người bệnh đột quỵ não tại khoa HSCC – chống độc Trung tâm Y tế huyện Mai Châu (Ảnh: Hồng Dung)

Chăm sóc người bệnh đột quỵ não tại khoa HSCC – chống độc Trung tâm Y tế huyện Mai Châu (Ảnh: Hồng Dung)

Theo kết quả nghiên cứu của Tổ chức Đột quỵ não Thế giới, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến đột quỵ não, trong đó hút thuốc lá được xác định là một yếu tố nguy cơ lớn.

Người hút thuốc có khả năng bị đột quỵ cao gấp 2 đến 4 lần so với người không hút, và nguy cơ này cũng đe dọa cả những người thường xuyên phải hít phải khói thuốc thụ động. Khói thuốc lá chứa hàng nghìn chất độc hóa học có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến mạch máu não, làm thay đổi nhịp tim và chức năng tim, từ đó làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông, dẫn đến tắc nghẽn mạch máu não.

Tại Trung tâm Y tế huyện Mai Châu (tỉnh Hòa Bình), bác sĩ chuyên khoa I Đinh Hoàng Tuấn - Phó trưởng khoa Hồi sức cấp cứu và chống độc cho biết: hiện mỗi ngày khoa tiếp nhận điều trị từ 7 đến 10 bệnh nhân đột quỵ não, trong đó có không ít trường hợp có tiền sử hút thuốc lá.

Bác sĩ Tuấn phân tích, khi hút thuốc, rất nhiều hóa chất độc hại đi vào cơ thể qua đường hô hấp, tác động trực tiếp đến thành mạch máu não, khiến chúng dễ bị tổn thương. Ngay sau khi hút thuốc, tốc độ dòng máu qua mạch não thay đổi đột ngột, làm gia tăng các hiệu ứng tiêu cực lên não bộ.

"Tình trạng hút thuốc thường xuyên còn làm tăng tính kết dính tiểu cầu, khiến mạch máu dễ bị tắc nghẽn và hình thành cục máu đông. Đây là những yếu tố nguy hiểm có thể dẫn đến đột quỵ bất cứ lúc nào" - bác sĩ Tuấn cảnh báo.

Khói thuốc không chỉ gây hại cho người hút mà cả những người xung quanh. Trong khói thuốc lá, thuốc lào có tới 7.000 chất hóa học độc hại, trong đó có các chất nguy hiểm như carbon monoxide, hắc ín, nicotine và nhiều hợp chất gây ung thư khác. Những chất này gây biến đổi nhịp tim, ảnh hưởng đến chức năng tuần hoàn, từ đó làm tăng nguy cơ bị đột quỵ một cách âm thầm nhưng nghiêm trọng.

Câu chuyện của bệnh nhân Hà Văn Thanh, 65 tuổi, ở xã Cun Pheo, huyện Mai Châu, là minh chứng rõ nét. Ông Thanh đang điều trị tại khoa Hồi sức cấp cứu và chống độc, từng có tiền sử đột quỵ cách đây vài năm.

Chia sẻ về tình trạng bệnh của mình, ông Thanh cho biết, vừa rồi ông bị sốt và ho kéo dài nên được người nhà đưa vào Trung tâm y tế để điều trị. Tuy nhiên ông lại có tiền sử bị đột quỵ não mấy năm trước. "Ngày đấy được các bác sĩ giải thích về tác hại của thuốc lá làm cho bệnh của tôi nặng hơn nên từ đó tôi đã quyết tâm bỏ thói quen hút thuốc lá để không ảnh hưởng đến sức khỏe của mình và mọi người xung quanh" - ông Thanh nói.

Theo bác sĩ Tuấn, người hút thuốc chủ động hay hút thuốc thụ động đều có nguy cơ mắc bệnh tật. Người nghiện thuốc lá nặng, hút thuốc hơn 1 bao/ngày thì nguy cơ đột quỵ tăng lên gấp 4 đến 5 lần so với người không hút thuốc.

Các nhà khoa học đã chứng minh việc ngưng hút thuốc từ 2 năm trở lên, nguy cơ đột quỵ bắt đầu giảm xuống và nếu ngưng được 5 năm thì nguy cơ trở về bằng với người không hút thuốc. Cai thuốc càng sớm càng tốt, trước 40 tuổi sẽ giảm 90% tử vong do các bệnh liên quan đến khói thuốc.

Để phòng tránh đột quỵ một cách hiệu quả, bác sĩ Tuấn khuyến cáo: mỗi người dân cần kiểm soát và điều trị các bệnh lý làm tăng nguy cơ đột quỵ; xây dựng chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh; tập thể dục hằng ngày; khám sức khỏe định kỳ để tầm soát kịp thời các bệnh về tim mạch, tiểu đường…và đặc biệt là phải từ bỏ ngay thói quen thường xuyên hút thuốc lá, thuốc lào.

"Bất kỳ ai, kể cả người trẻ nếu xuất hiện các dấu hiệu như đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, yếu tay chân, méo miệng, nói khó… cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời trong “thời gian vàng” nhằm hạn chế tối đa tổn thương và biến chứng nguy hiểm do đột quỵ gây ra" - nam bác sĩ lưu ý.

Thanh Hà

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/khoi-thuoc-la-thu-pham-tham-lang-lam-tang-nguy-co-dot-quy-nao-post546321.html
Zalo