Tự hào gọi tên Phố Hiến!
Phố Hiến - thành phố Hưng Yên, nơi từng là đô thị cổ trù phú, nơi mang trong mình khí chất 'tiểu Tràng An' của đất Bắc xưa. Không phải ngẫu nhiên mà vùng đất này được nhắc đến trong dân gian với câu: 'Thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến'. Đó là một sự ghi nhận không chỉ về vị thế thương mại ngày nào, mà còn là minh chứng cho chiều sâu lịch sử, văn hóa và khát vọng không ngừng vươn lên của vùng đất này hôm nay và mai sau.

Di tích Đông Đô Quảng Hội Ảnh: LÊ HÀO
Theo sử sách ghi lại, chính những điều kiện thuận lợi về thủy văn và địa hình đã góp phần tạo nên thời kỳ hưng thịnh rực rỡ bậc nhất của Phố Hiến - vùng đất hội tụ ba dòng chảy lớn: sông Hồng, sông Thái Bình và sông Đáy. Đây là “huyết mạch giao thương” chiến lược, là cửa ngõ thông thương từ biển cả vào sâu nội địa, nối liền vùng duyên hải Bắc Bộ với kinh thành Thăng Long và xa hơn nữa, tới tận xứ Đàng Trong. Nhờ đó, Phố Hiến nhanh chóng vươn lên trở thành trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa quan trọng bậc nhất của xứ Đàng Ngoài trong khoảng thế kỷ XVII - XVIII.
Dưới triều Lê - Trịnh, nơi đây phát triển mạnh mẽ như một thương cảng quốc tế sầm uất. Trên bến dưới thuyền, sông Xích Đằng ngày ấy thường xuyên tấp nập thuyền buôn trọng tải lớn của các thương nhân Trung Hoa, Nhật Bản, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh quốc... neo đậu, giao dịch. Không chỉ là nơi trao đổi hàng hóa, Phố Hiến còn mang dáng dấp của một đô thị kinh tế đúng nghĩa - với tổ hợp bến cảng, chợ trung tâm, phường buôn và đặc biệt là hai thương điếm của người Hà Lan và người Anh - đóng vai trò như “văn phòng đại diện” quốc tế, kiêm kho hàng và trung tâm điều phối thương mại.Nhờ hoạt động buôn bán sôi động, cộng đồng người ngoại quốc - từ người Hoa, người Xiêm, Mã Lai cho đến các thương nhân châu Âu - đã đến sinh sống, lập nghiệp tại đây. Từ đó, hình thành nên một không gian văn hóa đa sắc tộc, đa tôn giáo. Các công trình kiến trúc, đình chùa, nhà thờ, đền miếu mang phong cách giao thoa giữa Á và Âu hiện vẫn còn dấu tích trong quần thể di tích Phố Hiến ngày nay.
Sự thịnh vượng ấy khiến Phố Hiến được mệnh danh là “tiểu Tràng An” - một Thăng Long thu nhỏ của thời kỳ hoàng kim. Nếu Kinh kỳ có 36 phố phường nổi danh, thì Phố Hiến từng có tới hơn 20 phường thị sầm uất với những tên gọi lưu truyền như: Tân Thị, Tiên Miếu, Hậu Trường... Những con phố ấy không chỉ là nơi buôn bán, mà còn là linh hồn của một đô thị từng vang danh khắp chốn.Lật những trang sử của Phố Hiến xưa, nơi đây đã là thương cảng sầm uất, đón những đoàn tàu buôn từ phương Tây, từ phương Đông tấp nập cập bến. Từng là trung tâm thương mại lớn thứ hai cả nước, Phố Hiến không chỉ phát triển kinh tế, mà còn lưu giữ tinh hoa văn hóa đa sắc tộc - từ kiến trúc, tín ngưỡng đến phong tục. Chính từ mảnh đất "địa linh nhân kiệt" này, những di sản như chùa Chuông, đền Mẫu, Văn miếu Xích Đằng... đã trường tồn cùng thời gian và trở thành biểu tượng bản sắc văn hóa đặc sắc của vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Không chỉ có chiều sâu lịch sử, thành phố Hưng Yên còn sở hữu vị trí địa lý thuận lợi. Nằm ở trung tâm tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, lại gần kề với Thủ đô Hà Nội, thành phố này dễ dàng kết nối với các đô thị lớn trong khu vực thông qua hệ thống giao thông huyết mạch: QL38, QL39, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, cùng các cây cầu chiến lược như Yên Lệnh, Hưng Hà, Triều Dương…
Không dừng lại ở đó, những tuyến đường đã, đang và sẽ được mở như tuyến đường kết nối di sản văn hóa du lịch và phát triển kinh tế dọc sông Hồng (dự kiến khởi công vào giữa năm nay), hay tuyến giao thông kết nối Hưng Yên - Thái Bình sẽ tiếp tục “mở khóa” tiềm năng tăng trưởng đa chiều cho khu vực.
Trong vài thập kỷ trở lại đây, thành phố Hưng Yên đã có bước “lột xác” mạnh mẽ, từ một thị xã nhỏ sau ngày tái lập tỉnh (1997), đến nay, thành phố đã đạt chuẩn đô thị loại III và đang nỗ lực về đích loại II vào năm 2025. Kinh tế tăng trưởng bền vững, nhiều năm liền duy trì mức trên 10%/năm. Tỉ lệ đô thị hóa đạt gần 53% - một con số ấn tượng so với mặt bằng các đô thị khu vực miền Bắc.
Cùng với phát triển hạ tầng là sự gia tăng mạnh mẽ về các hoạt động thương mại, dịch vụ, giáo dục và y tế. Một thành phố đáng sống đang thành hình - nơi hiện đại gắn liền với bản sắc văn hóa lâu đời, nơi con người được đặt ở vị trí trung tâm của phát triển.
Mới đây, UBND tỉnh đã trình Thủ tướng Chính phủ đề án "Xây dựng và phục dựng Phố Hiến cổ" với tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 47 nghìn tỷ đồng. Dự án được triển khai trong giai đoạn 2025-2035, trên diện tích hơn 1.700 héc-ta thuộc thành phố Hưng Yên. Phạm vi thực hiện bao gồm các phường Minh Khai, Hiến Nam, Lam Sơn, Hồng Châu và các xã Quảng Châu, Hoàng Hanh, Tân Hưng.Mục tiêu của dự án không chỉ là bảo tồn hệ thống di tích hiện có như đình, đền, chùa, nhà thờ cổ... mà còn phục dựng không gian đô thị cổ, tái hiện diện mạo Phố Hiến - một trung tâm giao thương quốc tế từng đón thương nhân từ 12 quốc gia. Các công trình biểu tượng như thương cảng Xích Đằng, những khu nhà cổ và kiến trúc mang phong cách giao thoa Đông - Tây sẽ được phục dựng, tạo nên sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại trong không gian đô thị.
Trong dòng chảy lịch sử của dân tộc, có những vùng đất không chỉ được nhắc đến bằng bản đồ, mà còn bằng niềm tự hào và cảm xúc. Phố Hiến - thành phố Hưng Yên hôm nay - chính là một vùng đất như thế. Từ chốn đô hội cổ kính rực rỡ bên dòng sông Hồng năm xưa, đến một đô thị trẻ đang trỗi dậy mạnh mẽ giữa thời kỳ đổi mới hôm nay. Và nơi đây chưa bao giờ ngừng viết tiếp giấc mơ của mình.