Cân nhắc khi đánh thuế từ lãi tiền gửi tiết kiệm

Góp ý Dự thảo đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế) của Bộ Tài chính, UBND TP Cần Thơ cho rằng nên nghiên cứu, mở rộng cơ sở thuế. Theo đó, tỉnh này đề xuất lãi tiền gửi tiết kiệm chỉ nên miễn thuế thu nhập cá nhân với quy mô tiết kiệm nhỏ.

Hiện nay, cá nhân có các khoản lãi tiền gửi nhận được từ các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang được miễn thuế. Đây là các khoản tiền gửi dưới các hình thức không hoặc có kỳ hạn, gửi tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và các khoản khác theo nguyên tắc hoàn trả đầy đủ gốc, lãi.

Theo quy định hiện nay, chỉ thu nhập từ lãi tiền gửi của công ty, doanh nghiệp (DN) mới bị tính thuế thu nhập DN. Bộ Tài chính cho biết, định hướng điều chỉnh chính sách thuế hiện nay nhằm đảm bảo nguồn thu bền vững, hạn chế tối đa việc lồng ghép chính sách xã hội trong các sắc thuế. Tuy nhiên, cơ quan này chưa đưa ra phương án cụ thể về việc có đánh thuế lãi tiền gửi hay không.

Đề xuất áp thuế với khoản lãi tiền gửi ngân hàng, năm 2017, một chuyên gia kinh tế từng đề xuất đánh thuế thu nhập từ lãi tiết kiệm với những khoản lãi lớn, hàng trăm triệu đồng. Bởi việc nhận lãi hàng trăm triệu đồng/ năm được xem là đầu tư và cần phải tính thuế.

Về việc này, chị Đậu Kiều Ly (quận Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ, gửi tiền vào ngân hàng để có lãi nhưng mức lãi đó so với lạm phát, giá cả leo thang hàng ngày còn không đủ bù đắp. “ Cứ cho là gửi tiết kiệm 1 tỷ đồng, hàng tháng có tiền lãi tầm 5,5 - 6 triệu đồng, thì mức lãi này cũng chỉ bằng một suất lương hưu trung bình, không đủ trang trải cho sinh hoạt phí hàng tháng. Chưa kể, phần lớn tiền gửi tiết kiệm là tiền tích cóp được của 5 năm, 10 năm, 20 năm. Tính thuế tiền lãi tiết kiệm là bất hợp lý” - chị Ly nói.

Đồng quan điểm, chị Trịnh Thùy Trang (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho rằng, không có khả năng đầu tư, kinh doanh thì mới chọn giải pháp gửi tiết kiệm ngân hàng. Trong khi buôn đất, buôn nhà, đẩy giá bất động sản tràn lan lên thì thuế còn bỏ lọt, nếu mà tiền lãi ngân hàng bị tính thuế thì tận thu của người dân quá.

Nhiều người khi trao đổi về đề xuất tính thuế tiền lãi tiết kiệm của UBND tỉnh Cần Thơ cũng đã có phản ứng. Phần lớn cho rằng, nhiều người dân đi làm, tiết kiệm cả một đời hay đi làm nhưng không có lương hưu, tích cóp một khoản tiền gửi ngân hàng lấy lãi để duy trì cuộc sống hàng tháng và chi tiêu y tế khi về già. Vậy nên đề xuất thu tiền thuế trên phần lãi tiền tiết kiệm là rất vô lý và không nhân văn.

Giới chuyên gia cũng lo ngại việc đánh thuế lãi tiền gửi tiết kiệm sẽ khiến nguồn huy động vốn của ngân hàng dễ bị tổn thương, đẩy toàn bộ hệ thống vào cuộc chạy đua về lãi suất huy động, điều này quay trở lại áp lực lên các doanh nghiệp do lãi suất cho vay buộc phải tăng theo. Các doanh nghiệp nội địa vốn đã khó khăn lại chồng chất thêm khó khăn.

Chưa kể, nếu việc gửi tiền vào ngân hàng bị đánh thuế, người dân sẽ chọn giải pháp khác thay thế, dòng tiền sẽ chảy vào USD, vàng và các kênh đầu tư khác như tiền ảo, bất động sản, chứng khoán… Chưa kể trong một số trường hợp, người già về hưu có thể gặp bất trắc khi chọn các kênh đầu tư thiếu an toàn khác.

Theo giới chuyên gia, bản chất của thuế là phân bổ lại thu nhập trong xã hội và tạo ra sự công bằng. Tuy nhiên, không phải bất kỳ thu nhập nào của người dân cũng thu thuế được, vì hầu hết tất cả thu nhập của người dân đều bị điều chỉnh bằng nhiều sắc thuế, không hình thức này cũng là hình thức khác. Chẳng hạn, những người có thu nhập vượt ngưỡng được miễn trừ gia cảnh cũng phải chịu thuế thu nhập cá nhân. Tương tự, DN phải đóng thuế thu nhập DN…

Chưa kể giai đoạn hiện nay, nền kinh tế và cụ thể là cộng đồng DN đang khó khăn và rất cần vốn. Trong khi đó, vốn huy động từ dân cư chiếm vai trò rất quan trọng.

Thúy Hằng

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/can-nhac-khi-danh-thue-tu-lai-tien-gui-tiet-kiem-10300140.html
Zalo