Xuất khẩu sầu riêng gặp khó: Chính phủ ra Công điện yêu cầu hành động đồng bộ, quyết liệt

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Công điện số 71 ngày 23/5 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu sầu riêng bền vững.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, 24 địa phương giải quyết các vấn đề về sản xuất và xuất khẩu sầu riêng.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, 24 địa phương giải quyết các vấn đề về sản xuất và xuất khẩu sầu riêng.

Theo đó, Công điện gửi tới Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Công an và 24 tỉnh, thành phố có trồng sầu riêng, nêu rõ nguyên nhân chính khiến xuất khẩu sầu riêng gặp khó khăn là do nhiều quốc gia siết chặt kiểm soát dư lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Thêm vào đó, biến đổi khí hậu và tình trạng phát triển nóng diện tích trồng sầu riêng đã khiến thị trường bị mất cân đối cung – cầu, giá trị gia tăng giảm sút, nông dân và doanh nghiệp gặp thiệt hại.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Môi trường tập trung tái cơ cấu ngành hàng, kiểm soát diện tích trồng mới, duy trì hợp lý các vùng trồng hiệu quả và phát triển sản phẩm chế biến sâu, đông lạnh để giảm phụ thuộc vào xuất khẩu quả tươi. Đồng thời, cần rà soát, hoàn thiện quy định về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói và hướng dẫn quy trình sản xuất sầu riêng an toàn, bền vững – hạn chót là quý III/2025.

Đáng chú ý, Thủ tướng yêu cầu làm việc với Tổng cục Hải quan Trung Quốc để thống nhất quy trình kiểm tra thông quan, tạo điều kiện thông thoáng cho sầu riêng Việt Nam vào thị trường lớn này. Bộ Công Thương được giao phát triển thương hiệu quốc gia cho sầu riêng Việt Nam, mở rộng kênh tiêu thụ hiện đại, tăng cường xúc tiến thương mại.

Bộ Công an được yêu cầu xử lý nghiêm các hành vi gian lận mã số vùng trồng, làm giả hồ sơ xuất khẩu, đảm bảo an ninh chuỗi cung ứng và ngăn chặn tình trạng thao túng thị trường. Trong khi đó, Bộ Tài chính chỉ đạo hải quan ưu tiên làm thủ tục thông quan nhanh cho sầu riêng trong thời gian cao điểm thu hoạch.

Chủ tịch UBND các tỉnh có trồng sầu riêng được giao trách nhiệm giám sát diện tích trồng mới, tổ chức sản xuất đúng quy định, tăng cường kiểm tra các cơ sở đóng gói, giám sát chuỗi cung ứng, truy xuất nguồn gốc và đảm bảo an toàn thực phẩm.

Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, đến năm 2024, Việt Nam đã có gần 180.000 ha sầu riêng, sản lượng ước đạt 1,5 triệu tấn và kim ngạch xuất khẩu gần 3,2 tỷ USD, chiếm 47% tổng giá trị xuất khẩu rau quả. Tuy nhiên, để giữ vững và mở rộng thị trường, việc phát triển sầu riêng cần được đặt trong khuôn khổ bài bản, kiểm soát chặt chẽ và hướng đến sự bền vững lâu dài.

Hà Long

Nguồn Bảo Vệ Công Lý: https://baove.congly.vn/xuat-khau-sau-rieng-gap-kho-chinh-phu-ra-cong-dien-yeu-cau-hanh-dong-dong-bo-quyet-liet-479907.html
Zalo