Cuộc sống mới của đồng bào ở xã biên giới Ia Mơ

Những ngày này, vẫn là những cung đường quen thuộc với những ai từng đi qua, nhưng đến với vùng biên giới Gia Lai, cảm giác về những con đường heo hút, bụi mù đã không còn nữa. Thay vào đó là những con đường bê tông hóa trải dài tít tắp bên những cánh rừng cao su xanh thẳm, căng tràn sức sống - một luồng sinh khí mới đang hiện hữu nơi đây.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia Lốp giúp người dân phát triển mô hình trồng lúa nước. Ảnh: Ái Vân

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia Lốp giúp người dân phát triển mô hình trồng lúa nước. Ảnh: Ái Vân

Gia Lai là tỉnh thuộc khu vực Bắc Tây Nguyên, vùng đất giàu truyền thống cách mạng. Đóng vai trò là cửa ngõ giao thương kinh tế, văn hóa, xã hội với các tỉnh duyên hải miền Trung, Đông Nam Bộ và với các nước trong vùng Tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia, Gia Lai hội tụ đầy đủ thế và lực để bứt phá vươn lên. Là nơi sinh sống của cộng đồng các dân tộc anh em, Gia Lai được xem như mảnh đất chứa đựng sức sống mãnh liệt của văn hóa đa sắc màu. Trải qua bao biến thiên của thời gian, thăng trầm cùng lịch sử dân tộc, mảnh đất này đã kiến tạo nên những giá trị lớn lao, bền vững.

Đến thăm làng Ring thuộc xã biên giới Ia Mơ, huyện Chư Prông - ngôi làng được thành lập năm 2005 bởi các thanh niên tình nguyện từ nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh đến lập nghiệp, có thể cảm nhận được không khí lao động khẩn trương, nhộn nhịp. Trên khắp cánh đồng, bà con đang tất bật làm đất, cày cấy, chuẩn bị cho vụ mùa mới. Ai nấy đều hối hả hoàn tất công việc với tinh thần phấn chấn.

Anh Nguyễn Văn Toàn, Bí thư Chi bộ làng Ring, một trong những người đầu tiên gắn bó với vùng đất này từ ngày đầu lập làng, cho biết: “Khi chúng tôi tham gia dự án lập nghiệp ở đây, mỗi người được cấp 1.000m² đất ở, 4 sào ruộng lúa nước và 1,8ha đất sản xuất. Ngày đầu lên lập nghiệp, với sức trẻ và quyết tâm cao, chúng tôi xác định rõ mục tiêu là cùng người dân bản địa bảo vệ biên giới quốc gia. Tôi cũng đã xác định tư tưởng rằng, nơi đây là quê hương mới, chúng tôi sẽ đoàn kết, chung tay xây dựng quê hương”.

Ngày nay, nhiều hộ dân ở làng Ring đã có kinh tế khá giả. Có hộ xây được nhà mới, có người mua xe ô tô, có người đi lên từ hai bàn tay trắng như chị Đàm Thị Ninh, Phó Bí thư Chi bộ làng Ring, một phụ nữ tảo tần, tháo vát. Sau 20 năm lập nghiệp, gia đình chị đã xây dựng được cơ ngơi khiến nhiều người mơ ước. Chị chia sẻ: “Hai vợ chồng lên đây là một quyết định đúng đắn, tôi rất hài lòng. Nếu được ước một điều, dù là trước đây hay sau này, nếu thời gian quay trở lại, tôi vẫn chọn đi theo tiếng gọi của Đảng, không hề hối hận”.

Làng Ring hôm nay không còn là mảnh đất heo hút, mờ xa của Gia Lai như những năm trước mà đã vươn mình trở thành điểm sáng nơi miền biên viễn. Với những ngôi nhà mới khang trang, những cánh đồng bát ngát, rộn ràng các chuyến hàng nông sản nối liền với huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk, vùng đất này thực sự đã "thay da đổi thịt". Thật vậy, “đất lành chim đậu”, biên giới bình yên, an ninh chính trị được bảo đảm đã mở ra cơ hội cho các nhà đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho lao động địa phương.

