Yên Bái: Nhiều giải pháp đa dạng hóa sinh kế cho hộ nghèo
Năm 2025, tỉnh Yên Bái tiếp tục xây dựng nhiều giải pháp đa dạng hóa sinh kế, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, hỗ trợ phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.
![Chế biến măng tre Bát Độ góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nhiều hộ nghèo trên địa bàn huyện Trấn Yên](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_608_51477287/e0ee5d596f178649df06.jpg)
Chế biến măng tre Bát Độ góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nhiều hộ nghèo trên địa bàn huyện Trấn Yên
Trong đó, tỉnh tập trung tăng cường đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, góp phần nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nhằm tạo việc làm, nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững. Năm 2025, toàn tỉnh phấn đấu đào tạo nghề cho 1.220 người; tư vấn, định hướng nghề nghiệp, giới thiệu việc làm cho 10.000 người; giải quyết việc làm cho 1.930 người; chuyển dịch 555 lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp, xuất khẩu lao động cho 200 người trở lên.
Đẩy nhanh tiến độ và nâng cao hiệu quả triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án về phát triển sản xuất thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia và các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu nông nghiệp nông thôn; tăng cường đào tạo nghề cho lao động nông thôn và chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp để giải quyết việc làm, nâng cao năng suất, thu nhập cho người lao động trên địa bàn tỉnh, nhất là lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Dự kiến năm 2025, có khoảng 6.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ từ các dự án phát triển sản xuất nông nghiệp thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
Tiếp tục bổ sung nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương để thực hiện cho vay các chương trình tín dụng ưu đãi qua hệ thống Ngân hàng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh để hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và hộ có khó khăn về việc làm.
Tổ chức thực hiện có hiệu quả chính sách tín dụng ưu đãi trên địa bàn, gắn việc cung cấp tín dụng ưu đãi với hướng dẫn cách làm kinh tế, đào tạo nghề, khuyến nông, khuyến công và chuyển giao tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Năm 2025, sẽ có khoảng 5.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất.
Xây dựng, nhân rộng các mô hình, dự án tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, thương mại, du lịch có sự tham gia của các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tế của từng địa phương, bảo đảm phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo thuận lợi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, dịch vụ, du lịch.
Hỗ trợ các mô hình sản xuất kinh doanh có sự tham gia của hộ nghèo, cận nghèo; tăng cường liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm giữa hộ nghèo, hộ cận nghèo với doanh nghiệp thông qua các tổ chức hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ tiết kiệm và vay vốn; hỗ trợ thông tin thị trường và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Qua đó, góp phần mở rộng sinh kế, cải thiện thu nhập cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo.