Thổi hồn cho mảnh vải vụn từ đôi tay người khuyết tật

Ở Đà Nẵng, có một xưởng nhỏ nơi những mảnh vải bỏ đi được chắp vá bằng đôi tay những phụ nữ khuyết tật và trở thành những vật dụng hữu ích. Tại đây, vải vụn không chỉ trở thành túi xách, áo quần, đồ trang trí, bao tay... mà còn được thổi hồn thành những câu chuyện chuyển mình cho vật liệu bỏ đi và người làm ra chúng.

Xưởng may đặc biệt ấy là một phần của Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ hòa nhập cộng đồng (CORMIS), một tổ chức phi lợi nhuận ra đời từ năm 2018, với mục tiêu tái chế vải vụn và tạo việc làm cho người khuyết tật, phụ nữ yếu thế ở miền Trung.

Rác vải không còn là đồ bỏ đi

Hằng ngày, từ các khách sạn, nhà máy dệt, xưởng may ở Đà Nẵng và vùng lân cận, vải thừa thải ra môi trường rất nhiều. Trong khi đó, tại địa phương có nhiều người khuyết tật không thể di chuyển hoặc thiếu tay nghề, nhưng họ hoàn toàn có thể làm việc nếu có mô hình phù hợp.

Từ thực tế đó, CORMIS đã kết hợp vấn đề xã hội và môi trường thành một hướng đi sáng tạo: tái chế rác thải vải thành sản phẩm hữu ích đồng thời tạo việc làm cho người khuyết tật. Chị Mai Thị Dung, Giám đốc CORMIS, chia sẻ “Thay vì để chúng trở thành rác, tại sao không biến chúng thành công cụ trao quyền?”.

Một thành viên tại Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ Hòa nhập Cộng đồng tại Đà Nẵng đang "biến" rác thải vải thành những sản phẩm lưu niệm. Ảnh: Cáp Kim - Thùy Duyên

Một thành viên tại Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ Hòa nhập Cộng đồng tại Đà Nẵng đang "biến" rác thải vải thành những sản phẩm lưu niệm. Ảnh: Cáp Kim - Thùy Duyên

Cứ như vậy, dưới bàn tay khéo léo của những người thợ đặc biệt, từng mảnh vải thừa được thu gom, phân loại và cắt may, ghép nối thành balo, túi xách, tạp dề, phụ kiện, đồ trang trí, bao tay... Những sản phẩm này vừa có tính thẩm mỹ cao, vừa thân thiện với môi trường.

Đặc biệt, nhiều sản phẩm còn mang đậm dấu ấn Đà Nẵng như hình ảnh voọc chà vá chân nâu, cầu sông Hàn, vừa tạo điểm nhấn văn hóa, vừa giúp lan tỏa hình ảnh địa phương qua những món quà lưu niệm nhỏ xinh.

Dự án không chỉ giúp xử lý hàng tấn vải vụn vốn khó phân hủy, mà còn mở ra sinh kế cho hàng chục người khuyết tật. Khởi đầu chỉ với 6-7 thành viên tại Đà Nẵng, mạng lưới giờ đây đã vươn rộng đến nhiều tỉnh thành như Quảng Nam, Huế, Gia Lai, Quảng Trị, thông qua việc hình thành các nhóm nòng cốt tại địa phương.

Hiện CORMIS đang kết hợp các tour du lịch cộng đồng để đưa du khách quốc tế đến trải nghiệm, tham gia vào quá trình tái chế, hiểu hơn về hành trình sống và làm việc của những người yếu thế. Họ kỳ vọng, những trải nghiệm ấy sẽ nhân lên sự thấu cảm – điều quan trọng hơn cả một món hàng.

Chị Adelle, đến từ Canada, từng tham gia một buổi trải nghiệm tái chế vải tại xưởng, chia sẻ “Hôm nay là lần đầu tôi đến đây và thật sự ấn tượng. Không gian rất thân thiện, con người tuyệt vời. Các giáo viên cực kỳ kiên nhẫn và tốt bụng, dù tôi khá vụng về trong việc thêu thùa. Tôi cảm thấy mình được chào đón và thực sự kết nối”.

Một du khách quốc tế trải nghiểm làm vật lưu niệm từ rác thải vải. Ảnh: Cáp Kim - Thùy Duyên

Một du khách quốc tế trải nghiểm làm vật lưu niệm từ rác thải vải. Ảnh: Cáp Kim - Thùy Duyên

Được may vá và được tự chủ

Sau 7 năm hoạt động, thành quả lớn lao nhất của dự án không chỉ là hàng tấn vải vụn được tái chế hay những sản phẩm đẹp mắt được tiêu thụ, mà điều ý nghĩa hơn cả là một nhóm người khuyết tật đã trở nên tự tin, có thu nhập ổn định từ 7 đến 12 triệu đồng mỗi tháng, và có thể tự chủ cuộc sống và cảm thấy cuộc đời mình có ý nghĩa hơn khi góp phần bảo vệ môi trường.

Chị Mỹ Trinh, đã làm việc tại CORMIS 4 năm, cho biết công việc ở đây ổn định, phù hợp với sức khỏe và khả năng của chị. Thu nhập từ công việc là nguồn chính, và chị cảm thấy thoải mái với môi trường làm việc.

Tuy nhiên, trước khi dự án được nhiều người tham gia như hiện nay, khó khăn lớn nhất mà chị Dung và những thành viên tại trung tâm gặp phải chính là thay đổi tư duy của những người khuyết tật. Do những khiếm khuyết của bản thân, nhiều người trong số họ thường tự giới hạn bản thân, cho rằng với tình trạng sức khỏe của mình thì không thể làm được gì hơn.

Việc giúp họ tin vào khả năng của chính mình, theo đuổi những tiêu chuẩn chất lượng nghiêm ngặt và cạnh tranh công bằng trên thị trường như bất kỳ ai khác là một quá trình dài, đòi hỏi sự kiên nhẫn vô bờ. Chị Dung cho hay “Mình muốn người khuyết tật được làm việc và bán sản phẩm như người bình thường, không vì thương hại mà vì chất lượng”.

Nhiều sản phẩm vải tái chế đa dạng được tạo ra bởi bàn tay của những người khuyết tật. Ảnh: Cáp Kim - Thùy Duyên

Nhiều sản phẩm vải tái chế đa dạng được tạo ra bởi bàn tay của những người khuyết tật. Ảnh: Cáp Kim - Thùy Duyên

Chị Trần Mỹ Quyên, chủ một công ty du lịch từng gắn bó với CORMIS, chia sẻ “Tôi không chọn bán sản phẩm, tôi kể câu chuyện về chúng.” Với chị, mỗi món đồ là một hành trình nghị lực – nơi những người khuyết tật vượt qua khó khăn để tạo nên sản phẩm không chỉ đẹp mắt mà còn chất chứa giá trị tinh thần sâu sắc. Chị mong rằng công chúng sẽ không chỉ nhìn thấy sản phẩm, mà còn cảm nhận được sức mạnh và ý nghĩa ẩn sau từng đường kim, mũi chỉ.

Không chỉ tạo việc làm, mô hình này còn hướng đến mục tiêu giáo dục cộng đồng về việc nâng cao nhận thức về giảm thiểu rác thải, thay đổi hành vi từ gốc. Đó là lý do vì sao chị Dung không hề lo sợ "hết rác để tái chế". Bởi lẽ, nếu một ngày xã hội không còn rác thải, đó là lúc họ sẽ chuyển sang giải quyết những vấn đề khác của cộng đồng, điều mà chị tin rằng vẫn còn rất nhiều.

Cáp Kim Thùy Duyên

Nguồn Sài Gòn Tiếp Thị: https://sgtt.thesaigontimes.vn/thoi-hon-cho-manh-vai-vun-tu-doi-tay-nguoi-khuyet-tat/
Zalo