Xuất khẩu 3 nhóm hàng chủ lực cùng đi xuống, công nghiệp chế biến giảm 3,4%

Ngành Công Thương luôn kiên định chiến lược đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, đa dạng hóa ngành hàng và sản phẩm; lấy khoa học công nghệ làm đòn bẩy, nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng.

Xuất nhập khẩu hàng hóa qua cảng Hải phòng. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Xuất nhập khẩu hàng hóa qua cảng Hải phòng. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Do số ngày làm việc của tháng 01/2025 ít hơn tháng 01/2024 nên kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa tháng 01/2025 so với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước đều giảm.

7 mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD

Theo đại diện Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 01/2025 đạt 33,09 tỷ USD, giảm 6,9% so với tháng trước, trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 9,49 tỷ USD, giảm 11,2% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 23,6 tỷ USD, giảm 5,0%.

Thống kê cho thấy, trong tháng 01/2025 có 7 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 67,9% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Về cơ cấu hàng hóa xuất khẩu, đại diện Bộ Công Thương thông tin, xuất khẩu giảm đều ở cả 3 nhóm hàng, cụ thể, nhóm nông lâm thủy sản giảm 8,7%; nhóm công nghiệp chế biến giảm 3,4% và nhiên liệu và khoáng sản giảm nhiều nhất, tới 35,5% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù vậy, một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực tăng trưởng cao ở mức hai con số (như sản phẩm từ sắt thép tăng 14,1%; Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 13,3%).

Đại diện Bộ Công Thương cho biết xuất khẩu sang Mỹ trong tháng đầu năm ước đạt 10 tỷ USD, giảm 2,1% so với cùng kỳ năm 2024. Tuy vậy, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam và là thị trường xuất khẩu chủ lực duy nhất đạt tốc độ tăng trưởng cao (đạt 4,6 tỷ USD, tăng tới 25,2% so với cùng kỳ năm trước) trong bối cảnh kim ngạch xuất khẩu tới các thị trường chủ lực khác đều giảm. Xuất khẩu sang các thị trường như EU, ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc lần lượt giảm là: 12,6%; 14%; 8,9%; 6,9%.

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 01/2025 đạt 30,06 tỷ USD, giảm 14,1% so với tháng trước, trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 10,89 tỷ USD, giảm 22,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 19,17 tỷ USD, giảm 8,7%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 01/2025 giảm 2,6%, trong đó khu vực kinh tế trong nước giảm 3,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 2,2%.

 Chế biến thủy sản xuất khẩu. (Ảnh: TTXVN)

Chế biến thủy sản xuất khẩu. (Ảnh: TTXVN)

Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu tháng 01/2025, nhóm hàng cần nhập khẩu ước đạt 26,87 tỷ USD, chiếm 89% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của cả nước; nhóm hàng cần kiểm soát nhập khẩu ước đạt 1,5 tỷ USD, chiếm 5% tổng kim ngạch nhập khẩu.

Về thị trường nhập khẩu hàng hóa tháng 01/2025, Trung Quốc là thị trường cung cấp hàng hóa lớn nhất cho Việt Nam với kim ngạch ước đạt 11,6 tỷ USD, giảm 2,2% so với cùng kỳ năm 2024 và chiếm 38,6% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của cả nước.

Với kết quả trên, cán cân thương mại hàng hóa tháng 01/2025 ước tính xuất siêu 3,03 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 3,7 tỷ USD), trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 1,4 tỷ USD còn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 4,43 tỷ USD.

Tập trung khơi thông thị trường

Để đạt tăng trưởng cao trong các tháng tới cũng như đóng góp tích cực cho GDP, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu.

Theo đó, Bộ Công Thương tiếp tục tập trung hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA để đẩy mạnh xuất khẩu, thông qua tuyên truyền về quy tắc xuất xứ, các cơ hội và cách thức tận dụng cơ hội từ các Hiệp định. Cùng với đó, Bộ cũng tăng cường các hoạt động cung cấp thông tin thị trường trên nền tảng số cho các địa phương, Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp.

Đối với công tác xúc tiến thương mại, Bộ đã yêu cầu các đơn vị chức năng hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại tập trung, quy mô lớn, mang tính liên kết vùng cho sản phẩm, ngành hàng có thế mạnh của vùng tại các thị trường mục tiêu, đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ để nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng trong sản phẩm xuất khẩu…

 Doanh nghiệp áp dụng công nghệ, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Doanh nghiệp áp dụng công nghệ, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Trước diễn biến phức tạp của tình hình thị trường thế giới, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các Vụ thị trường nước ngoài, hệ thống các Thương vụ Việt Nam theo dõi sát, nắm bắt thông tin diễn biến tình hình thị trường, biến động về kinh tế, chính trị, chính sách trong khu vực và trên thế giới ảnh hưởng tới thương mại với Việt Nam để kịp thời tham mưu cho Chính phủ các phản ứng chính sách phù hợp, đồng thời chủ động xây dựng các kịch bản và phương án ứng xử khi căng thẳng thương mại toàn cầu leo thang.

Đặc biệt là triển khai mạnh mẽ chiến lược đa dạng hóa thị trường xuất khẩu tới các thị trường tiềm năng, thông qua việc nghiên cứu, phổ biến thông tin, cơ hội thị trường tới các doanh nghiệp, đề xuất đàm phán các Hiệp định thương mại tự do mới với các thị trường có nhiều tiềm năng, tăng cường công tác xúc tiến thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường này.

“Ngành Công Thương luôn kiên định chiến lược đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, đa dạng hóa ngành hàng và sản phẩm; lấy khoa học công nghệ làm đòn bẩy, nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng, hàm lượng cộng nghệ của sản phẩm được sản xuất, chế biến tại Việt Nam là mục tiêu, cùng đó là tận dụng những lợi thế sẵn có của Việt Nam, để từng bước nâng cao vai trò và vị thế của Việt Nam chuỗi cung ứng của thế giới cũng như trên thị trường quốc tế,” đại diện Vụ thị trường châu Âu-châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho hay./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/xuat-khau-3-nhom-hang-chu-luc-cung-di-xuong-cong-nghiep-che-bien-giam-34-post1012390.vnp
Zalo