Bộ trưởng Đỗ Đức Duy: Gian lận mã số vùng trồng sầu riêng là 'vi phạm hình sự'
Bộ trưởng Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy cho rằng, việc cố tình gian lận mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói là 'vi phạm hình sự'.
Ngày 24-5, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) Đỗ Đức Duy cùng đoàn công tác đã đến khảo sát một số vùng trồng sầu riêng tại huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk.
Nông dân và doanh nghiệp cần “chung thủy” khi liên kết
Tại buổi khảo sát, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho rằng, sầu riêng là sản phẩm xuất khẩu mang thương hiệu quốc gia, mang lại giá trị kinh tế cao. Vì vậy, bà con nông dân cần tự hào và tuân thủ nghiêm các quy trình, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để gia tăng giá trị sản phẩm.

Bộ trưởng Bộ NN&MT Đỗ Đức Duy (ở giữa) khảo sát vùng trồng sầu riêng ở Đắk Lắk. Ảnh: T.T
Theo Bộ trưởng Đỗ Đức Duy, Đắk Lắk là vùng trồng sầu riêng lớn của nước ta. Tuy nhiên, chuỗi liên kết trong ngành hàng này tại Đắk Lắk chưa thực sự tốt.
Vì vậy, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy yêu cầu bà con nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp, nhà khoa học, cơ quan quản lý của nhà nước của Đắk Lắk cùng vào cuộc, chung sức đồng lòng, tạo nên chuỗi liên kết chặt chẽ, bền vững trong ngành hàng sầu riêng.
“Nông dân, doanh nghiệp phải “chung thủy” với mối liên kết, hỗ trợ nhau cả khi khó khăn lẫn khi thuận lợi. Không phải khi thị trường xấu đi thì doanh nghiệp quay lưng, còn khi thị trường tốt hơn thì nông dân tìm đầu ra khác. Chỉ có như vậy mới nâng cao giá trị ngành hàng sầu riêng”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho rằng, khi liên kết, doanh nghiệp cần hỗ trợ người dân về kĩ thuật, giải pháp để được cấp mã số vùng trồng…
Đồng thời, cơ quan quản lý Nhà nước cùng doanh nghiệp cần hướng nông dân đến tâm thế sản xuất để xuất khẩu, và phải xuất khẩu được ở những thị trường khó tính nhất, bảo đảm đầu ra với một khung giá ổn định, chỉ khi nào có biến động của thị trường mới thay đổi. Như vậy, nông dân mới yên tâm sản xuất, doanh nghiệp cũng an tâm khi đầu tư.
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho rằng, một số nước trên thế giới thường có vùng chuyên canh, thâm canh lớn chứ không phải quãng canh, xen canh. Vì vậy, Đắk Lắk cũng cần nghiên cứu, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí đầu vào để người nông dân được hưởng lợi nhiều nhất.

Một kho hàng sầu riêng ở Đắk Lắk. Ảnh: N.N
“Quỹ đất sẽ ngày càng hạn chế. Địa phương phải tính toán, hỗ trợ bà con nâng cao giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập trên một diện tích đất sản xuất. Không thể chạy theo việc có 1 ha sầu riêng thì mỗi năm thu về 1 tỉ đồng, có 2 ha thì thu về 2 tỉ đồng. Chúng ta phải tìm cách làm sao 1 ha đất thu được 2 tỉ đồng”, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy ví dụ.
Gian lận mã số vùng trồng là tội phạm
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho rằng để tạo dòng chảy thông suốt, an toàn, thuận lợi khi xuất khẩu sầu riêng, đầu tiên phải nói không với việc trà trộn, lợi dụng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy yêu cầu Đắk Lắk nghiên cứu, xây dựng chuỗi liên kết ngành hàng sầu riêng. Ảnh: T.T
Bộ trưởng cho rằng, hiện 90% sản phẩm sầu riêng Việt Nam được xuất khẩu sang Trung Quốc. Đây là một thuận lợi vì chúng ta có thị trường truyền thống nhưng cũng là thách thức vì chưa đa dạng được thị trường xuất khẩu.
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho biết, bộ đang phối hợp với các cơ quan chuyên môn, hướng nông sản Việt Nam xuất khẩu đến các thị trường tiềm năng khác để giảm thiểu rủi ro khi thị trường chính có biến động bất lợi.
Theo Bộ trưởng Đỗ Đức Duy, ngoài việc Trung Quốc tăng cường kiểm dịch các tiêu chí về Cadimi, tỉ lệ vàng O, hiện nay sầu riêng Việt Nam còn gặp khó khăn khác vì chịu sự cạnh tranh của sầu riêng nhiều nước khác. Đồng thời, diện tích sầu riêng của Việt Nam cũng tăng lên đáng kể, tạo áp lực rất lớn khi tiêu thụ.
Thời gian qua, Bộ NN&MT đã chủ động triển khai các giải pháp cho ngành hàng sầu riêng.
Nhận diện các khó khăn trong tình hình hiện nay, Bộ NN&MT đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo rà soát, kiểm tra chất lượng sầu riêng từ vườn trồng cho tới quá trình thu mua, đóng gói, bảo quản, xuất khẩu ngành hàng sầu riêng.
Theo lời Bộ trưởng Đỗ Đức Duy, việc cố tình gian lận mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói là vi phạm hình sự. Vì vậy, Bộ NN&MT đã phối hợp với lực lượng công an để kiểm tra, rà soát và có biện pháp xử lý nghiêm.
Ngoài ra, Bộ NN&MT đề xuất Chính phủ hỗ trợ, hình thành chuỗi liên kết, chế biến sâu, bảo quản lạnh nhằm đa dạng sản phẩm sầu riêng, gia tăng giá trị, giảm áp lực khi sầu riêng vào chính vụ.
Bộ trưởng nói thêm, hiện bộ đã trao đổi với Tổng cục Hải quan Trung Quốc để làm việc, thống nhất bộ quy chuẩn lấy mẫu trên trái sầu riêng để kiểm nghiệm. Việc này nhằm hạn chế tối đa tình trạng khi trái sầu riêng kiểm nghiệm ở Việt Nam đạt tiêu chuẩn nhưng Trung Quốc kiểm nghiệm lại không đạt.
“Thời gian qua, vẫn có doanh nghiệp thiếu hàng và lấy nơi khác về. Bộ đang phối hợp ngành công an, tăng cường kiểm tra, xử lý việc gian lận mã số vùng trồng, sử dụng chất cấm khi sản xuất sầu riêng. Để xuất khẩu sầu riêng thông suốt, an toàn, chúng ta phải lành mạnh hóa, đa dạng chuỗi sản phẩm về sầu riêng”, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nói.