Yêu nước thời số hóa
Với lòng biết ơn, niềm tự hào dân tộc, thế hệ trẻ hôm nay đang viết tiếp câu chuyện hòa bình, lan tỏa tình yêu Tổ quốc theo những cách rất riêng, sáng tạo và gần gũi.
Sử dụng công nghệ, lan tỏa tình yêu
Xuất phát từ niềm khao khát muốn khám phá vẻ đẹp của đất nước, chị Nguyễn Thị Yến (nickname: Yến Vi Vu, sinh năm 1999), quê ở phường Hương Gián (thành phố Bắc Giang) đã theo đuổi ước mơ và trở thành một nhà sáng tạo nội dung chuyên về du lịch. Tới nay, chị đã đi qua 63 tỉnh, thành phố của dải đất hình chữ S. Qua mỗi cung đường, khám phá vẻ đẹp thiên nhiên, được thưởng thức đặc sản và trò chuyện với người dân địa phương, chị càng thêm yêu đất nước mình. Mỗi trải nghiệm đều được ghi lại bằng video và đăng tải trên TikTok.

Đoàn viên thanh niên Trường Trung học phổ thông Yên Dũng số 3 (thành phố Bắc Giang) hưởng ứng cuộc vận động "Tự hào một dải non sông".
Nhờ lối kể chuyện chân thực, hình ảnh sinh động cùng góc nhìn trẻ trung, kênh TikTok Yến Vi Vu hiện thu hút hơn 73,6 nghìn lượt theo dõi và đạt 1,7 triệu lượt yêu thích. Trong nhiều video khám phá, chị Yến đặc biệt quan tâm giới thiệu về lịch sử, văn hóa của quê hương Bắc Giang. Chị dẫn dắt người xem đến với những địa danh nổi tiếng như: Chùa Vĩnh Nghiêm (thành phố Bắc Giang), Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử (Sơn Động) và nhiều địa điểm vui chơi, giải trí mới mẻ, phản ánh diện mạo năng động của một Bắc Giang đang trên đà phát triển. Chị Yến chia sẻ: “Tôi muốn giới thiệu cho mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ thấy rằng đất nước ta có rất nhiều cảnh đẹp, những câu chuyện lịch sử hào hùng, rất đáng tự hào. Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục thực hiện nhiều video về ẩm thực, danh thắng và các ngôi chùa cổ kính của Bắc Giang”.
Không chỉ dừng lại ở việc lan tỏa tình yêu quê hương qua mạng xã hội, nhiều bạn trẻ còn ứng dụng công nghệ để thể hiện lòng biết ơn với các thế hệ đi trước. Thời gian qua, nhóm thiện nguyện “Xây ước mơ cùng em đến trường” do anh Trịnh Văn Thắng (Tân Yên) sáng lập và nhóm Team Lee (gồm 12 bạn trẻ đến từ nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, có khả năng sử dụng đồ họa, đam mê phục dựng và bảo tồn hình ảnh lịch sử) đã phối hợp với Huyện đoàn Tân Yên, Huyện đoàn Lạng Giang để phục dựng miễn phí hơn 200 bức chân dung liệt sĩ.
Quá trình phục dựng được thực hiện thông qua việc thu thập ảnh gốc của liệt sĩ (thường đã cũ, mờ hoặc hư hỏng), sau đó sử dụng các phần mềm trí tuệ nhân tạo (AI) chuyên biệt để tái tạo đường nét khuôn mặt. Sau đó, các thành viên tiếp tục chỉnh sửa, vẽ lại chi tiết bằng kỹ thuật số nhằm tạo ra chân dung sống động, giống nguyên mẫu nhất. “Chúng tôi mong muốn góp chút công sức nhỏ bé để tri ân các liệt sĩ và nhắc nhớ về lịch sử hào hùng của dân tộc, lan tỏa về tinh thần yêu nước đến cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ”, anh Trịnh Văn Thắng nói.