Các "thầy giáo quân hàm xanh" mang con chữ đến với bà con. Ảnh: Ái Vân

Các "thầy giáo quân hàm xanh" mang con chữ đến với bà con. Ảnh: Ái Vân

Khác với làng Ring, cụm dân cư Suối Khôn từng là “nút thắt” tồn tại nhiều năm do chưa được xếp vào đơn vị hành chính, bởi tập quán sản xuất du canh, du cư truyền thống. Bắt đầu từ một nhóm hộ người Jrai thuộc xã Ia Pia (một xã vùng đệm trên tuyến biên giới huyện Chư Prông) ra phát nương làm rẫy, dần dần hình thành nên cộng đồng dân cư. Người dân tuy có hộ khẩu ở xã Ia Pia nhưng lại sinh sống trên đất xã Ia Mơ, khiến công tác quản lý nhân khẩu gặp nhiều khó khăn. Tháng 3/2022, Tỉnh ủy Gia Lai đã chỉ đạo hoàn tất thủ tục thành lập thôn, làng Suối Khôn thuộc xã Ia Mơ, giúp bà con yên tâm ổn định cuộc sống. Niềm vui vỡ òa với hơn 100 hộ dân tại cụm Suối Khôn. Nút thắt được tháo gỡ, bản đồ dân cư bên núi Ia Mơ được quy hoạch lại, đây là tiền đề quan trọng để xã Ia Mơ từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng, xây dựng vùng nông thôn biên giới phát triển bền vững.

Đồng hành cùng người dân làng Ring và làng Suối Khôn là các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia Lốp, BĐBP Gia Lai - những người không quản ngại gian khổ, sẵn sàng “ba cùng” với dân: Cùng ăn, cùng ở, cùng làm. Họ giúp người dân phát triển các mô hình kinh tế lâu dài như trồng lúa nước... Từ lòng kiên trì, tình yêu thương và tinh thần trách nhiệm, những người lính Biên phòng đã trở thành chỗ dựa vững chắc, giúp người dân tin tưởng vào chủ trương của Đảng, cùng nhau bám đất, bám làng, xây dựng cuộc sống mới. Bên cạnh đó, Đồn Biên phòng Ia Lốp còn tích cực tuyên truyền, vận động bà con thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, không nghe theo kẻ xấu xúi giục, gây mất an ninh trật tự tại địa phương.

Trên tuyến biên giới Ia Mơ, đồng hành với những người lính Biên phòng còn có những “cột mốc sống”, chính là người dân luôn sát cánh cùng BĐBP, cấp ủy, chính quyền địa phương trong quản lý, bảo vệ biên giới, đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, ngăn chặn các hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép. Họ là “tai mắt” của lực lượng Biên phòng.

Con đường dẫn vào làng Ring, làng Suối Khôn đã in đậm dấu chân những người lính Biên phòng. Tại đây, Đồn Biên phòng Ia Lốp luôn duy trì 2 tổ công tác địa bàn, đưa cán bộ, đảng viên, quân y xuống sinh sống, làm việc cùng bà con. Sự quan tâm, hỗ trợ từ các cán bộ, chiến sĩ Biên phòng đã giúp nhân dân cơ bản giải quyết các vấn đề về an ninh trật tự, chăm sóc sức khỏe, khắc phục hậu quả thiên tai...

Làng Ring và làng Suối Khôn giờ đây đã trở thành quê hương thứ hai của nhiều thanh niên, nhiều gia đình chọn nơi đây để lập nghiệp. Mảnh đất biên cương yêu dấu của Tổ quốc đã kết tinh những “trái ngọt” - tạo nên mối lương duyên tình nghĩa vợ chồng cho bao đôi lứa, cùng nhau dựng xây cuộc sống bình yên, bền vững.

Ái Vân

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/cuoc-song-moi-cua-dong-bao-o-xa-bien-gioi-ia-mo-post490341.html
Zalo