Giáo dục truyền thống thời 4.0
Công tác giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc cho thanh thiếu nhi luôn được các cấp bộ Đoàn trong tỉnh quan tâm đẩy mạnh bằng nhiều hoạt động thiết thực. Hưởng ứng cuộc vận động “Tự hào một dải non sông” do Trung ương Đoàn phát động, tuổi trẻ Bắc Giang đã triển khai nhiều hoạt động cụ thể. Đoàn viên, thanh thiếu nhi đồng loạt thay ảnh đại diện, màn hình điện thoại bằng bản đồ Việt Nam; trang trí nhà, lớp học, cửa tiệm với cờ đỏ sao vàng để thể hiện tình yêu Tổ quốc và niềm tự hào dân tộc. Các đơn vị cấp huyện cũng tổ chức nhiều hoạt động sáng tạo, nổi bật là Thành đoàn Bắc Giang phát động cuộc thi ảnh “Tôi yêu Tổ quốc tôi”; Huyện đoàn Lạng Giang tổ chức cuộc thi video, clip tuyên truyền về cuộc vận động trên nền tảng TikTok...
Việc treo bản đồ Việt Nam được xem là hình thức tuyên truyền trực quan hiệu quả, giúp thanh thiếu nhi có thêm kiến thức về địa lý, lãnh thổ, đồng thời khẳng định rõ chủ quyền biên giới, hải đảo quốc gia. Trong năm 2024, các cấp bộ Đoàn trong toàn tỉnh đã treo gần 5 nghìn bản đồ, là đơn vị dẫn đầu cả nước về số lượng bản đồ treo hưởng ứng. Bên cạnh đó, nhiều đơn vị còn chủ động tổ chức các cuộc thi trên nền tảng số nhằm khuyến khích đoàn viên, thanh niên phát huy khả năng sáng tạo, ứng dụng công nghệ để quảng bá hình ảnh địa phương.
Cùng với các hoạt động do tổ chức Đoàn phát động, nhiều bạn trẻ cũng tự mình lan tỏa tinh thần yêu nước bằng cách tạo ra các trào lưu mạng xã hội đầy ý nghĩa như: Chụp ảnh với cờ Tổ quốc, vẽ cờ đỏ sao vàng lên mái nhà, cửa sổ; tham gia trào lưu "nhảy yêu nước" trên nền nhạc ca khúc "Viết tiếp câu chuyện hòa bình" của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung và ca khúc "Máu đỏ da vàng" do nhóm DTAP sáng tác.
Gần đây, Huyện đoàn Tân Yên phát động cuộc thi sáng tạo video clip tuyên truyền thương hiệu “Vải thiều chín sớm Tân Yên” năm 2025. Chị Dương Thị Hằng, Phó Bí thư Huyện đoàn Tân Yên thông tin: "Các cá nhân, nhóm dự thi sẽ xây dựng video clip quảng bá hình ảnh vải thiều chín sớm qua 2 giai đoạn: Từ lúc cây vải nở hoa, kết trái và thời điểm chín rộ, thu hoạch, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm. Đây không chỉ là sân chơi sáng tạo mà còn là cơ hội để tuổi trẻ ứng dụng công nghệ số trong việc lan tỏa giá trị nông sản địa phương tới đông đảo người dân trong nước và bạn bè quốc tế".
Cùng với các hoạt động do tổ chức Đoàn phát động, nhiều bạn trẻ cũng tự mình lan tỏa tinh thần yêu nước bằng cách tạo ra các trào lưu mạng xã hội đầy ý nghĩa như: Chụp ảnh với cờ Tổ quốc, vẽ cờ đỏ sao vàng lên mái nhà, cửa sổ; tham gia trào lưu "nhảy yêu nước" trên nền nhạc ca khúc "Viết tiếp câu chuyện hòa bình" của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung và ca khúc "Máu đỏ da vàng" do nhóm DTAP sáng tác. Những hành động nhỏ nhưng khơi dậy niềm tự hào dân tộc, lan tỏa tinh thần yêu nước đến cộng đồng theo cách riêng.
Để giáo dục, hun đúc tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ, thời gian tới, Tỉnh đoàn tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt đoàn; đẩy mạnh các hoạt động giáo dục truyền thống thông qua công nghệ số, mạng xã hội, các mô hình trải nghiệm thực tế. Từ đó, xây dựng lớp thanh niên thời đại mới vừa “hồng” vừa “chuyên”, giàu lòng yêu nước, bản lĩnh chính trị vững vàng, sẵn sàng cống hiến cho quê hương, đất nước.